Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đôi điều về cách dạy môn ngữ văn hiện nay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hãy để giờ học môn ngữ văn nhẹ nhàng đúng với đặc trưng của bộ môn này (ảnh minh họa). Ảnh: Trần Huy

Kì tuyển sinh đại học 2010 diễn ra với đề thi ngữ văn được đánh giá là hay nhất so với chục năm gần đây. Tuy vậy, vẫn còn đó những bài văn “sáng tạo”, ngô nghê của thí sinh mà người lớn đọc xong không biết nên “cười hay mếu?”. Và, khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố đáp án môn ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10, dư luận lại bàn tán xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều. Có người bảo đề hay, mới, đáp án thoáng, khá “mở”, khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh. Cũng có ý kiến bảo rằng đề khó, thiếu rõ ràng, đánh đố học trò, quá mới khiến HS không làm được…
Hình như đụng đến cái mới là ngay tức khắc dư luận phản ứng gay gắt, khiến những người trong cuộc băn khoăn? Và, cứ mỗi lần có vấn đề gì đó từ phía bài làm của thí sinh thì người ta lại tha hồ đổ hết lỗi cho giáo viên ngữ văn. Như vậy có công bằng không?
1. Xin trở lại với đề thi và đáp án môn ngữ văn trong kì tuyển sinh lớp 10 vừa rồi của TP.HCM và đề tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Cả đề chung lẫn đề chuyên, cả cơ bản lẫn nâng cao đều ra khá hay, mới, khơi gợi trí tưởng tượng và phát huy năng lực sáng tạo của HS, đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá trong việc dạy và học ngữ văn. Điều đó được thể hiện rất rõ không chỉ trong đề thi mà ngay cả đáp án, rất thoáng, rất “mở”, vừa bám sát yêu cầu đặc trưng bộ môn vừa tôn trọng ý kiến riêng (đảm bảo đúng và sáng tạo) của thí sinh. Cách làm này cần được khuyến khích, ủng hộ và nhân rộng trong các kì thi. Theo hướng tích cực này, tôi tin chắc rằng không cần kêu gọi, bản thân mỗi giáo viên và HS tự khắc đổi mới cách dạy và học ngữ văn sao cho hiệu quả, sáng tạo.
Sở dĩ tôi nhắc lại đề thi và đáp án ngữ văn của Sở GD-ĐT và của Bộ GD-ĐT bởi vì lâu nay hô hào đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy bộ môn theo hướng phát huy tính tích cực và sáng tạo của HS nhưng vẫn kiểm tra, thi cử (ngay đề thi và đáp án) theo lối mòn cũ, theo kiểu kiểm tra kiến thức, theo hình thức học thuộc lòng, đếm ý cho điểm, chú trọng chấm ý chứ chưa đề cao cách hành văn, chỉ quan tâm nhiều nội dung chứ chưa nhìn nhận đúng mức nghệ thuật… thì làm sao khuyến khích người dạy và người học đổi mới? Với kiểu ra đề và đáp án như thi tốt nghiệp THPT vừa rồi thì đố ai dám đổi mới dạy và học theo hướng sáng tạo. Và như vậy, để đảm bảo an toàn điểm số, để tỉ lệ bộ môn “bằng chị bằng em” cả thầy lẫn trò cứ theo cách cũ mà làm. Chính vì thế, lối học tủ, học vẹt, học thuộc lòng, học văn mẫu vẫn phổ biến. Và như vậy, nếu gặp trục trặc nhỏ chắc chắn thí sinh sẽ chết đuối trong mỗi kì thi.
Từ cách ra đề và đáp án của kì thi như vậy nên giáo viên dạy học trò theo cách đối phó với các kì thi, nghĩa là, làm sao để các em thuộc bài nhiều nhất, biết nhiều dẫn chứng nhất để vào phòng thi viết ra là được điểm. Có lẽ vì thế mà trước mỗi kì thi, nhiều trường học đã phải “nhốt” HS để khảo bài, truy bài. Nhiều giáo viên cùng ăn cùng ngủ với học trò tại trường để “giúp” học trò mình có được nhiều kiến thức… thuộc lòng nhất. Học văn là học cách cảm thụ cái hay của văn chương, sự sáng tạo của ngôn ngữ. Nếu học văn mà học… thuộc lòng kiểu ấy thì còn gì hứng thú, lấy đâu ra niềm đam mê, vui học? Từ đó khiến học trò ngán học, có em ráng theo, có em buông xuôi, bỏ trôi. Lẽ ra để các em HS cảm thụ văn chương qua linh hồn tác phẩm, chọn cái hay nhất, hấp dẫn nhất để đào sâu khám phá, những nội dung khác chỉ cần nắm được, hiểu đúng. Các em phải học đến 13 môn chứ đâu phải chỉ mỗi môn ngữ văn. Nếu cả 13 môn mà giáo viên đều yêu cầu học thuộc lòng từng câu từng chữ thì quả là không tưởng.
