Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xin trả lại mùa hè cho em!

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà giáo dục lại cho học sinh nghỉ hè. Đây là thời gian để các em xả strees, tham gia các trò chơi vận động… Tuy nhiên, do sân chơi cho thiếu nhi vừa thiếu vừa yếu nên phần lớn các em chỉ biết nghỉ hè theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình…

Nghỉ hè… trong 4 bức tường

Hàng ngàn trẻ đang phải nghỉ hè trong bốn bức tường như thế này (ảnh chụp tại lớp luyện chữ ở Nhà thiếu nhi Thành phố)Mặc dù nghỉ hè đã hai tuần, nhưng cũng như trong năm học, không bữa nào Thịnh (lớp 6 Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1) được ngủ “nướng”. Mỗi buổi sáng Thịnh phải dậy từ 6 giờ sáng, từ thứ hai đến thứ sáu thì sang bà ngoại, thứ bảy và chủ nhật đi học tiếng Anh. Ở bên bà ngoại, một bà một cháu nên Thịnh chỉ biết coi phim hoạt hình, chơi game, đọc chuyện, ăn và ngủ. Và vào năm học mới nào cũng vậy, tháng đầu tiên vào lớp Thịnh cứ ngơ ngác như người từ trên trời rơi xuống. “Biết vậy nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Cho đi sinh hoạt ở nhà thiếu nhi (NTN) thì không ai đưa rước, còn thả ra ngoài cho nó tự tìm bạn thì không yên tâm”, chị Hạnh – mẹ bé Thịnh cho biết.

Tuy không bị “giam lỏng” trong nhà như Thịnh nhưng Thúy Vy (lớp 4 Trường TH Nguyễn Thái Sơn, Q.3) cũng phải “vui” hè trong bốn bức tường của NTN Thành phố. Hôm thì học đàn, hôm khác học vẽ, học luyện chữ, học tiếng Anh… nói chung thời khóa biểu của Thúy Vy được mẹ xếp kín cả tuần. “Con không thích nghỉ hè, vì nghỉ hè cũng phải đi học. Học hè thì không có giờ ra chơi, nên buồn lắm”, Thúy Vy tâm sự. Nhưng mẹ của em cho rằng: “Thời buổi bây giờ mà không có tiếng Anh, không biết đàn hát… thì sẽ bị tụt hậu. Nghỉ học ở trường là phải học thêm học càng nhiều càng tốt”…

Cách “vui” hè của Thịnh và Thúy Vy không phải là cá biệt, bởi phần lớn thiếu nhi ở thành phố, đặc biệt là các quận trung tâm đang phải “nghỉ” hè như vậy. Còn ở các quận ven và ngoại thành thì sao?

Từ hôm nghỉ nghè đến nay, hầu như ngày nào Quang Anh (lớp 5 Trường TH Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) cũng “ngồi đồng” ở tiệm “nét” với rất nhiều game hấp dẫn như đua xe, đánh nhau… nên Quang Anh rất mê. Không chỉ có Quang Anh mà Long, Hùng (lớp 6 Trường THCS Hà Huy Tập) cũng “ăn nằm” thường xuyên ở tiệm “nét” này. Nếu như trong năm học, chỉ thứ bảy, chủ nhật, tiệm “nét” mới đông khách thì dạo này ngày nào cũng “quá tải”. Hai khách chơi chung một máy là chuyện thường…

Bà Trương Ngọc Hoa, Trưởng văn phòng Tư vấn Trẻ em TP tâm tư: “Mỗi ngày chúng tôi nhận cả chục cuộc điện thoại của phụ huynh than phiền về việc con họ mê game hơn cả ăn uống. Có đứa còn lấy cắp tiền của ba mẹ để đi chơi game… Nếu chơi những game lành mạnh mang tính giải trí và mỗi ngày chỉ dành khoảng 1 tiếng để chơi thì cũng tốt. Nhưng chơi đến mức quên ăn, quên uống, lấy cắp tiền của ba mẹ “nướng” vào game thì không thể làm ngơ. Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ 9-10 tuổi cười sảng khoái khi chiến thắng trong những trò chơi bạo lực, điều đó sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tính bạo lực của các em…”.

Chỉ có 5% trẻ sinh hoạt ở NTN

Hiện nay tất cả các quận huyện đều có NTN nhưng thật đáng buồn khi các NTN chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của thiếu nhi.

Được biết, NTN có bốn chức năng: tổ chức vui chơi giải trí, hỗ trợ thực hiện phong trào đội, giáo dục đạo đức và lối sống, phát triển năng khiếu cho thiếu nhi. Tuy nhiên, do điều kiện về kinh phí có giới hạn nên các NTN tỏ ra lúng túng khi thực hiện các chức năng, đặc biệt là chức năng tổ chức sân chơi cho các em.

Hiện nay ở các NTN, những khu vui chơi giải trí rất “nghèo”, hầu như chẳng có gì để chơi. Thậm chí ngay cả NTN Thành phố “hoàng tráng” như vậy nhưng chỉ có thứ bảy, chủ nhật mới tổ chức được một vài trò chơi. Còn các NTN ở quận ven, ngoại thành có vẻ “bết” hơn nhiều, thậm chí có nơi chỉ có trên dưới 300 trẻ sinh hoạt…

Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc NTN huyện Cần Giờ cho biết: “NTN nằm ở thị trấn nên phần lớn là phục vụ trẻ ở đây, còn ở những xã khác do đường sá xa xôi nên các em ít khi đến. Chúng tôi đã xuống từng trường tiểu học, THCS vận động các em đi học năng khiếu với mức học phí rất “bèo” là 10.000đ/tháng (bằng 1/10 ở các NTN khác) thế nhưng cũng chỉ có vài chục em tới lớp. Ngoài ra, NTN luôn mở cửa phòng đọc sách, tạo sân chơi như cầu trượt, đu quay, thứ bảy và chủ nhật còn tổ chức các trò chơi dân gian, vận động nhưng chỉ thu hút được 5-10% trẻ đến tham gia”. Các NTN Q.7, huyện Nhà Bè, Củ Chi… cũng cùng chung cảnh ngộ. Thậm chí các NTN còn phải đưa hoạt động xuống tận phường, xã để phục vụ thiếu nhi nhưng do kinh phí có giới hạn nên mỗi phường, xã thường xuống được một lần.

Bà Thùy Hương, Giám đốc NTN Q.Bình Tân cũng cho biết: “Toàn quận có khoảng 15.000 thiếu nhi nhưng chúng tôi chỉ phục vụ được 300-400 em. NTN hiện chỉ rộng chưa tới 300 m2 thì làm sao dám “bung” ra để hoạt động. Thứ bảy, chủ nhật, trẻ tới chơi nhưng không có chỗ để chơi… Quận đang cho xây dựng NTN mới rộng 5.000 m2, hy vọng lúc đó sẽ đáp ứng được nhu cầu của trẻ”.

Trước một thực tế là thiếu nhi đang bị “bỏ rơi”, bà Trần Thị Kim Định, Phó giám đốc NTN Thành phố cho rằng: “Nếu các NTN được đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức các hoạt động thì chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo thiếu nhi.

Theo số liệu từ Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em TP, năm nào tỷ lệ trẻ chết, tai nạn thương tích trong dịp hè cũng tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trong năm vì lí do không an toàn. Nếu chúng ta không tạo cho em một sân chơi bổ ích thì năm nay và những năm tiếp theo số trẻ tử vong, bị tai nạn sẽ tiếp tục gia tăng…

Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)