Giữa chốn Sài Thành ồn ào, tấp nập nhưng ở đâu đó vẫn có những người thầm lặng để cưu mang, nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh đang cần một bờ vai nương tựa. Không ai khác đó chính là chị Phạm Thiên Đơn – người đã giúp không ít những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ đến với mái ấm Hoa Mẫu Đơn.
Chị Phạm Thiên Đơn |
Người “bước” ra từ câu chuyện cổ tích
Khi còn nhỏ, chúng ta thường được ông bà, cha mẹ kể những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết. Tuy trong tâm thức của mỗi người, những nhân vật đó không hề có thật. Nhưng với việc làm đầy nghĩa tình chị Thiên Đơn đã trở thành người hóa thân và bước ra từ những câu chuyện cổ tích ấy.
Giữa chốn Sài Thành, hàng trăm công việc chờ đón nhưng chị Đơn vẫn chọn việc lượm ve chai làm kế mưu sinh đơn giản là vì làm công việc này chị có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu và cảm thông với những người nghèo.
Hàng ngày, với đôi quang gánh trên vai, chị rong ruổi khắp các nẻo đường, ngõ hẻm của thành phố để nhặt rác, ve chai kiếm sống. Thế rồi, từ công việc này, chị Đơn đã làm quen được rất nhiều những người “đồng nghiệp” cũng hàng ngày bới rác, lượm ve chai, bán vé số kiếm số tiền ít ỏi để mưu sinh. Những đứa con nheo nhóc của họ không có môi trường sống và học tập nên cũng làm đủ các công việc như cha mẹ chúng và thậm chí là móc túi, chôm chỉa, cướp giật… Buổi tối, chúng kéo nhau về công viên tụ họp, la hét chửi mắng rồi tản về các ngả đường, vỉa hè, cầu cống ngủ và bắt đầu ngày mới. Không nhà, không tình thương, không học hành, bọn trẻ chỉ biết sống lay lắt qua ngày để mặc cho số phận trôi nổi. Nhưng rồi, tương lai của chúng sẽ đi về đâu? Không được học hành, dạy dỗ chúng sẽ trở thành những con người góp phần làm nên những tệ nạn xã hội… Trăn trở, đau lòng cho những đứa nhỏ bé bỏng ấy, chị Đơn quyết tâm mang đến cho chúng tình thương, một mái nhà và cái chữ. Chị bắt đầu lân la làm quen và chơi đùa với bọn trẻ mỗi đêm ở công viên Hòa Bình. Và thế rồi, với số tiền ít ỏi dành dụm được sau những lần nhặt rác, chị Đơn mua cho bọn trẻ bút chì, vở viết và dạy chúng học. Cảm nhận được sự say mê và ước mơ của những đứa trẻ tội nghiệp, chị Đơn thuê nhà và dành nhiều thời gian để dạy học cho bọn trẻ. Trải qua những khó khăn, thử thách, chị Đơn không nản chí vẫn tiếp tục giúp các em lang thang cơ nhỡ được học tập, sinh sống và bảo vệ trong tình thương yêu của mình.
Nỗ lực giúp trẻ có thêm môi trường học tập
Sau 11 lần di dời chỗ ở, đến nay, cơ sở của chị Đơn đã được cấp giấy phép hoạt động tại số 25/30 Đoàn Giỏi, Sơn Kì, Tân Phú. Ngôi nhà của chị là mái ấm che chở cho hơn 50 mảnh đời tội nghiệp từ 2 tháng đến 18 tuổi.
Ngoài việc giúp các cháu học tập chị Đơn còn tạo điều kiện để trẻ được học thêm các môn như: xiếc, vẽ, múa, bơi lội, tiếng Anh… để có thể phát triển toàn diện.
Sẻ chia và hiểu tấm lòng của chị Đơn, hàng ngày, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong địa bàn thành phố vẫn tìm đến đây để sinh hoạt, vui chơi và dạy học cho các em. Đặc biệt, cuối năm 2011, sinh viên của Singapore đã đến với mái ấm của chị Đơn để tìm hiểu thực tế về môi trường sống và học tập của các em.
Không dừng lại ở đó, chị Đơn muốn mang đến môi trường học tập, vui chơi của các cháu nhỏ từ 0 đến 5 tuổi nên chị đã đề ra kế hoạch mở cơ sở 2 “nhà mầm non Hoa Mẫu Đơn” tại số 1014/62/18 Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình. Với mục đích chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện qua 5 mặt: trí, đức, lao, thể, mỹ để trẻ bước vào cấp I.
Do vậy, để có một môi trường tốt cho trẻ thì đòi hỏi cơ sở vật chất hoàn thiện như: 1 thang máy, 1 hệ thống vệ sinh đúng mẫu, đồ dùng bếp, dụng cụ vệ sinh…
Để làm được điều này thì một bờ vai gầy với đôi quang gánh trên vai không biết đến bao giờ chị Đơn có thể làm được? Do vậy, chị phải nhờ cậy vào rất nhiều những tấm lòng hảo tâm, mạnh thường quân… để giúp “nhà mầm non Hoa Mẫu Đơn” sớm đi vào hoạt động.
Trần Kiệt
Bình luận (0)