Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nghĩ thêm về Tây Tiến

Tạp Chí Giáo Dục

GS. Hà Minh Đức đã từng nhận định: “Tây Tiến là một sáng tác có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật. Bài thơ được viết ra với những màu sắc thẩm mỹ phong phú”.

Một tiết học môn văn của học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Thạnh về chủ đề Phát biểu tự do (ảnh minh họa). Ảnh: T.T

Thật đúng như thế, qua bao tháng năm với sự sàng lọc nghiệt ngã của bụi thời gian lãng quên, Tây Tiến vẫn ngời lên lấp lánh trong lòng người đọc. Thật khó nói hết cái hay của bài thơ này. Bài viết này xin có thêm vài nét chấm phá.

1. Bương Cấn, Sài Sơn, Phủ Quốc, Bất Bạt, Sơn Tây… là những địa danh quen thuộc đi vào thơ Quang Dũng trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây. Cùng với bài Đôi bờ (nhạc sĩ  Cung Tiến đã mượn lời để sáng tác), bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, và cả hai bài hát trên đều được xem là những khúc tình ca tiền chiến vang bóng một thời. Trái tim hồn hậu, tâm hồn phóng khoáng, cốt cách lãng mạn,  tài hoa, cùng với chiến chinh thời li loạn, đã làm nên “chất” thơ Quang Dũng: Vừa đượm sắc buồn quê hương, vừa phảng phất chất văn hóa Xứ Đoài vốn vang danh với nhiều nhân kiệt.

Nhưng Quang Dũng không chỉ nổi tiếng về đề tài vùng đất Xứ Đoài, quê ông. Mà ông còn bất tử với những áng hùng ca viết về đoàn binh Tây Tiến, nơi ông từng gắn bó trong cuộc vệ quốc của những tháng năm “khổ nhục nhưng vô cùng vĩ đại của dân tộc” (chữ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về Nguyễn Đình Chiểu). Với mảng sáng tác này, Quang Dũng đã có một vị trí xứng đáng trong đội ngũ thế hệ các nhà thơ thời chống Pháp với chất hào hoa, lãng mạn cùng với Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm… Chỉ với bài thơ Tây Tiến, đã xác lập cho Quang Dũng một vị trí riêng, một chỗ đứng đặc biệt riêng.

2.  Bài thơ lúc đầu có tên là Nhớ Tây Tiến. Nhưng phải ngót gần chục năm sau (1956), Quang Dũng mới đổi tên thành Tây Tiến. Bởi vì, theo lời kể của người con trai Quang Dũng là ông Quang Vĩnh: “Cha tôi cho rằng “Tây Tiến” – nhắc đến đã thấy nhớ rồi. Thế nên, để chữ “nhớ” là thừa”. Quả thật, cả bài thơ là một nỗi nhớ “chơi vơi” chia làm nhiều điệp khúc. Mỗi điệp khúc lại tựa như tiết tấu của một đoạn nhạc từ sâu lắng đến điệp khúc mạnh mẽ và khép lại cũng rất nhẹ nhàng với những vần “ôi”, “ơi”… mà Xuân Diệu đã từng nhận xét “đọc Tây Tiến như ngậm nhạc trong miệng”.  Đây chính là đặc trưng “thi trung hữu nhạc” một khía cạnh trong con người tài hoa của Quang Dũng. Vì ngoài làm thơ, Quang Dũng còn là tác giả của ca khúc Ba Vì và từng tham dự triển lãm hội họa, mà bức tranh Gốc bàng vốn được nhiều người biết đến. Thơ kháng chiến có vô số bài viết bằng gam điệu nhớ, như: Nhớ (Hồng Nguyên), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Bao giờ trở lại (Hoàng Trung Thông), Việt Bắc (Tố Hữu), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)… Nhưng nhớ đến “chơi vơi”, với những buổi chiều “cơm lên khói” và cứ bềnh bồng lan tỏa trong không gian của mây trời, núi đồi Tây Bắc dù chỉ một năm gắn bó làm đại đội trưởng như Quang Dũng thì chỉ có sắc màu riêng của Tây Tiến!

