Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xây dựng vườn thực vật trong nhà trường: Giúp học sinh thân thiện hơn với môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Các em HS lớp 5/2, Trường TH Lương Thế Vinh (Thủ Đức) đang được thầy Trần Minh Hải chỉ ra sự khác nhau giữa các loại hoa tại VTV

Nhằm tạo cho học sinh (HS) có không gian vui chơi, đồng thời tổ chức các tiết học và thực hành môn khoa học ngay ngoài trời, một số trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã và đang xây dựng mô hình vườn thực vật (VTV) ngay trong khuôn viên trường…
Tận dụng không gian để… trồng cây
Thầy Trương Minh Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Thủ Đức) cho biết: “Việc xây dựng VTV rất tốn kém kinh phí để ươm, mua cây hay tốn một diện tích đất nhất định để trưng bày các loại cây. Được sự ủng hộ kinh phí cũng như nguồn cây cảnh của Hội phụ huynh HS, từ năm 2008-2009, Trường Lương Thế Vinh đã được xây dựng VTV có diện tích khoảng 300m2 với hơn 100 các loại cây từ thân mềm như hoa lan, hoa sen, súng đến thân cứng như dâm bụt, cam quất, phượng, lim… Tất cả đều liên quan đến những kiến thức, bài học mà HS được học trong chương trình”. Ngoài Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, hiện các trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (Tân Phú), Trường Tiểu học An Phú 1 (Củ Chi) và Trường Tiểu học Tân Tạo A (Bình Tân) cũng đã xây dựng được VTV phục vụ cho nhu cầu vui chơi, học tập cho HS.
Riêng những trường có khuôn viên hẹp nên chưa thể xây dựng được VTV đã khắc phục bằng cách tận dụng các gốc cây, khoảng trống trước sảnh các lớp… thành khu vườn treo. Cô Vũ Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) chia sẻ: “Do khuôn viên trường hẹp không có đất nên nhà trường đã tận dụng khoảng trống trước cửa lớp hay gốc cây để treo các chậu hoa nhỏ, trồng các loại cây ăn quả thân leo như bầu bí, mướp, hay trồng rau lang, rau muống vào chậu… rồi để ngoài hiên lớp”.
Nhiều trường đã quy định HS có nhiệm vụ tự quản lý VTV của khối, phải chịu trách nhiệm để VTV luôn xanh đẹp, đa dạng các loại cây, các góc vườn luôn có hoa nở. Ở Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, các em được phân chia chăm sóc nhổ cỏ, tưới nước tỉa cành lá 1 lần/tuần. Cụ thể, góc tiêu biểu trong khu vườn là hồ hoa sen của lớp khối 5, các em biết trồng các loại cây ăn quả như đu đủ, quất xen lẫn các loại cây làm thuốc như nha đam, rau răm… và cuối vườn là vườn mướp đang vào mùa đơm hoa, kết trái của khối 4.
Hiệu quả hơn cả sách vở
Với những tiết học thực tế tại VTV, cùng những kiến thức trong sách vở đã được học trên lớp, HS sẽ được thầy cô hướng dẫn cặn kẽ thêm thông qua hình ảnh các loài cây thật. Từ đây, các em được tìm hiểu đặc điểm, cấu tạo, màu sắc của từng loại và được quan sát trực tiếp môi trường sống của chúng chứ không còn bó hẹp qua tranh ảnh minh họa. Em Trần Khôi – HS lớp 5/2 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, chia sẻ: “Ra VTV học, em rất thích vì được thấy phấn hoa của hoa mướp, thấy từng sợi nhụy hoa dâm bụt được xếp vòng quanh thân nhụy, mùi hương của hoa mướp có mùi hăng hắc…”. Còn em Phạm Minh Hưng, học cùng lớp với Khôi, tự hào: “Em đã biết được cây rau răm có nhiều vitamin, ít kalo có tác dụng thanh nhiệt và giải độc, tên khoa học của nó là Persicaria Odoratum”. Cũng chính từ những tiết học sinh động, thông qua các ví dụ minh họa cụ thể, kiến thức về môi trường đã được thầy cô tích hợp thông qua các môn khoa học, xã hội. Đơn cử, nhiều em HS sau khi được học tại VTV đã vận dụng rất hiệu quả vào môn tập làm văn. Em Đặng Hồng Nhung, lớp 5/2 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, cho hay: “Trước nay em chỉ biết mẹ hay mua lá nha đam về nấu ăn chứ đâu có biết cây này được trồng và sống như thế nào, nhưng nhờ được quan sát cây nha đam tại VTV của trường em mới biết hình dáng của cây, của lá. Vì vậy em đã chọn nó cho bài tập làm văn miêu tả của mình”. Song song với việc lắng nghe thầy cô hướng dẫn, giảng dạy, các em còn được học cách tỉa cành lá, cách vun xới, tưới nước, bón phân như thế nào cho phù hợp và đúng cách… “Chính những công việc này làm cho những buổi học trở nên sôi động lên. Chính các kỹ năng này đã rèn luyện cho HS biết yêu quý, trân trọng những thành quả mình làm ra, từ đây góp phần chuyển biến tích cực về môi trường, có thái độ đối xử thân thiện với môi trường hơn” – thầy Trương Minh Định khẳng định.
Tuy chỉ học 1 tiết/tuần, nhưng kết quả HS thu được không chỉ dừng lại ở sự thích thú với nhiều cái mới lạ, mà qua đó còn khơi gợi trí tò mò muốn khám phá thiên nhiên của các em. “Có ra VTV, chúng ta mới thấy được nhiều em chưa hề biết đến hình ảnh thật những loại cây mà mình đã được học. Chẳng hạn như hoa sen, nhiều em tỏ ra tò mò muốn xem cấu tạo rễ của nó ra sao mà chúng sống được dưới nước, thậm chí nhiều em còn tự tìm hiểu về tên khoa học của từng loại cây mà đặt tên cho chúng” – thầy Trần Minh Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2 cho hay.
Việc xây dựng VTV không chỉ tạo không gian học tập cho các em HS vui chơi, học tập mà thông qua đó giáo dục HS ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường bằng khẩu hiệu “Bỏ rác đúng chỗ – Trường lớp sạch đẹp” thay cho khẩu hiệu “Mắt thấy rác – Tay nhặt liền”. Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), xây dựng VTV là một trong những hoạt động bảo vệ môi trường đơn giản và trực quan. VTV đã biến các cây cảnh, cây hoa vốn trước nay có vai trò trang trí vẻ đẹp cho trường thành những bài học hết sức thiết thực, qua đó các em HS sẽ vận dụng tốt các kiến thức học được để tự hình thành ý thức tích cực đối với thiên nhiên.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)