7 năm sau khi hệ thống nhà tù bí mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trên khắp thế giới bị phanh phui, lần đầu tiên, một cựu Giám đốc CIA bị bắt giữ vì những hành động sai trái đội lốt cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố”. Bất chấp những lời biện luận của CIA và Nhà Trắng, Robert Seldon Lady, cựu Giám đốc CIA tại Milan (Italia) vẫn bị tuyên án 9 năm tù giam vì tội bắt người trái pháp luật.
Theo tin từ hãng AP, sau 4 năm lẩn trốn, hôm 18/7, ông Robert Seldon Lady đã bị lực lượng an ninh Panama bắt giữ khi đang trên đường chạy trốn sang Costa Rica. Bộ trưởng An ninh Panama Jose Raul Molino cho biết, việc bắt giữ Seldon Lady được thực hiện theo lệnh truy nã khẩn cấp mà Interpol cung cấp dựa theo báo cáo của cảnh sát Italia. Hiện Seldon Lady đã được đưa tới một nơi giam giữ bí mật để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi Panama cùng Italia và Interpol đạt được thỏa thuận dẫn độ.
Cũng theo Bộ trưởng An ninh Panama, mặc dù Panama và Italia chưa ký Hiệp định dẫn độ, song trường hợp Seldon Lady sẽ được xét đặc cách. Nghĩa là, Panama hoàn toàn có thể miễn phí gửi trả Seldon Lady tới Italia nếu họ muốn.
Từ Lithuania, Bộ trưởng Tư pháp Italia Anna Maria Cancellieri khẳng định, việc bắt giữ Seldon Lady sẽ giúp ích cho việc thực hiện kết luận mà tòa án đã tuyên đối với vụ việc liên quan đến cựu Giám đốc CIA này.
Cựu Giám đốc chi nhánh CIA tại Milan, Seldon Lady.
Trong trường hợp Seldon Lady được đưa trở lại Italia, CIA hay thậm chí chính phủ Mỹ cũng không có quyền can thiệp. Hơn nữa, phiên xét xử Seldon Lady vắng mặt hồi đầu năm tại Italia đã cho thấy một điều rằng, những sai phạm của các nhân viên tình báo Mỹ sẽ không bao giờ được bỏ qua và họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành động phạm pháp của mình.
Robert Seldon Lady sinh năm 1954 tại Tegucigalpa, Honduras, được giới tình báo Mỹ và quốc tế biết đến với biệt danh “Mister Bob”. Từ khi Mỹ mở cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” năm 2001, Seldon Lady được giao trọng trách là Giám đốc chi nhánh CIA tại Milan (Italia).
Tháng 2/2003, Seldon Lady cùng một nhóm nhân viên CIA đã thực hiện vụ bắt cóc giáo sĩ Ai Cập Hassan Mustafa Osama Nasr vào ban ngày, ngay trên đường phố Milan của Italia, khi ông này đi đến một nhà thờ Hồi giáo. Với sự trợ giúp của một số nhân viên tình báo Italia, nhóm của Seldon Lady đã ngay lập tức đưa giáo sĩ Hassan Mustafa Osama Nasr rời khỏi Italia tới một căn cứ của quân đội Mỹ ở Đức, rồi từ đó chuyển sang nhà tù bí mật của CIA tại Ai Cập.
Trong quá trình di chuyển đó, giáo sĩ Hassan Mustafa Osama Nasr đã bị nếm trải đủ mọi ngón đòn tra tấn nhằm ép ông khai ra tổ chức Hồi giáo Al-Gamaa al-Islamiyya (Tổ chức này đã bị Mỹ và Liên minh châu Âu coi là một tổ chức chống khủng bố và bị cáo buộc liên quan đến vụ sát hại Anwar Sadatnawm 1981, vụ thảm sát Luxor năm 1997).
Câu chuyện về vụ bắt cóc giáo sĩ Osama Nasr sẽ bị “chìm xuồng” nếu thông tin về hệ thống nhà tù bí mật của CIA không bị tiết lộ vào năm 2006. Khi đó, không chỉ phải hứng chịu “cơn mưa thịnh nộ” của dư luận quốc tế, Chính phủ Mỹ và CIA còn liên tiếp vấp phải hàng loạt vụ kiện tụng từ những nhân vật từng là tù nhân trong các nhà tù bí mật nói trên của CIA. Seldon Lady cũng vậy.
