Nhiều mặt hàng lại bước vào đợt tăng giá mới, với mức tăng từ 5 – 15%, thậm chí tăng đến 30% so với hiện nay. Tại các siêu thị, sau khi tháng khuyến mãi trên 100 mặt hàng đã quay trở lại mức giá cũ như: dầu ăn, đường, sữa, nước giải khát, trứng gia cầm…
Người nội trợ càng phải chi li tính toán cân đối tài chính gia đình (ảnh: SGTT).
Vào đợt tăng giá mới
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, đã có khoảng 20 mặt hàng tại các siêu thị áp dụng giá mới, với mức tăng khoảng 2 – 8%. Cụ thể: nhóm hàng hoá mỹ phẩm tăng khoảng 3 – 7%; các mặt hàng nước giải khát đóng chai, lon tăng 2 – 5%; dầu ăn các loại tăng khoảng 3%; hàng thực phẩm – gia vị đóng lon, đóng chai tăng khoảng 5%…
Riêng giá đường tuy đã qua cơn sốt, nhưng hiện vẫn ở mức cao, khoảng 12.000 – 13.000 đồng/kg (so với đầu năm chỉ 9.500 – 10.000 đồng/kg).
Giải thích về đợt tăng giá mới này, các nhà sản xuất trong nước cho rằng do chịu tác động từ nguyên liệu nhập khẩu như đường, sữa, các loại hương liệu… tăng.
Chẳng hạn, giá hương liệu tăng 14 – 22% tuỳ loại. Giá nguyên liệu nhựa, giá giấy cũng tăng làm cho chi phí bao bì tăng thêm khoảng 5 – 8%.
Dù giá tăng, nhưng bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark, cho rằng: “Đợt tăng giá này không gây xáo trộn nhiều cho khách hàng. Lý do là bên cạnh một số mặt hàng tăng giá, nhiều nhà kinh doanh đã chọn cách tăng giá không khuyến mãi.
Tức là thay vì giảm 3 – 15% trong tháng trước, nay họ bán hàng với mức giá như cũ, không có gì cộng thêm cho khách mua”. Mặt khác, để không gây sốc cho người tiêu dùng, một số doanh nghiệp đã chọn cách nhích giá lên từ từ.
Không chỉ các mặt hàng trong nước tăng giá, hàng nhập khẩu cũng tăng trung bình 5 – 8%, thậm chí một số mặt hàng tăng đến hơn 30%. Đơn cử như giá sữa nhập tăng 15%.
Ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc siêu thị Citimart, cho biết: “Các doanh nghiệp thông báo tăng giá chủ yếu là hàng nhập khẩu với tỷ lệ tăng khoảng 5 – 10%”.
Rau, thuỷ hải sản… thiếu hụt, giá leo thang
Bão đã qua, nhưng giá rau xanh bán lẻ tại các chợ trên địa bàn TPHCM vẫn còn cao hơn 30 – 50% so với trước bão. Hiện xà lách mỡ 35.000 đồng/kg, đậu que 15.000 đồng/kg, cải bó xôi 23.000 đồng/kg, cà rốt 15.000 đồng/kg… Tiểu thương lý giải, giá rau xanh chưa giảm do lượng rau từ các tỉnh, nhất là từ Đà Lạt, về các chợ lẻ ít.
Trong khi đó, lượng rau về các chợ đầu mối cũng giảm khoảng 10 – 15% so với trước khi xảy ra bão lũ. Điển hình như tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Thủ Đức), lượng rau củ về chợ còn khoảng 2.500 – 2.700 kg/đêm (so với trước đây từ trung bình 3.000 tấn/đêm).
Lượng rau về ít đã đành, chất lượng rau không cao như trước đây (nhiều loại rau lá như xà lách, cải ngọt, rau gia vị không tươi xanh, bị giập nát do mưa bão). Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó ban quản lý chợ này, nhận định: “Mưa bão gây ách tắc nhiều tuyến đường khiến hàng về chợ đầu mối thường bị chậm, hoặc ít dẫn đến thiếu hụt, đẩy giá tăng mạnh”.
Giá các loại thịt cũng “đua nhau” tăng hoặc đang đứng ở mức cao. Thịt heo hơi tại các trang trại khu vực miền Đông hiện dao động 33.000 – 35.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Đà tăng giá thịt hơi đã kéo giá bán lẻ trên thị trường tăng 2.000 – 4.000 đồng/kg. Riêng với mặt hàng thịt gà, so với một tháng trước, giá thịt gà đã tăng tới 10.000 đồng/kg, lên mức khoảng 50.000 đồng/kg.
Một số đơn vị cung cấp thịt gà khẳng định nguồn cung thịt cho thị trường thời điểm này khá dồi dào. Chỉ tính riêng ba đơn vị là C.P, Japfa, Emivet trung bình mỗi tuần phân phối ra thị trường TPHCM và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu tới gần 1 triệu con gà công nghiệp.
Đó là chưa kể 1/3 triệu con gà lông màu từ các trại đưa về. Do đó, cho dù lượng thịt đông lạnh có bị thiếu hụt thì nguồn tự nuôi trong nước vẫn dư sức bù đắp.
Với mặt hàng thuỷ hải sản tươi sống, từ ngày 1/10 đến nay, lượng hàng về chợ đầu mối Bình Điền chỉ đạt khoảng 3.965 tấn, giảm 2% so với tuần qua. Do lượng về chợ giảm, đã đẩy giá một số loại tăng khoảng 10%. Ví dụ cá rô, sặt tăng 5.000 đồng/kg, tôm tăng 10.000 đồng/kg, sò lông tăng 5.000 đồng/kg.
Việc hàng loạt mặt hàng tăng giá khiến các bà nội trợ lo lắng. Chị Ngọc, nhà ở quận 8 (TPHCM) cho biết, chỉ riêng mặt hàng rau, mỗi bữa ăn chị đã phải chi thêm 10.000 đồng. Chị Ngọc than thở: “Nếu các mặt hàng lại thi nhau tăng giá như trước đây thì các bà nội trợ nghèo như chúng tôi lại buộc phải thắt lưng buộc bụng, chắt bóp chi tiêu”.
Sở Công thương TPHCM đã trình UBND thành phố kế hoạch chuẩn bị hàng hoá phục vụ dịp tết Canh Dần 2010. Theo đó, sở đề nghị thành phố đồng ý cho doanh nghiệp vay hơn 412 tỉ đồng với lãi suất 0% để dự trữ các mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, rau…), bán với mức giá thấp hơn giá thị trường 10%.
Theo Bích Thuỷ – Hoàng Bảy
Báo SGTT
Báo SGTT
Bình luận (0)