Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không thiếu lớp học hè cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ tập môn thể dục nhịp điệu của trẻ tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP (ảnh chụp 29-5)

Vào những ngày hè, các bậc phụ huynh (PH) thường đưa con em mình đến các lớp thể dục, nghệ thuật. Với không gian vui chơi, tập luyện thú vị và bổ ích, không chỉ giúp trẻ em có điều kiện phát triển tốt về thể lực, trí tuệ mà còn giúp các em hoàn thiện về kỹ năng ngôn ngữ.
Bà Trần Thị Kim Định, Phó giám đốc Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP cho biết: “Để các em có những ngày hè vui chơi bổ ích, theo yêu cầu của các PH, chúng tôi cũng như nhiều trung tâm khác đã mở rộng chương trình dạy, cũng như đa dạng hóa các môn học vì lúc này, các em được nghỉ học nên số lượng đăng ký nhiều hơn”.
Nhiều sự chọn lựa
Tùy theo độ tuổi, thể lực mà các PH lựa chọn cho con em mình lớp học khác nhau. Trẻ từ 4-6 tuổi thường vào học các lớp vận động nhẹ như thể dục nhịp điệu, múa, vẽ. Trẻ từ 7-12 tuổi có thể tham gia vào các lớp học nghiêng về rèn thể lực nặng hơn như cầu lông, bóng bàn, taekwondo, karatedo, bơi lội… hoặc những môn rèn luyện tư duy như cờ vua, cờ vây, cờ tướng… Chị Phạm Hồng Thanh (Q.1) chia sẻ: “Hè năm nào tôi cũng cho con đến học lớp thể dục nhịp điệu để cháu rèn luyện sức khỏe cũng như có không gian vui chơi thoải mái cùng các bạn. Mức học phí các lớp học này không quá cao, khoảng 200.000 đồng/ khóa 2 tháng, nên việc cho con đi học không phải là quá khó”.
Không giống với việc học ở trường, tham gia vào các lớp học hè, cường độ vận động của trẻ tăng lên rõ rệt. Đơn cử như môn thể dục nhịp điệu, trẻ được học đến 1 tiếng, trong khi đó tại lớp học thường, các em chỉ học 30 phút. Và quan trọng hơn là ở đây, trẻ có không gian học thoải mái, vừa học, vừa giao lưu cùng các bạn, được tham gia vào các cuộc thi nhỏ kết hợp với môn học, chính điều này giúp trẻ cảm thấy hứng thú khi đến lớp.
Là nơi phát triển toàn diện
Môi trường rèn luyện thể dục, thể thao không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp trẻ phát triển tốt hơn nhiều kỹ năng khác, bổ trợ cho việc học văn hóa cũng như hình thành nên tính cách trẻ.
“Bé Thùy Linh (5 tuổi, Q.3) bị hen suyễn, trước kia hay lên cơn nhiều lần mỗi tháng. Từ khi tham gia vào lớp múa vòng thường xuyên, các cơn hen của bé giảm xuống rất nhiều, chỉ còn vài lần trong năm, sức khỏe khá lên hẳn. Sau một thời gian ngắn, từ một người nhút nhát, ít nói, bé trở nên mạnh dạn, biết bắt chuyện với các bạn xung quanh”, cô giáo Lê Thị Mỹ Dung, dạy tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP cho biết như thế.
Thông qua cách dạy gợi mở, các cô giúp trẻ bộc lộ sở thích, thể hiện ra những điều bản thân mong muốn cũng như khả năng của mình. “Khi học môn mỹ thuật, ngoài việc học lý thuyết, vẽ theo chủ đề, trẻ còn được khuyến khích vẽ bất kỳ điều gì mình thích, liên quan đến ai, tặng ai hay ước mơ tương lai như thế nào… Việc khuyến khích này giúp trẻ bộc lộ óc sáng tạo của mình. Khi làm được một điều gì đó, trẻ cảm thấy rất vui, hãnh diện, từ đây tăng thêm niềm ham mê học hỏi trong trẻ. Đây là phần giúp trẻ có được tính mạnh dạn trong học tập, năng động và sáng tạo hơn”, bà Kim Định khẳng định.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Môi trường vừa học vừa tập thoải mái, mang tính gợi mở còn tạo cơ hội cho trẻ được nâng cao khả năng ngôn ngữ, hoàn thiện hơn về kỹ năng ngôn ngữ. Và cũng từ môi trường này, nhiều trẻ có năng khiếu đã được phát hiện. Nhiều em ở các lớp năng khiếu có thể trở thành những tài năng trong tương lai.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)