Năm 2007, Giám đốc chi nhánh CIA tại Milan này đã vội vã đến Mỹ khi các phiên tranh tụng ở Milan bắt đầu. Khi đó, 23 nhân viên CIA tại Milan đã bị đưa ra xét xử và Seldon Lady chỉ có thể biện luận cho mình rằng ông làm việc theo yêu cầu của cấp trên. Trong một văn bản được gửi tới tòa án ở Milan thời điểm đó, Seldon Lady cũng nói rằng ông đã phản đối kế hoạch bắt cóc giáo sĩ Osama Nasr nhưng ý kiến của ông đã bị gạt bỏ. Thế nhưng, những lời khai sau đó của Osama Nasr về việc Seldon Lady đã có mặt ở Ai Cập để thẩm vấn và tra tấn tù nhân khiến Seldon Lady thực sự “mất điểm” trước quan tòa.
Cực chẳng đã, Seldon Lady lôi quyền miễn trừ ngoại giao của mình ra để trốn tránh thủ tục tố tụng tư pháp chống lại ông ở Italia. Song, các thẩm phán Italia vẫn từ chối yêu cầu này và khẳng định, ông đã mất quyền miễn trừ truy tố khi nghỉ hưu. Hơn nữa, cáo buộc bắt cóc trong bất kỳ hoàn cảnh nào ở Italia cũng là một tội ác nghiêm trọng và không thể không truy tố. Trong khi đó, CIA đã phớt lờ mọi chuyện xảy ra với Seldon Lady và thậm chí chả thèm cung cấp cho ông này một luật sư để bào chữa.
Giữa năm 2007, cảnh sát Italia đã được lệnh đột kích vào nhà Seldon Lady ở Piedmont, miền Bắc Italia để bắt giữ ông. Nhưng Seldon Lady và người vợ Martha đã trốn khỏi Italia, sang sống tại Mỹ và Honduras. Cuối năm 2007, toàn bộ tài sản của Seldon Lady ở Italia bị tịch thu và tên của cựu Giám đốc chi nhánh CIA tại Milan được đưa vào danh sách những kẻ bị truy lùng gắt gao nhất và bị gửi lên Interpol.
Giữa năm 2009, vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử. Lần này, tòa án Italia buộc tội 22 nhân viên CIA, một phi công Mỹ và 2 nhân viên tình báo Italia về vụ bắt cóc giáo sĩ Osama Nasr. Cựu Giám đốc chi nhánh CIA tại Milan – Robert Lady bị kết án 8 năm tù, trong khi 22 người Mỹ khác bị tuyên 5 năm tù. Luật sư của 23 người Mỹ này nói, họ sẽ kháng án. Kết quả là, tháng 2 năm nay, phiên phúc thẩm đã nâng mức án đối với ông Robert Lady thành 9 năm tù giam.
Còn hai nhân viên tình báo Italia, những người bị kết án là tòng phạm, cũng phải lĩnh án 3 năm tù giam. 3 người Mỹ khác, trong đó có chỉ huy chi nhánh CIA tại Rome – Jeffrey Castelli cũng bị kết tội. Không ai trong số 26 bị cáo có mặt tại tòa án Italia khi xét xử và chỉ 2 người có liên hệ với luật sư của họ.
Theo hãng tin AP, một loạt tên tuổi trong danh sách bị kết án chỉ là biệt danh. Tòa án cũng tuyên những người bị kết án phải bồi thường thiệt hại cho giáo sĩ Osama Nasr 1,5 triệu USD và 700.000 USD cho vợ ông này.
Tổ chức hoạt động nhân quyền Human Rights Watch (HRW) bình luận rằng, lời tuyên án đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới hoạt động phạm pháp của CIA ở châu Âu. Phát ngôn viên của HRW nói: "Đối với chúng tôi, vụ án đầu tiên này đã đặt cuộc chiến chống khủng bố lên vành móng ngựa"
Ngọc Khuê (CAND)
Bình luận (0)