Học sinh yêu mến nhiều nhất

Bài thơ Tây Tiến đến với học sinh phổ thông khá muộn. Phải sau Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986 – Đại hội của tinh thần đổi mới và dân chủ, bài thơ này mới được “cởi trói” để đưa vào chương trình ở cuốn Phụ lục Văn lớp 12 kèm theo với sách giáo khoa chính thức, năm 1992. Bởi vì trước đó người ta cho Tây Tiến là tiếng nói của cái nhìn tiểu tư sản, của tâm hồn ủy mị, yếu đuối, chết chóc, bi quan. Và chính nó cũng đã “làm tình làm tội” Quang Dũng một thời. Thế mà có ai ngờ, một tác phẩm “Đi xa về hóa chậm/Biết bao là nhiêu khê” (thơ Chế Lan Viên) ấy lại trụ được mãi trong lòng người đọc, được học sinh yêu mến nhiều nhất, vượt qua hẳn những bài thơ vốn nổi đình nổi đám trước kia.

3. Trong bài Thăm mả cũ bên đường, sau khi đoán phỏng người nằm dưới mồ là “kẻ cung đao”, Tản Đà nghĩ đến phận người dưới đấy có thể giống mình – “kẻ văn chương”: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất/Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Nếu Xuân Diệu cho rằng “Tản Đà là người thứ nhất đủ bản lĩnh làm thi sĩ” thì đây là một bằng chứng rõ nhất. Câu thơ thứ nhất như ngụp như lặn, như nổi như chìm, rồi vút lên cao chót vót với ba thanh trắc (chí khí uất) những uất ức của “son phấn có  thần chôn vẫn hận” của Tố Như. Sang đến câu hai, cái thế ngang tàng  ngạo nghễ của thú vui bốn bể sơn hà trong con người “chịu chơi nhất thiên hạ” đã hiện ra ở thơ toàn thanh bằng: “Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Thì trong Tây Tiến, Quang Dũng cũng có câu này: “Nhà – ai – Pha – Luông – mưa – xa – khơi”. Ngoài không có một thanh trắc nào, câu thơ này còn không ngắt nhịp 4/3 của thơ bảy chữ, mà không ngắt nhịp, phải đọc chậm, rãi đều như cách gạch nối trên. Đó là cảm giác lúc dừng chân của người lính sau quá trình trèo đèo lội suối vất vả ở ba câu thơ trước. Một tuyệt cú hội đủ thi, nhạc, họa. Xứng đáng làm “người… thứ hai” theo cách nói của Xuân Diệu trên.

4. Đoàn binh Tây Tiến ra đi từ Hà Nội, tiến về phía miền Tây để làm nhiệm vụ thiêng liêng. Vì vậy thủ đô và những bóng “kiều thơm” hà thành luôn mang trong tim họ. Nhưng khác với sự lưu luyến của người ra đi trong thơ Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Thâm Tâm…, người lính Tây Tiến “gửi mộng” về Hà Nội bằng cách “mắt trừng” (Mắt trừng gửi mộng qua biên giới). Nếu cho ta chọn vài từ thôi, mà những từ này tạc thành chân dung người lính Tây Tiến, thì ngoài “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, cần phải kể đến “mắt trừng” này. Nó vừa là vẻ bên ngoài, vừa là hồn bên trong. Hai từ này khiến tôi nhớ đến những người tình, người chồng trong các lần chia tay giữa Thúy Kiều với ba người Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải. Hai lần đầu với chàng Kim thư sinh và một Thúc Sinh sợ vợ mà chung tình, Nguyễn Du đã dùng nhiều giọt mực thấm đẫm nước mắt cho người đi kẻ ở. Chỉ ở lần ba với Từ Hải, Nguyễn Du viết: “Quyết lời dứt áo ra đi/Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”, thì không hề có một giọt nước mắt nào. Người lính Tây Tiến mang cốt cách đa tình kiểu anh hùng như… Từ Hải vậy!

5. Trong cuốn Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, học giả Phan Ngọc cho rằng những bài thơ mà gọi là thơ Đường của văn học trung đại Việt Nam thực ra chất Đường thi rất ít. Nhưng chính những bài như Tràng giang của Huy Cận, Tống biệt hành của Thâm Tâm… trong thơ mới, hiện đại lại có chất Đường thi nhiều hơn. Và tôi cũng thấy thêm chất Đường thi ấy trong Tây Tiến của Quang Dũng. Vì âm hưởng hào hùng của bài thơ làm ta gợi nhớ đến Kinh Kha, đến những tráng sĩ ngày xưa ra đi xả thân vì chí lớn với một lời thề son sắc: “nhất khứ bất phục hoàn”!

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)