Hôm nay, các trường học tại TPHCM đã tập trung để chuẩn bị cho năm học mới nhưng nhiều trường mầm non vẫn đang loay hoay với bài toán thiếu giáo viên và bảo mẫu.
Trường Mầm non tư thục Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đang thông báo tuyển gấp giáo viên (GV) cho năm học mới. Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường còn thiếu khoảng 10 GV. Bảng thông báo tuyển nhân sự của trường không quên kèm theo những chú thích hấp dẫn: Ưu tiên mới ra trường, lương cao và nhiều chế độ…
Hướng dẫn các cháu mầm non vẽ tranh
Nội, ngoại thành đều căng
Ở Khoa Mầm non, Tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn, dễ dàng bắt gặp hàng loạt bảng thông báo tuyển GV và bảo mẫu. Một trường mầm non quốc tế tại quận 7 cũng thông báo tuyển 10 GV và hạ những quy định xuống thấp nhất: Không yêu cầu kinh nghiệm, không phân biệt nơi thường trú, mức lương và các chế độ thỏa đáng.
Năm học 2010, các trường mầm non trên địa bàn quận 4 thiếu khoảng 30 GV. “Nếu tính vừa đủ, loại trừ những tình huống phát sinh thì thiếu khoảng 24 GV. May mà quận vừa được bổ sung 19 GV nhưng hiện đang thiếu 5 GV cũng là bài toán không dễ giải quyết”. bà Lê Thị Điệp, Phó Phòng GD-ĐT quận 4, cho biết và bày tỏ lo ngại rằng con số bổ sung 19 GV không đồng nghĩa với chất lượng đều bảo đảm, nhất là GV trẻ.
Ở vùng ngoại thành và các trường mầm non tư thục, tình trạng thiếu GV còn nghiêm trọng hơn. Để có đủ số GV đứng lớp và bảo mẫu, Trường Mầm non tư thục Bé Yêu (phường Tân Hưng Thuận, quận 12) phải đăng thông báo trên nhiều kênh tuyển dụng. Tương tự, Trường Mầm non tư thục Apollo (quận Bình Thạnh) cũng phải thông báo tuyển gấp 10 GV, bảo mẫu với nhiều chính sách ưu đãi.
Ngay cả ở trường điểm của TP như Trường Mầm non Nguyễn Tất Thành, thời điểm cận kề năm học vẫn còn thiếu 3 GV.
Khó tìm bảo mẫu, nhân viên y tế
Ngoài chuyện thiếu GV, nhiều trường cũng đang rơi vào cảnh thiếu bảo mẫu nhưng tuyển rất khó. “Bảo mẫu phải đến trường từ 5 giờ 30 phút, lau chùi lớp học, nhà vệ sinh, trải thảm, sắp xếp đồ chơi, cho trẻ ăn… Thứ bảy vẫn phải đến trường để giặt giũ.
Ngày nào có bảo mẫu xin nghỉ thì lớp học hoàn toàn bị đảo lộn. GV phải kiêm nhiệm việc cho các cháu ăn, đi vệ sinh, do đó khó tránh khỏi việc bài giảng phải bỏ qua hoặc chỉ giảng sơ sài”- bà Nguyễn Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư (quận 1), phân tích.
Công việc bảo mẫu vất vả, ít người chịu làm nên các trường khó tuyển là dễ hiểu. Tuy nhiên, còn một cái khó nữa là do quy định về lương trong hệ thống trường mầm non không có đối tượng này. “Các trường tự ký hợp đồng và trích quỹ, vận động phụ huynh đóng góp để duy trì bảo mẫu. Nếu hợp đồng thông qua quận, người làm bảo mẫu phải “hóa” thành một người làm tạp vụ hoặc nhân viên bảo vệ… mới được ký”- lãnh đạo phòng giáo dục một quận cho biết.
Theo bà Điệp, năm nào, các trường cũng phải tự tìm những biện pháp khắc phục riêng như làm việc với phụ huynh, thuyết phục bộ phận tài chính để trả lương bảo mẫu. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời. Một biện pháp nữa mà theo bà Điệp, nhiều trường đang áp dụng là giữ lại số giáo viên hưu trí.
“Có trường tự tìm học sinh tốt nghiệp lớp 12 trong quận để đào tạo thành bảo mẫu. Về nghiệp vụ thì không thể an tâm được”- bà Điệp thừa nhận.
Năm học 2009-2010, các trường thiếu cán bộ y tế trầm trọng. Tình trạng này không ai dám chắc là sẽ bổ sung được trong năm học mới này.
“Người làm công tác y tế cũng vất vả không kém bảo mẫu. Phải có mặt từ sáng sớm để nhận thuốc, đánh dấu và theo dõi bảng khám sức khỏe từng cháu. Cháu nào, lớp nào, uống thuốc gì?… Trường càng đông trẻ, công việc càng nhiều. Nếu không có nhân viên y tế, khi trẻ bị bệnh, nhà trường chỉ biết… kêu trời”- bà Nguyễn Thị Kim Vân cho biết.
Đòi hỏi trình độ trung cấp y: Rất khó !
Nhiều hiệu trưởng trường mầm non cho biết quy định hiện nay đòi hỏi nhân viên y tế trong trường mầm non phải có trình độ trung cấp y tế trở lên. Tuy nhiên, đối chiếu quy định này so với thực tế trình độ cán bộ y tế đang có ở các trường thì rất nhiều người không đạt chuẩn. Nếu có trình độ trung cấp, họ sẽ không vào trường mầm non vì không phải là môi trường để phát triển. Hơn nữa, mức lương nhận được không vượt quá 2 triệu đồng/tháng khiến những ai tâm huyết nhất cũng có lúc nản lòng.
|
Bài và ảnh: Đặng Bình An/ NLĐ
Bình luận (0)