Những món đồ được chủ nhân trao tay người nhận với sự e dè, không thoải mái, và hiện trạng của những món đồ đó khi được trả lại thì hỡi ôi…
Những người mượn “đẹp”
Thực ra vẫn có những bạn cư xử một cách rất lịch sự và sòng phẳng trong việc mượn đồ đạc của bạn bè. Như Q (lớp 12 trường C), trong một lần nói chuyện vui vẻ về chủ đề sách với K , Q đã ngỏ ý hỏi mượn K quyển 1 truyện Harry Porter. K thì trong lúc vui vẻ cũng đã lỡ nói mình có đầy đủ cả bộ truyện nên cũng khó tìm cách thóai lui vì bản thân K cũng rất quý bộ truyện này. Ngần ngừ hồi lâu K cũng quyết định đem cho Q mượn. Thật bất ngờ khi một tuần sau K nhận lại từ tay Q quyển sách của mình đã được Q đem đi ép lastic cẩn thận, quyển sách vẫn thẳng thớm thậm chí sau khi ép lastic còn đẹp hơn lúc Q đưa K. Q còn đem cho K mượn một quyển sách hay khác của mình, xem như là có qua có lại. Q hòan tòan chiếm được lòng tin của K ở những lần mượn sau.
Hay như T (lớp 12 trường H), sắp đến ngày hẹn đầu tiên với bạn gái mới quen, T sáng nhà D – bạn chí cốt – hỏi mượn chiếc Max đỏ của D để chở nàng vi vu thay vì cọc cạch với chiếc xe đạp cà tàng. Hiểu được tâm trạng của bạn mình nhưng D rất quý con Max của mình, T năn nỉ mãi D cũng phải xiêu lòng, cho T mượn mà tâm trạng phập phồng. Nhưng khi được trả về thì “em” xe của D đã được T đem ra tiệm rửa xe rửa cho bóng lóang như mới, thậm chí T còn dán cả đề can chống trầy cho con xe của D, coi như một sự cảm ơn.
Những người mượn “hồn nhiên”
Chỉ cần nhắc đến tên V (lớp 11 trường K) cũng đủ làm cho bạn bè lắm đầu ngán ngẩm. Nhìn thấy bạn bè túm năm tụm ba bên một tờ báo hay một quyển sách là V âm thầm đến thỏ thẻ xin chủ nhân được mượn về nhà. Ban đầu thì đa số vui vẻ cho mượn, nhưng 1 tuần, 2 tuần sau vẫn không thấy V trả, phải lên tiếng đòi, khi nhận lại thì hiện trạng của những quyển sách, những cuốn tạp chí mới tinh thẳng thớm nhàu nàt, quăn góc, thậm chí sút bìa cứ như vừa được lôi ra từ một hàng ve chai, chưa kể những poster ca sĩ trong tờ báo bị xé thẳng tay không thương tiếc, những đĩa phim thì trầy trụa. Nhìn thấy gương mặt hậm hực của chủ nhân, V chỉ cười xòa “Mấy đứa em ở nhà V nghịch quá”! Thế vẫn chưa đáng sợ bằng chuyện cô nàng thích tờ báo hay đĩa phim đó quá và lơ luôn. “Ủa V có mượn hả ?” hay “V nhớ đâu có mượn cái đó đâu” là câu cửa miệng của V khi có mưu đồ chiếm đọat luôn món đồ. Bạn bè phải sang đến tận nhà V đòi trước mặt mẹ V mới lấy lại được, không ai cho V mượn đồ lần thứ hai và cũng không ai dám chơi thân với V nữa.
Một ví dụ khác là trường hợp của H (lớp 12 trường T). Biết S, bạn mình mới sắm chiếc laptop mới cáu cạnh, H thích quá nên nằn nì mượn cho bằng được. H phải bảo là mượn để tiện làm power point cho bài thuyết trình trên máy tính sắp tới của tổ, S mới miễn cưỡng đồng ý. Năm ngày sau nhận lại chiếc laptop yêu quý từ H thì ở chỗ di chuột trên laptop có 1 vết xước dài rõ to, S lên tiếng trách móc thì H không những không xin lỗi mà trắng trợn bảo là từ khi mượn nó đã thế rồi. S về nhà mở máy thì phát hiện máy đã bị virus nặng, anh của S kiểm tra và bảo đây là lọai virus trong các trang web đen, S bị anh mắng vì nghi ngờ S đã vào những trang web đó. S thực sự tức giận khi biết H không hề mượn máy để làm bài thuyết trình nào cả mà để xem những bộ phim đen trên máy mà không bị bắt gặp. S không bao giờ làm bạn với H nữa.
Kết
Mượn đồ đạc của nhau là việc phổ biến trong mối quan hệ bạn bè, tập thể, nhưng hãy là một người mượn tử tế và sòng phẳng để chủ nhân của món đồ yên tâm và thỏai mái khi giao cho bạn. Nếu mang tư tưởng “không phải đồ của mình thì việc gì phải giữ gìn” thì người khác không những không dám cho bạn mượn lần hai mà tiếng xấu của bạn sẽ bị lan truyền để mọi người đề phòng. Việc là một người mượn đồ có văn hoá thể hiện bạn biết tôn trọng người khác và muốn người khác tôn trọng mình.
Theo MTO
Bình luận (0)