Việc thi cử theo kiểu dạy đọc-chép đã làm thui chột sự sáng tạo của học sinh, vì có học thuộc bài thì mới làm được bài thi. Trong ảnh là cảnh thí sinh ôn lại bài trước khi bước vào phòng thi trong kỳ thi ĐH, CĐ 2010. Ảnh: T.L |
Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, dạy học cá thể… ngành giáo dục rất quan tâm. Đặc biệt, từ năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT có chủ trương chấm dứt dạy đọc-chép trong nhà trường để có thể tạo ra sự chuyển biến trong đổi mới phương pháp dạy học.
Thế nhưng hiệu quả của chủ trương này như thế nào? Có thực sự chấm dứt được việc đọc-chép trong nhà trường hay không là vấn đề mà nhiều giáo viên rất trăn trở.
Trước tiên, chúng ta thấy phương pháp đọc-chép đã có vai trò lịch sử của nó trong một thời gian khá dài đối với nền giáo dục của chúng ta. Người thầy diễn giảng kiến thức, cho học trò ghi chép chính xác theo đúng chuẩn của SGK; đặt câu hỏi kiểm tra, cho bài tập để đánh giá mức độ hiểu bài của học sinh, rồi từ đó lại tiếp tục có những giải pháp như hướng dẫn lại, phụ đạo để giúp học trò nắm được vấn đề. Thầy yêu cầu trò phải nắm được vấn đề mà thầy trình bày, thuộc bài để có thể làm được các dạng bài tập quen thuộc… Bài giảng của thầy trở thành tiêu chuẩn đánh giá học sinh. Thuộc đúng như thầy dạy thì điểm cao, sai lệch đi thì điểm thấp. Cách dạy này làm thui chột những ý tưởng sáng tạo của học sinh, dẫn đến lười suy nghĩ để sáng tạo ra cái mới, vì có sáng tạo thì không những không được chấp nhận mà có nguy cơ bị điểm thấp. Thử nghĩ xem, trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, nếu thế hệ trẻ kém nhạy bén và năng động thì tương lai đất nước sẽ đi về đâu. Chính vì thế, chấm dứt việc dạy học theo kiểu đọc-chép là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Thế nhưng, sau một năm học thực hiện thì việc chấm dứt đọc-chép trong nhà trường đã đạt được hiệu quả như thế nào? Hầu hết các giáo viên đều cho là chưa có chuyển biến rõ rệt. Vậy nguyên nhân là từ đâu?
Có thể thấy rằng khi một thói quen tồn tại quá lâu thì nó sẽ gây ra một sức ì rất lớn, thay đổi nó không dễ một chút nào. Nhất là khi thói quen dạy theo kiểu đọc-chép đã khiến hình thành một lối kiểm tra, thi cử của kiểu dạy học đọc-chép. Lối kiểm tra đánh giá đó hiện nay vẫn chưa có sự đổi mới đáng kể nào. Như ở môn ngữ văn, một học sinh muốn thi đậu tốt nghiệp THPT thì phải học thuộc bài, nắm được kiến thức như thầy cô đã dạy, làm bài phải đầy đủ các ý trong đáp án, nếu có sáng tạo ngoài đáp án thì hầu như chẳng được điểm nào, thiếu ý thì chắc chắn sẽ mất điểm. Thi đại học cũng như thế mà thôi. Kết quả của quá trình dạy và học được đánh giá bằng điểm số, tỉ lệ thi đậu… Từ đó đã hình thành lối dạy học để đi thi chứ không phải dạy học sinh khám phá và tiếp thu kiến thức để trang bị cho cuộc sống. Mặt khác, người Việt Nam có thói quen đề cao việc thi cử, đỗ đạt, công danh, làm cho việc dạy và học của thầy và trò càng có thêm nhiều áp lực. Vậy xóa bỏ việc dạy học đọc-chép thật là nan giải.
Tuy nhiên, việc làm đúng, dù nan giải vẫn phải thực hiện. Chỉ có điều sự đổi mới nào cũng cần có một quá trình, muốn đổi mới phương pháp dạy học thì phải nhận thức được sự lâu dài và khó khăn, tính chất “quá trình” đó của nó. Từ đó, chúng ta cần thực hiện từng bước, chấp nhận một sự thay đổi dần dần, sự tồn tại của cái cũ bên cạnh cái mới, tiến đến đổi mới toàn diện. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học là phải đáp ứng được với nhu cầu của cuộc sống và con người thì mới được hưởng ứng. Có những khi người thầy vẫn phải đọc để học trò chép những ý cơ bản nhất của bài học theo chuẩn kiến thức mà học trò phải nhất thiết nắm được. Bên cạnh đó, người thầy biết khơi gợi năng lực sáng tạo ở học sinh, khuyến khích việc nảy sinh ý tưởng mới để bài học được mở rộng và sâu sắc hơn, thấm thía hơn, lôi cuốn hơn. Muốn làm được như vậy, người thầy phải có tấm lòng, có năng lực. Người thầy cũng cần được tạo điều kiện, được giúp đỡ nhiều mặt… Lề lối thi cử cũng phải thay đổi. Mà tất cả những cái đó không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Tất cả chúng ta phải kiên trì, có niềm tin, có phương pháp khoa học để thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, chấm dứt kiểu dạy học đọc-chép. Và việc đó bắt đầu từ mỗi giáo viên, ngay từ bây giờ…
Phạm Thị Thúy Nhài (Trung tâm GDTX Tân Bình)
Thói quen dạy theo kiểu đọc-chép đã khiến hình thành một lối kiểm tra, thi cử của kiểu dạy học đọc-chép |
Bình luận (0)