Không những thế, nội dung chương trình môn ngữ văn trong nhà trường hiện nay nặng nề, quá tải. Không thể nào đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên, trong khi thời lượng ít, nội dung nhiều, cách kiểm tra đánh giá như đã nói ở trên chú trọng nhiều đến đếm ý cho điểm thì làm sao giáo viên và HS kham nổi? Nhất thiết phải xem lại nội dung, chương trình để làm sao dạy vừa phải mà HS nắm chắc chứ dạy quá nhiều mà không đủ thời gian thì chắc chắn chất lượng không thể như mong muốn được.
Một lí do khách quan khác khiến HS bỏ bê môn ngữ văn là cái nhìn của xã hội đối với các môn khoa học xã hội nói chung, trong đó có ngữ văn. Rồi con đường vào đời, vào nghề từ môn học này cũng hạn hẹp nên khó trách được HS thờ ơ… Nhìn vào số lượng HS đăng kí học chuyên ban C ít ỏi, khiêm tốn sẽ thấy rõ điều này.
2. Làm sao để khắc phục? Câu hỏi ấy cần có câu trả lời thỏa đáng nếu muốn nâng cao chất lượng dạy học ngữ văn. Trước hết, cần phải đổi mới căn cơ cách kiểm tra, đánh giá, nhất là các kì thi quan trọng (tốt nghiệp, tuyển sinh) theo hướng chú trọng kĩ năng làm bài, coi trọng chất văn chương, theo hướng gợi mở, phát huy tính sáng tạo của người học, tránh đếm ý cho điểm, thang điểm chấm thi không nên quá chi li gò bó. Có thể dần triệt tiêu luôn câu hỏi lí thuyết, nên đưa hẳn vào hai bài làm văn (nghị luận văn học và nghị luận xã hội, theo hướng thật “mở” mang tính định hướng cho HS). Làm được như thế từ khâu ra đề, đáp án, chấm thi thì chắc chắn mỗi thầy cô giáo và HS đều tự đổi mới cách dạy và học, không còn thuộc lòng, học tủ, học vẹt, và như vậy có thể giảm hẳn những bài văn dễ sợ, ngô nghê trong các kì thi. Cách ra đề, đáp án hướng dẫn chấm của TP.HCM trong kì tuyển sinh lớp 10 và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT năm nay là cách làm hay cần phát huy. Tuy nhiên, chủ trương ấy chỉ hiệu quả khi mà Bộ GD-ĐT áp dụng cho cả nước, trong tất cả các kì thi, nhất là tốt nghiệp THPT. Việc thứ hai, cần xem xét lại nội dung chương trình ngữ văn bậc THCS và THPT. Cần giảm tải để vừa sức người học, không quá tham lam kiến thức truyền thụ cho HS. Cuối cùng, giáo viên cần tạo không khí vui tươi, thoải mái trong giờ học ngữ văn, đừng quá khắt khe, cứng nhắc cả khi dạy, lúc kiểm tra đánh giá một cách máy móc khiến HS thấy nặng nề, chán học rồi buông xuôi. Phải thổi vào giờ văn cái hồn của tác phẩm, trái tim yêu thương đồng cảm và sự sẻ chia trọn vẹn của một người thầy tâm huyết, nhiệt tình. Có như vậy, giờ văn mới thực sự hứng thú với mỗi HS.
Hãy để thầy, trò dạy và học văn nhẹ nhàng đúng theo đặc trưng bộ môn vốn có. Đừng để môn văn trở nên khô khan, nặng nề trong suy nghĩ và cả việc dạy học của giáo viên và HS. Cần lắm một thái độ nghiêm túc về môn học “học làm người này”!
Nguyễn Văn Cải (GV ngữ văn Trường THPT Quang Trung, Củ Chi, TP.HCM)

Giáo viên cần tạo không khí vui tươi, thoải mái trong giờ học ngữ văn, đừng quá khắt khe, cứng nhắc cả khi dạy, lúc kiểm tra đánh giá một cách máy móc khiến HS thấy nặng nề, chán học rồi buông xuôi. Phải thổi vào giờ văn cái hồn của tác phẩm, trái tim yêu thương đồng cảm và sự sẻ chia trọn vẹn của một người thầy tâm huyết, nhiệt tình.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)