Hội nhậpThế giới 24h

ARF thúc giục soạn thảo COC

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

CHDCND Triều Tiên kêu gọi Mỹ ký hiệp ước hòa bình chính thức trước khi đòi hỏi nước này phi hạt nhân hóa

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã diễn ra ở thủ đô Bandar Seri Begawan – Brunei hôm 2-7 với sự tham gia của ngoại trưởng 27 nước thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và các đối tác như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhiều vấn đề nóng đã được bàn thảo tại hội nghị thường niên này, trong đó đáng chú ý là vấn đề biển Đông và chương trình tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Hội nghị diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang đối mặt với sức ép từ những tuyên bố chủ quyền phi lý của mình ở biển Đông. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng thúc giục các cuộc hội đàm mang tính thực chất về việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm giảm thiểu các cuộc xung đột hàng hải và tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Tuyên bố này được cho là nhằm vào Trung Quốc bởi nước này lâu nay không mấy mặn mà về chuyện thiết lập COC. Trong khi đó, Philippines đã cảnh báo rằng việc Trung Quốc tăng cường quân sự trên biển đe dọa đến hòa bình trong khu vực.
 
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 2-7. Ảnh: REUTERS
Tại ARF năm nay, theo hãng tin Kyodo, ngoại trưởng các nước thành viên đã hoan nghênh các cuộc thương thảo đã lên kế hoạch giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC. Nhiều thành viên bày tỏ hy vọng các cuộc thương thảo sẽ sớm dẫn đến việc soạn thảo một COC hiệu quả.
Tại cuộc họp hôm 1-7, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí tiến hành một cuộc họp tham vấn về COC vào tháng 9 tới tại Bắc Kinh để thảo luận về việc thúc đẩy tiến trình này. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho rằng với bước đi trên, Trung Quốc chỉ muốn “giảm bớt những chỉ trích” hướng vào họ, đồng thời tạo cảm giác rằng “đang có sự tiến triển”. Theo ông, Bắc Kinh đang phát đi một thông điệp mâu thuẫn bằng cách điều một lượng lớn tàu cá hoặc tàu thực thi pháp luật đến những vùng biển đang có tranh chấp.
Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Triều Tiên cũng thu hút nhiều chú ý tại ARF năm nay sau những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên do vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng. Tại hội nghị, Ngoại trưởng Triều Tiên Pak Ui-chun tuyên bố Mỹ phải đồng ý thay thế thỏa thuận đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 bằng một hiệp ước hòa bình chính thức trước khi đòi hỏi nước này phi hạt nhân hóa. Theo ông, Washington nên ký hiệp ước hòa bình trước tiên và Bình Nhưỡng sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào khác để trở lại bàn đàm phán. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington sẵn sàng hội đàm với Bình Nhưỡng nếu nước này tiến hành những biện pháp cụ thể và có ý nghĩa hướng đến việc phi hạt nhân hóa. Riêng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên để giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu với các phóng viên sau hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nhiều thành viên ARF đã “chỉ trích mạnh mẽ” vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên cũng như những lời lẽ khiêu khích nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ. Trong khi đó, người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se cho biết hội nghị đã phát đi thông điệp mạnh mẽ đến Triều Tiên rằng nước này phải phi hạt nhân hóa và tránh những hành động khiêu khích.
An toàn hàng hải là lợi ích của khu vực
Phát biểu tại Hội nghị ARF, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng trước những thay đổi của tình hình an ninh khu vực và thế giới, ARF một mặt tiếp tục tăng cường xây dựng lòng tin nhưng mặt khác cũng cần thúc đẩy hơn nữa năng lực ngoại giao phòng ngừa, ủng hộ nâng cao vai trò của các quan chức quốc phòng… Sau đó, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS), Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ quan điểm cần tăng cường vai trò của EAS trong việc xây dựng các quy tắc và khuôn khổ khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Đông Á.
Về vấn đề biển Đông, trong trao đổi tại các hội nghị, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải là mối quan tâm chung và là lợi ích của khu vực cũng như của các nước. ASEAN và các nước cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đóng góp vào các mục tiêu chung này, nhất là khi khu vực có những diễn biến phức tạp. Theo TTXVN, bộ trưởng đề cao Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về biển Đông và nhấn mạnh các nguyên tắc về xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Chiều cùng ngày, bên lề các Hội nghị ARF và EAS, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trao đổi một số vấn đề song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế mà 2 bên cùng quan tâm. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước trong thời gian tới. Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn ông John Kerry trên cương vị ngoại trưởng sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)