Hội nhậpGiáo dục phát triển

Đào tạo liên thông – Giải pháp phân luồng sau THCS và THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hành lắp đặt hệ thống điện ở ĐH Nha Trang

Lúng túng khi chọn cho mình một nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông là tâm lý chung của phần lớn học sinh hiện nay. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT xem ra chưa hiệu quả, và tình trạng thừa thấy thiếu thợ vẫn là bài toán nan giải. Đào tạo nguồn nhân lực cao chưa đáp ứng nhu cầu xã hội… Trong bối cảnh đó, đào tạo liên thông tạo điều kiện thuận lợi cho người học chuyển đổi nâng cao bậc học khi có nhu cầu, đem lại hiệu quả kinh tế trong đào tạo và đặc biệt nếu làm tốt đây sẽ là giải pháp hữu hiệu góp phần phân luồng học sinh sau THCS – THPT.

Nhìn tổng thể bức tranh nguồn nhân lực nước ta có thể nhận thấy rằng: Tình trạng thừa lao động có trình độ đại học và thiếu lao động có trình độ THCN, tay nghề cao. Thực tế cho thấy, khi mục đích hướng nghiệp và cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường lao động trong các nhà trường phổ thông nhằm giúp học sinh định hướng lựa chọn ngành nghề thích hợp với khả năng bản thân cũng như phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động cũng đã được đặt ra, nhưng nhìn chung hiệu quả đem lại chưa cao. Điều này dẫn tới một hệ quả là học sinh tốt nghiệp phổ thông lựa chọn ngành nghề cho tương lai hoàn toàn chỉ theo cảm tính, thấy trường nào, ngành nào có nhiều chỉ tiêu, mang tính thời thượng thì học các ngành nghề đó chứ không căn cứ vào những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra của xã hội. Ở trường phổ thông là vậy, nhưng đến khi vào các trường CĐ, THCN&DN thì với yêu cầu đặt ra của thị trường lao động đối hệ thống giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp là tạo ra một đội ngũ những người lao động có tri thức, tay nghề, để sao cho lao động phải nhanh chóng thích nghi với thay đổi của thị trường lao động. Nhưng xem ra cho đến thời điểm này hệ thống các trường này cũng lại cũng chưa bắt kịp so với yêu cầu đặt ra của xã hội với những đổi mới công nghệ nhanh chóng. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy không ít kỹ năng nghề nghiệp vừa được học trong nhà trương khi ra thực tế không phù hợp. Trong khi đó nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động là cập nhật tri thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cấp chuyển đổi lên bậc học cao hơn đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của trình độ khoa học công nghệ hiện nay.

Ngược trở lại thời gian trước, một số trường đại học đã cho phép sinh viên vào học và miễn trừ một số môn đã học và thời gian học được rút ngắn đi. Và một số trường đã tuyển sinh những học sinh không đủ điểm vào đại học vào học hệ cao đẳng. Nhưng quy định phải học xong bằng cao đẳng mới được thi tuyển lên đại học, do chương trình cao đẳng chưa được thiết kế liên thông không có khả năng chuyển đổi nên sinh viên vẫn phải học lại một số môn và để có được tấm bằng đại học phải mất từ 6 – 6,5 năm. Hoặc như việc đào tạo 2 giai đoạn trong các trường đại học thời gian trước, cho phép sinh viên học xong giai đoạn I ở trường này có thể thi sang trường khác để học tiếp giai đoạn 2, nhưng do chưa có sự giám sát thực hiện cũng như điều kiện đảm bảo chất lượng thiếu thống nhất nên dẫn tới mỗi trường làm một cách, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến người đi học, mất thời gian phải học lại, tốn kém tiền của cho cả người học lẫn xã hội. Còn ở một số trường cao đẳng, đã áp dụng cách thức đào tạo là tạo điều kiện thi lên bậc học cao hơn cho những học sinh THCN với học lực khá và có nguyện vọng muốn học lên. Tuy nhiên nội dung chương trình đào tạo vẫn chưa được xây dựng dựa trên khung thống nhất, chưa phù hợp với thực tế. Có trường THCN khi thiết kế ngành và chương trình đào tạo không quan tâm việc chuyển đổi kết quả học tập cho bậc học tiếp ở CĐ và ĐH. Chính vì thế những trường này đã tự tạo ra “ngõ cụt” cho chính mình. Thực tế trên đòi hỏi cần chuẩn hoá ngành đào tạo cũng như việc xây dựng được những tiêu chí thống nhất về đào tạo ở các cơ sở này để khẳng định chất lượng chuyển đổi tương đương nhau.

Chính vì lẽ đó, vấn đề đặt ra cho các nhà trường là phải có một loại hình đào tạo linh hoạt, thích ứng với nhu cầu biến động của thị trường lao động. Lời giải cho bài toán đó chính là mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học, cho phép người học được học lên những bậc học cao hơn và miễn trừ việc học lại những kiến thức và kỹ năng thu nhận được ở các bậc học dưới – đây là xu hướng mà nhiều quốc gia khác đã và đang thực hiện. Và một lý do thuyết phục khác nữa là liên thông cũng sẽ phần nào giải tỏa tâm lý “xã hội hóa đại học” hiện nay vì vào học các trường THCN&DN không phảI ngõ cụt cho những người muốn học cao hơn khi điều kiện cho phép. Có thể xem đây là một trong các giải pháp hợp lý, vì ĐTLT vừa đáp ứng ngay lực lượng lao động chuyên nghiệp, tạo hướng mở cho những người có nguyện vọng học cao hơn. ĐTLT là quá trình đào tạo cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện của người học từ một bậc học này tới một hoặc một số bậc học khác trong hệ thống đào tạo mà không cần phải học lại những kiến thức và kỹ năng thu nhận được từ các giai đoạn học tập trước. Với mục đích nâng cao hiệu quả trong đào tạo trên cở sở giảm thời gian đào tạo lại những kiến thức và kĩ năng mà người học đã thu được ở các bậc học khác. Sử dụng một cách thông minh và có hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có của các cơ sở đào tạo và phù hợp với khả năng kinh tế của xã hội. Từ thực tế đang triển khai ở Đại học Công đoàn, những thí sinh thi đại học không đủ điểm có thể học cao đẳng, tốt nghiệp cao đẳng sẽ được thi lên đại học, nếu đỗ sẽ được theo học với chương trình liên thông, miền trừ những môn đã học ở cao đẳng, điều này đã tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền của cho các em và gia đình, loại hình đào tạo này đã thu hút được nhiều người học và sự quan tâm của xã hội.

Đến thời điểm này, ĐTLT đã đi được một chặng đường cho thấy đây là giải pháp tích cực hơn cả, vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho các bậc học, ngành học lại vừa thỏa mãn nhu cầu học đại học của xã hội và quan trọng hơn cả là nếu thực hiện tốt thì đây sẽ là giaiI pháp hữu hiệu nhất để phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Tuy nhiên hình thức đào tạo này có đặc thù riêng vì liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Do vậy rất cần có sự phối hợp đồng bộ để cùng đề ra hướng phát triển sao cho tối ưu nhất cũng như khắc phục những khó khăn nảy sinh. Bên cạnh đó, các trường trong hệ thống cần phát huy vai trò tự chủ, năng động sáng tạo, nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Về phía người đi học, cần nhận thức rằng hình thức đào tạo này là một hướng mở đáp ứng nhu cầu học tập, giúp họ nâng cao trình độ, bằng cấp, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Chỉ có thế ĐTLT mới phát huy được hết tính tích cực của loại hình đào tạo này.

Đoan Trang (GD&TĐ)

Bình luận (0)