Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ tăng cường “bao vây” Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Tướng Herbert “Hawk” Carlisle, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, lo ngại rằng những yêu sách chủ quyền lãnh thổ “hung hăng” của Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ “tính toán sai lầm”

Không quân Mỹ sẽ gia tăng đáng kể sự hiện diện khắp Thái Bình Dương trong năm nay bằng cách phái chiến đấu cơ đến Thái Lan, Ấn Độ, Singapore và Úc. Đây được xem là một phần của chiến lược chuyển trọng tâm của Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ ồ ạt triển khai máy bay
Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), ý tưởng đằng sau sự điều động nói trên khá đơn giản: Bao vây Trung Quốc với lực lượng của Mỹ và các đồng minh, tương tự những gì phương Tây làm với Liên Xô thời chiến tranh lạnh.
Các quan chức Mỹ cho đến giờ vẫn khẳng định họ không tìm cách khống chế Trung Quốc mà đang làm việc với nước này nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực. Dù vậy, những gì mà quân đội Mỹ dự định làm ở châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới dường như cho thấy điều ngược lại.
 
Một chiếc máy bay MV-22 Osprey được đưa khỏi tàu khi đến Nhật Bản hôm 30-7. Ảnh: KYODO
Tướng Herbert “Hawk” Carlisle, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, hôm 29-7 cho biết nước này sẽ triển khai máy bay chiến đấu cơ và có thể là cả máy bay ném bom đến Úc dưới hình thức luân phiên. Những máy bay này có thể bắt đầu hiện diện tại căn cứ của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) tại Darwin vào năm tới trước khi di chuyển đến một căn cứ khác của RAAF gần đó.
Theo tướng Carlisle, việc triển khai trên chỉ là sự khởi đầu của kế hoạch tăng cường hiện diện của không quân Mỹ tại châu Á. Ngoài Úc, Mỹ dự định sẽ đưa chiến đấu cơ đến căn cứ không quân Changi East ở Singapore, căn cứ không quân Korat ở Thái Lan và một địa điểm ở Ấn Độ. Ngoài ra, máy bay quân sự Mỹ nhiều khả năng còn có mặt ở Philippines, Indonesia và Malaysia.
Một khi được thực thi, kế hoạch này sẽ giúp Mỹ phát triển một mạng lưới căn cứ ở khu vực, đồng thời tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh. Ông Carlisle khẳng định: “Mỹ đang nỗ lực tăng cường mạng lưới đồng minh được Mỹ vũ trang tại Thái Bình Dương, từ đó giúp tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực này”. Không quân Mỹ hiện có 9 căn cứ lớn khắp Thái Bình Dương, nằm rải rác tại Alaska, Hawaii, Guam (đều thuộc lãnh thổ Mỹ), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc “hung hăng”, Mỹ hưởng lợi
Cũng theo tướng Carlisle, những yêu sách chủ quyền lãnh thổ “hung hăng” của Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ "tính toán sai lầm" nhưng cũng đồng thời tạo điều kiện cho Washington tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực. Ông nhận định: “Sự hung hăng của Bắc Kinh có thể dẫn đến tính toán sai lầm. Đó là điều chúng tôi nghĩ đến hằng ngày”. Ông e ngại một số hành động của Trung Quốc có thể châm ngòi cho sự đáp trả lớn hơn. “Đây là một môi trường phức tạp và hay thay đổi. Mỗi hành động đều dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường trước và những ảnh hưởng lâu dài” – ông nhận định.
Cùng lúc đó, theo ông Carlisle, những động thái của Trung Quốc đang giúp Mỹ mở rộng quan hệ trong khu vực, rõ nét nhất là việc tăng cường hợp tác quân sự với Philippines. Ông cho biết: “Một số hành động của họ (Trung Quốc) đã đưa Mỹ và những bạn bè mình đến gần nhau hơn”. Theo ông, các đồng minh có thể không mua thiết bị quốc phòng từ nhà cung cấp Mỹ nhưng họ vẫn muốn Washington tăng cường hiện diện để làm đối trọng với
Bắc Kinh.
Ông Carlisle khẳng định thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm sang châu Á bất chấp việc ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm mạnh. Cho đến giờ, một nửa số chiến đấu cơ F-22 của Mỹ đang có mặt ở khu vực Thái Bình Dương.  Bên cạnh đó, Mỹ sẽ phái máy bay do thám không người lái Global Hawks đến khu vực này. Châu Á dự kiến cũng là khu vực đầu tiên Mỹ triển khai chiến đấu cơ thế hệ mới F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin Corp chế tạo. Hãng tin Reuters hôm 30-7 đưa tin Lockheed Martin và Lầu Năm Góc đã đạt thỏa thuận về các đơn hàng đặt mua 71 chiếc F-35 có khả năng tránh được sự theo dõi của radar, trị giá hơn 7 tỉ USD.
Mỹ đưa thêm 12 máy bay MV-22 Osprey đến Nhật
12 máy bay đa năng thế hệ mới MV-22 Osprey của Mỹ đã đến căn cứ quân sự Iwakuni ở tỉnh Yamaguchi – Nhật Bản hôm 30-7. Số máy bay này sẽ được triển khai đến căn cứ Futenna ở Okinawa vào đầu tháng 8. Cùng với 12 chiếc Osprey đã được bố trí tại Futenna từ tháng 10-2012, lực lượng Mỹ sẽ có tổng cộng 24 máy bay Osprey đồn trú tại Nhật Bản. Osprey là loại máy bay có thể cất và hạ cánh như trực thăng.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)