Một vạt rừng trên đảo Sumatra cháy. Ảnh: asiancorrespondent.com.
Giới chức Indonesia thông báo rằng ít nhất 138 đám cháy đang hoành hành trong các khu rừng trên đảo Sumatra. Những vụ cháy như vậy thường xảy ra vào mùa khô – từ tháng 6 tới tháng 9. Ngoài ra, cháy rừng còn xảy ra do nông dân đốt rừng để trồng cọ. Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore thông báo chỉ số ô nhiễm không khí tại nước này vào lúc 13h chiều nay là 104 – vượt mức an toàn đối với sức khỏe của người. Thậm chí chỉ số này còn tăng vọt tới 152 vào tối qua – mức cao nhất trong 16 năm qua, Straits Times đưa tin.
"Từ lâu, những lợi ích thương mại tại Indonesia đã lấn át những lo ngại về môi trường. Tôi sẽ thảo luận với người đồng nhiệm bên phía Indonesia để ông ấy thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình", ông Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên nước Singapore, bình luận trên Facebook.
Chính phủ Singapore đã yêu cầu Bộ Môi trường Indonesia thực hiện những biện pháp khẩn cấp để giảm khói. Bộ Lao động Singapore khuyên công chức hạn chế lao động nặng nhọc ngoài trời.
Bộ Môi trường Malaysia thông báo chỉ số ô nhiễm không khí tại đây cũng vượt qua ngưỡng an toàn đối với người.
"Mọi người nên giảm hoạt động ngoài trời và uống nhiều nước trong thời gian này", Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak viết trên Facebook. Ông cảnh báo rằng mật độ khói sẽ còn tăng trong những ngày tới.
Bán đảo Mã Lai thường xuyên hứng chịu khói từ những trận cháy rừng trên các đảo Borneo, Sumatra và Kalimantan trong nhiều thập kỷ qua.
Số lượng vụ cháy rừng đạt mức cao nhất vào năm 1997. Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế, những vụ cháy rừng năm 1997 gây thiệt hại khoảng 3,5 tỷ USD cho nền kinh tế của Indonesia, Malaysia và Singapore.
Theo Minh Long (VNE)
Bình luận (0)