Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Những điều kiện cần và đủ?”: Xây trường dân lập – tư thục chất lượng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường dân lập Duy Tân (Q.10, TP.HCM) trong giờ thí nghiệm. Ảnh: T.L

Ở TP.HCM, xã hội hóa giáo dục đã thực sự tạo ra một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các trường học chất lượng cao. Trong đó có hệ thống các trường dân lập – tư thục (DL-TT). Những năm gần đây, các trường DL-TT bắt đầu có những thay đổi đáng kể về phương thức tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về việc nâng chất lượng dạy – học.
Theo chúng tôi, để từng bước xây dựng mô hình trường DL-TT chất lượng cao mang tính hiện đại đạt tiêu chuẩn trường tiên tiến, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ sư phạm chất lượng “đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ tốt để phát huy được năng khiếu và thái độ tích cực học tập đối với từng học sinh…”, các trường cần quán triệt một số điểm cơ bản.
1.Xác định đổi mới trong quản lý là một khâu đột phá. Đổi mới trong quản lý ở đây bên cạnh việc đảm bảo mục tiêu của giáo dục: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc” thì trước tiên cần phải đổi mới trong tư duy giáo dục ở các trường phổ thông DL-TT. Dạy chữ và dạy người là hai nội dung cơ bản của giáo dục học sinh. Do đó cần nghiêm cấm và chấm dứt sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể học sinh như một biện pháp giáo dục kỷ luật.Thực tế cho thấy việc trừng phạt thân thể trẻ em chỉ có tác dụng trong thời gian trước mắt mà không có tác dụng giáo dục trẻ lâu dài. Như vậy, trường DL-TT hoặc bất kỳ trường nào muốn phấn đấu đạt chất lượng cao thì nhất thiết phải có quan điểm giáo dục học sinh bằng lời nói và không áp dụng các biện pháp trừng phạt thân thể học sinh. Các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực sẽ mang đến cho học sinh một môi trường học thân thiện, giúp các em có tâm trạng vui vẻ, an toàn, thoải mái khi đến trường và học tập đạt kết quả tốt.
2. Xây dựng và hoàn thiện mô hình “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. UNICEF đã xây dựng các tiêu chí về trường học thân thiện, trong đó trường học là một môi trường quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội của học sinh. Một trường học thân thiện với trẻ em phải đảm bảo cho phép mọi trẻ em một môi trường an toàn về thể chất, tình cảm và tâm lý. Trường học thân thiện với trẻ em phải nhận ra, khuyến khích và hỗ trợ việc phát triển năng lực của trẻ em bằng cách cung cấp một nền văn hóa học, giảng dạy hành vi và nội dung chương trình giảng dạy được tập trung vào học tập và học viên.
3. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất.Cơ sở vật chất là nền tảng cần thiết để phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập trong nhà trường. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phải đáp ứng những yêu cầu như sau: Nhà trường có khuôn viên riêng biệt, tường bao, cổng trường, biển trường và xây dựng được môi trường xanh, sạch đẹp. Nhà trường có khối phòng học thông thường; phòng học bộ môn trong đó có phòng máy kết nối internet phục vụ dạy học; khối phòng phục vụ học tập; khối phòng hành chính đảm bảo theo quy cách. Thư viện của nhà trường đảm bảo được nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Nhà trường có đủ thiết bị giáo dục tối thiểu, đồ dùng dạy học, kho chứa thiết bị giáo dục và bảo quản theo quy định. Nhà trường có đủ khu sân chơi, bãi tập, khu để xe, khu vệ sinh…
4. Xây dựng sự hợp tác thống nhất giữa các lực lượng giáo dục, nhất là tăng cường vai trò của người giáo viên chủ nhiệm.Trường học là một môi trường tạo điều kiện để học sinh tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nhân cách. Trong sự phát triển của xã hội thông tin ngày nay, học sinh có nhiều cơ hội để học hỏi, đồng thời cũng dễ bị ảnh hưởng bởi chính những tiêu cực của sự phát triển đó. Từ sự thiếu sân chơi lành mạnh ở các thành phố lớn, sự thiếu quan tâm của phụ huynh cùng với sự phát triển của internet đã làm cho một bộ phận không nhỏ học sinh tìm cách giải trí bằng game online mang tính bạo lực. Từ đó, cũng nảy sinh ra những vấn đề của giáo dục: bỏ học, bạo lực học đường, vấn đề đạo đức của học sinh… Do đó, sự phối hợp trong quản lý giữa nhà trường với phụ huynh là vô cùng cần thiết. Hệ thống trường DL-TT đều quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm, giám thị. Giáo viên chủ nhiệm và giám thị gắn bó với học sinh trong suốt giờ lên lớp, có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra tình hình học tập của học sinh và phối hợp với phụ huynh kịp thời…n
Lê Long Hải
(Trường THCS & THPT Trí Đức)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)