Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Huyễn hoặc chính mình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thật lạ khi có những người cứ tự huyễn hoặc mình, tự cho mình là “sao” dù ánh hào quang toả ra từ họ mới chỉ ở mức độ ánh sáng của một…chú đom đóm mà thôi.

 "Hào quang" tự tạo

Bạn bè ai cũng biết H.Y có một công việc làm thêm tương đối ổn so với những ai đang là học sinh. Quá tự hào với công việc này nên gặp ai H.Y cũng khoe. Hết khoe trực tiếp lại khoe gián tiếp (kiểu khoe khéo ý ạ), hết khoe ở ngoài thì lại khoe trên blog. Thậm chí, về thăm cô giáo cũ mà “nàng” cũng không tha khi “một tấc lên trời” về cái gọi là “công việc” của mình. Gặp bạn bè, bao giờ H. Y cũng than thở: “Tớ bận quá, công việc ngập đầu ngập cổ”. Chỉ đợi bạn bè ngơ ngác: “Việc gì mà bận thế?” là nàng ta “mở máy” luôn về công việc của mình. Lâu dần, bạn bè bíêt tính nên cũng tránh gặp mặt H. Y. Mỗi lần nói với nhau về H. Y là bạn bè cũ của Y lại nhìn nhau đầy ẩn ý, kiểu như: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Không khác với Y là mấy, T cũng mắc bệnh tự hào về bản thân một cách trầm trọng. T có nhan sắc thuộc hàng xinh xắn của lớp. Hình như sợ mọi người không nhận ra vẻ đẹp của mình nên mỗi khi tới lớp, nàng ta trình diễn dủ mọi loại thời trang, mà trong đó, nhiều bộ được bạn bè nhận xét là ”kinh dị”. Đặc biệt là khi mùa hè tới, cả lớp sẽ phải” nổ đom đóm” mắt vì những bộ quần áo thiếu vải và “mỏng như không thể mỏng hơn” của T.

Thỉnh thoảng, nàng còn lên giọng: “Hôm nay, tớ phải đi chụp hình cho báo này, báo kia”. Thực chất, cái ảnh đấy chỉ là 1 cái ảnh bé tẹo, minh hoạ cho 1 bài viết mà thôi.

H. Y và T là hai trong số rất nhiều những teen hay tự huyễn hoặc chính mình như thế. Khi blog, diễn đàn và các phương tiện thông tin đang rất phát triển thì việc chuyển tải hình ảnh một cá nhân nào đó thật rộng rãi không còn là một điều gì đó không tưởng nữa. Ăm ắp trên internet là những trang blog mà nhiều khi người lập ra chúng chỉ với mục đích “nổ cho vui”. Chỉ tội cho người xem khi dạo qua những blog như thế.

Những điều đánh mất

Khi quá ngộ nhận về ánh hào quang do chính mình tạo ra, họ đều không biết rằng, họ đang đánh mất những thứ quý giá:

– Tình bạn:

Hẳn là vậy rồi. Ai mà chịu nổi khi chơi cùng một cô bạn/ cậu bạn suốt ngày lải nhải cái điệp khúc: “Tớ thế này, tớ thế kia, tớ á…” Dường như với họ, bạn bè chỉ là những người lắng nghe màn tự ca ngợi của mình mà thôi.

– Sự khiêm tốn:

Người ta bảo “một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu". Nhưng với những nhân vật này, có lẽ phải nói câu trên bằng cách nói ngược lại mới đúng. Cứ cái đà, mười phút nói về mình như họ, thì chắc chắn chẳng chóng thì chầy, họ sẽ bị người xung quanh chê cười với cái lắc đầu ngán ngẩm: “Tưởng gì, hoá ra chỉ là thùng rỗng kêu to mà thôi!”

– Niềm tin

Là bạn, bạn có được những ngưòi chỉ biết có mình thôi không? Có lẽ, khi giao việc gì cho họ, bạn sẽ phải tự hỏi, với công việc này thì thời gian học dành để làm việc có nhiều bằng thời gian họ “lăng xê” bản thân không?

– Sự trưởng thành:

Luôn tự tin quá mức về bản thân, họ không bao giờ chịu ghi nhận những lời nhận xét, góp ý chân thành từ gia đình, thầy cô, bè bạn đâu. Cứ thử góp ý cho họ xem, coi chừng, chính bạn sẽ “được” họ dạy lại cho ý chứ.

***

Tự tin là rất tốt, nó sẽ giúp cho chúng ta dám tin, dám làm với khả năng của chính mình. Nhưng tự tin quá thì lại phản tác dụng đấy bạn ạ. Nó sẽ khiến bạn trở thành một kẻ đang huyễn hoặc chính mình. Cứ thử nghĩ đến những hệ luỵ của căn bệnh này, bạn có còn muốn “tự tin quá mức” nữa hay không?

 

Theo MTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)