Quá trình tái tập trung quyền lực ở Trung Quốc có thể gây ra những xung đột về lợi ích giữa Chính phủ với các bộ ngành cũng như giữa chính quyền trung ương và địa phương.
Đây được xem là hai thách thức đối với kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới theo “Báo cáo về Kinh tế Trung Quốc năm 2013 và triển vọng” được công bố hôm nay 30.7.
Báo cáo do nhóm nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.
Theo nhóm nghiên cứu, những xung đột này thể hiện thông qua vấn đề tài chính với cải cách thuế và việc thí điểm khu vực thương mại tự do Thượng Hải.
Mức nợ công của Trung Quốc, theo VCES nhận định đã lên tới con số 33.500 tỉ NDT – Ảnh :T.Sơn |
Thông tin từ báo chí quốc tế thời gian qua cũng cho thấy những bước đi đầu tiên trong kế hoạch cải cách kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã vấp phải sự phản đối công khai của một số cơ quan liên quan như Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC).
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 2/2013 tiếp tục đà tụt dốc với mức tăng trưởng 7,5%.
Những dữ liệu về tình hình thương mại trong tháng 6 được công bố tuần trước của Trung Quốc cho thấy nhận định về việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2013 có thể đạt mức thấp nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ qua có cơ sở nhất định.
Theo Báo cáo của VCES, sự sụt giảm này có khác biệt nhiều so với thời điểm 2009, 2010 sự suy giảm đến từ các vấn đề nội tại của nên kinh tế này nhiều hơn là tác động từ bên ngoài.
Số liệu từ VCES cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc nửa đầu năm đạt 9,3% thấp hơn 1,6% so với mức tăng của 2012. Tốc độ tăng trưởng cũng giảm liên tục từ tháng 1 đến tháng 6.2013 và nếu tính từ mức suy giảm đỉnh hồi đầu 2010 đến nay, tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa hề hồi phục.
Theo ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc VCES, ba vấn đề lớn nhất của sản xuất công nghiệp Trung Quốc hiện nay là sự suy giảm cầu trong và ngoài nước, đồng thời một số ngành sản xuất hiện dư thừa sản lượng do sản xuất vượt quá sản lượng tiềm năng; chi phí gia tăng và các hệ số ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) đều suy giảm.
Tình hình suy giảm đã được thể hiện trên số liệu về mức tăng thu ngân sách một cách rõ nét. Trong nửa đầu năm 2013 tăng trưởng thu ngân sách của Trung Quốc đạt 7,5%, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt tỷ lệ giảm thu trung ương suy giảm mạnh, chỉ tăng 1,5%, sụt giảm tới 8,5% so với mức 10% của 2012.
Đặc biệt con số nợ công của Trung Quốc, theo VCES nhận định đã lên tới con số 33.500 tỉ NDT (tương đương 5.461 tỉ USD) vượt xa con số 10.700 tỉ do chính quyền Trung Quốc công bố hồi cuối năm 2010.
Theo VCES, việc ước lượng quy mô nợ công của Chính phủ Trung Quốc là vấn đề gây nhiều tranh cãi và vẫn chưa có con số thống nhất. Tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao 2012, nguyên Bộ trưởng tài chính của Trung Quốc cũng đã cho rằng con số nợ địa phương của Trung Quốc thực tế đã lên tới 18.000-20.000 tỉ NDT.
Theo ông Phạm Sỹ Thành, mức nợ công 33.500 tỉ NDT tương đương với 64,5% GDP cao hơn nhiều con số 34-37% mà Chính phủ Trung Quốc vẫn công bố.
theo TNO
Bình luận (0)