Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những lời dặn dò nhau thấm đẫm nước mắt

Tạp Chí Giáo Dục

Kim Trọng gặp Thúy Kiều, trước chuyện đau lòng phải xa nhau đột ngột, Nguyễn Du đã rất hợp lí cho chàng Kim nói một hơi dài những 8 câu thơ: Sự đâu chưa kịp đôi hồi / Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ / Trăng thề còn đó trơ trơ/ Dám xa xôi mặt mà thơ thớt lòng / Ngoài nghìn dặm chốc ba đông / Mỗi sầu khi gỡ cho xong còn chầy / Gìn vàng giữ ngọc cho hay / Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời!
Thông thường, trong phép đối thoại, người nói phải xem người nghe có cử chỉ, hành động hay nói lại điều gì không. Ở đây, Kim Trọng nói một mạch, trút hết nỗi lòng của mình. Bởi vì hai người quá thân nhau, thời gian bức bách không thể chậm trễ được nữa. Kim nói ba điều: điều thứ nhất, sự việc xảy ra đột ngột, không kịp giải bày (đôi hồi). Tình duyên của chúng ta chưa kịp một lời trao tơ (kết thúc rõ ràng); điều thứ hai: Trăng thề còn đó, không thể nào xa mặt, cách lòng; điều thứ ba: nàng hãy gìn giữ tấm thân nghìn vàng, đó cũng là điều an ủi cho kẻ đi xa này.
Tám câu thơ mà gói trọn bao điều: nào là chuyện chẳng may đến đột ngột, nào lời nói oán trách cho mối tình duyên, nào chuyện nhắc nhở đến lời thề, nào căn dặn kỹ càng cho người ở lại…
Thử xem lại KVKT: Kim Trọng nói: “Thật là không may! Chú tôi mất ở Liêu Dương, cha tôi giục tôi về để đi rước linh cữu. Việc sửa soạn đã đầy đủ, ngay hôm nay phải khởi hành nàng ạ!”. Lại dẫm chân và nói: “Chúng ta vừa được gặp nhau, lại xảy ra ngay việc phải xa nhau. Tôi đứt ruột ra mất, biết làm thế nào?”. Thúy Kiều cũng giật mình, nhưng sợ Kim Trọng buồn rầu, nên phải tìm lời an ủi.
Rõ ràng TTTN đã dùng phương pháp đối thoại thường tình. Vừa để lời nói qua, kẻ nói lại, vừa lời nói, vừa có thái độ này khác. Nội dung chàng Kim nói ở TTTN cũng chỉ là báo tin và nói nỗi đau xa cách. Với Nguyễn Du nội dung dồn nén bao điều. Nhất là câu cuối lời tâm sự của chàng Kim: Gìn vàng, giữ ngọc cho hay / Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời!  Lời dặn buốt nhức và quan trọng như vậy, Kiều có thực hiện được không? Âu cũng là bước chuẩn bị cho Kiều khi bị tên Mã Giám Sinh nước trước bẻ hoa và cuộc đời ong qua, bướm lại
Còn đây là lời của Thúy Kiều. Trước khi nói, Nguyễn Du miêu tả: Tai nghe ruột rối bời bời / Ngập ngừng nàng mới giải lời trước sau (Nguyễn Du không nói Thúy Kiều có lời trước sau mà giải lời. Một từ giải chứa đựng nội dung và cách xử lí trước một tình thế). Thúy Kiều nói: Ông tơ ghét bỏ chi nhau / Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi (ý 1) Cùng nhau trót đã nặng lời / Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ (ý 2) Quản bao tháng đợi năm chờ / Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm (ý 3) Đã nguyền hai chữ đồng tâm / Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai (ý 4) Còn non còn nước còn dài / Còn về còn nhớ đến người hôm nay (ý 5). Sắp xếp lại ta thấy: Ông trời quá ác nghiệt (ý 1) đã nặng lời thề thốt, quyết không đổi thay (ý 2), dẫu thiếp chờ đợi bao lâu nữa, cũng không đáng gì, chỉ thương chàng cực nhọc (ý 3), thiếp xin thề chẳng ôm cầm thuyền ai (ý 4), đất trời còn tồn tại, mối tình chúng ta vẫn còn (ý 5).
Thúy Kiều đã giải, tức đã phơi bày, gỡ rối từng nút một. Lời lời minh bạch, ý tứ rõ ràng, thái độ cương quyết. Tất cả, Kiều đã an ủi chàng Kim và làm yên lòng chàng với một niềm tin chắc chắn. Nhưng rồi thực tế có được như vậy không? Chuyện đau lòng gì sẽ xảy ra?
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)