Trong môi trường sư phạm, người hiệu trưởng cần quan tâm, chia sẻ những khó khăn trong công việc với GV (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.TRinh |
1. Cô Th. là đảng viên, giáo viên (GV) trẻ, là nguồn GV chủ chốt được đề bạt kế cận 3 năm liền. Từ khi sinh em bé thứ hai, mọi người quan sát thấy cô Th. hay đi trễ, về sớm, bỏ tiết giữa chừng nên nhiều GV trong trường đã phản ánh lên ban giám hiệu. Thầy hiệu trưởng đã ghi nhận các buổi cô Th. đi trễ, sau đó mời cô lên làm việc và yêu cầu cô chấm dứt tình trạng đi trễ, đồng thời nhắc nhở, trừ điểm thi đua. Thầy hiệu trưởng còn yêu cầu cô Th. phải ghi nhận khuyết điểm để sửa chữa.
Trong đợt phân tích chất lượng đảng viên cuối năm, cô Th. được chi bộ góp ý và kết quả phân tích bị thấp hơn so với những năm trước là đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ; cuối năm học số phiếu tín nhiệm của cô trong đội ngũ kế cận cũng chiếm số phần trăm không cao. Cô Th. rất buồn, cuối năm đó cô làm hồ sơ thuyên chuyển sang trường khác…
2. Nếu tôi là hiệu trưởng, khi biết cô Th. thường hay đi trễ, tôi sẽ gặp trực tiếp cô để trao đổi, tìm hiểu đúng nguyên nhân vì sao trước đây cô rất nghiêm túc học tập đồng nghiệp, phấn đấu trong mọi công tác mà bây giờ cô lại thường xuyên đi trễ, bỏ bê công việc. Có lẽ tôi sẽ không hỏi ngay vì sao cô Th. đi trễ mà tôi sẽ hỏi: “Dạo này gia đình cô thế nào, em bé mới sinh có quấy mẹ lắm không, bé có khó ăn không, cô đi làm thì gửi bé cho ai chăm sóc, năm sau cô cho bé lớn vào trường học luôn để mẹ tiện việc đưa đón chăm sóc, an tâm công việc?”… Bằng sự quan tâm của người lãnh đạo, tôi nghĩ cô Th. cũng sẽ trao đổi chân thành những lý do riêng, những khó khăn mà cô gặp phải từ khi sinh thêm bé thứ hai.
Sau khi biết rõ nguyên nhân (khách quan hoặc chủ quan) từ cô Th., tôi sẽ tìm cách giải quyết hỗ trợ cô khắc phục tình trạng trên bằng cách: Chủ động sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, tạo điều kiện cho cô đảm bảo ngày giờ công (trống những tiết đầu). Những ngày cô Th. vắng mặt đột xuất tôi sẽ phân công GV dự khuyết trông lớp cho cô, không cứng nhắc trừ điểm thi đua mỗi lần đi trễ.
Tôi nghĩ, cô Th. sẽ nhận thấy mình được ban giám hiệu quan tâm, sẽ vô cùng cảm kích, cố gắng thu xếp chuyện nhà và trong thời gian ngắn cô sẽ chấn chỉnh lại tác phong trước đây, giữ được lòng tin yêu của đồng nghiệp dành cho mình.
3. Sự hỗ trợ, giúp đỡ cho cô Th. không dừng lại ở bản thân người hiệu trưởng mà còn cần đến sự hỗ trợ, quan tâm của công đoàn trường, tổ khối chuyên môn chia sẻ với cô những tâm tư, nguyện vọng chính đáng để cô vững lòng vượt qua khó khăn, tiếp tục phấn đấu vì thành tích chung của nhà trường. Đây là điểm quan trọng trong cách thức giải quyết vấn đề nảy sinh trong quản lý: Sự phối hợp. Sự phối hợp này cần đảm bảo 4 nguyên tắc: Thứ nhất, người chịu trách nhiệm ra quyết định phải có sự tiếp xúc trực tiếp; thứ hai, sự phối hợp luôn giữ vai trò quan trọng trong suốt giai đoạn đầu của quyết định và quá trình thực hiện quyết định; thứ ba, sự phối hợp cần nhằm đến mọi yếu tố trong từng tình huống cụ thể; thứ tư, sự phối hợp phải được tiến hành liên tục.
Follet cho rằng các nhà quản lý cấp cơ sở là những người có địa vị thích hợp nhất để phối hợp các nhiệm vụ. Chính vì vậy, đối với trường hợp của cô Th., hiệu trưởng có vai trò đặc biệt quan trọng vì là người thiết lập được các mối quan hệ, các kênh thông tin trong nhà trường để giữ uy tín của người GV, giúp GV có cơ hội sửa chữa khuyết điểm, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mà trường giao. Như vậy quyết định chuyển công tác của cô Th. cũng sẽ không xảy ra nữa. Và nhà trường cũng sẽ không mất đi một cán bộ chủ chốt trong tương lai.
Đặt trường hợp sau mọi quan tâm đến tâm lý GV của hiệu trưởng, sau những cố gắng hỗ trợ tạo điều kiện của nhà trường mà cô Th. vẫn không thay đổi thì lúc đó buộc nhà quản lý phải có những quyết định đúng đắn, kịp thời để chấn chỉnh lại thái độ làm việc của cô. Lúc này việc áp dụng thuyết theo trường phái hành vi, tâm lý không hiệu quả thì thực thi kỷ luật nghiêm khắc theo thuyết hành chính cứng rắn của Max Weber, Henry Fayol vẫn còn kịp.
Hồ Thị Trúc Linh
Bình luận (0)