Một lớp học ở Sudan (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Người dân phía Nam Sudan đã đi bầu cử về việc tách ra khỏi phía Bắc và trở thành một đất nước mới nhất của châu Phi. Người dân và các chính trị gia của miền Nam đã nghĩ tới thời điểm này khi Hiệp ước đối thoại Hòa bình được ký vào năm 2005 đánh dấu sự kết thúc của cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ.
Câu hỏi đặt ra với Sudan là liệu khi đối mặt với hàng loạt chuyển biến về chính trị, sự nghèo đói và thiếu thốn những dịch vụ cơ bản thì tiếng Anh có giúp tạo nên sự khác biệt không?
Và câu trả lời là “có”. Đưa tiếng Anh vào sử dụng tuy không thể một sớm một chiều giải quyết ngay những vấn đề của Sudan, nhưng nó có thể khuyến khích sự phát triển mà không tốn quá nhiều chi phí và quan trọng nhất là có thể duy trì và thúc đẩy xây dựng các dự án tiềm năng.
Đa số người dân trong xã hội Sudan đều nhìn thấy điều này, đặc biệt là ở phía Nam, nơi Chính phủ xem tiếng Anh là một công cụ thiết yếu cho sự phát triển và xây dựng đất nước trong tương lai. “Tôi có thể tìm được công việc với số lương gấp 3 mức hiện tại nếu tiếng Anh của tôi khá hơn” – một cựu sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Khartorum chia sẻ.
Tiếng Anh nơi đây được xem là ngôn ngữ quốc tế sử dụng cho internet, thương mại và những vấn đề liên quan đến quốc tế. Vào năm 2007, Chính phủ miền Nam Sudan lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức. Còn ở miền Bắc vẫn sử dụng tiếng Anh nhưng tiếng Ả Rập hiện vẫn là ngôn ngữ chính. Lúc này đây, tiếng Anh là phương tiện giao tiếp giữa miền Nam và miền Bắc. Nếu đất nước muốn tiếp tục duy trì nền hòa bình mong manh được thiết lập 5 năm trước đây thì việc khuyến khích xây dựng một kênh thông tin là cực kỳ quan trọng.
Tại Sudan, Hội đồng Anh (Bristish Council) hiện đang làm việc với ba lực lượng quân đội quốc gia và hai lực lượng cảnh sát. Khi được hỏi rằng nhu cầu lớn nhất của họ là gì thì tất cả đều nhất trí đó chính là “tiếng Anh”. Công tác huấn luyện các kỹ năng Anh ngữ cho cảnh sát và sĩ quan quân đội sẽ góp phần gia tăng khả năng gìn giữ hòa bình bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện chuyên nghiệp, qua đó trang bị cho họ khả năng giải quyết vấn đề như cách hạn chế mâu thuẫn, khủng bố và buôn lậu người. Điều này cũng tạo điều kiện giúp cảnh sát người Sudan tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia do muốn tham gia các tổ chức này thì tiếng Anh là một yêu cầu được đặt ra.
Mặc dù tiếng Anh có tầm quan trọng không nhỏ nhưng nhiều thế hệ viên chức chính phủ, luật sư và doanh nhân miền Nam học tập ở miền Bắc trước đây lại được giảng dạy bằng tiếng Ả Rập trong suốt thời kỳ “Ả Rập hóa”, do đó, kỹ năng Anh ngữ của họ rất hạn chế. Điều này có thể trở thành vấn đề nếu miền Nam hoàn toàn độc lập. Một miền Nam Sudan khi tách ra sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại và phát sinh sau nhiều năm quân sự hóa. Khu vực này cũng cần phải cải tạo lại các kết cấu dân dụng. Vai trò của tiếng Anh trong quá trình này sẽ là dài hạn và khá quan trọng cho sự vững bền và thịnh vượng của đất nước.
Một ví dụ điển hình là Chính phủ miền Nam Sudan hiện đang thay đổi hệ thống lập pháp xưa cũ dựa trên luật pháp đạo Hồi bằng một hệ thống mới soạn thảo bằng tiếng Anh. Nếu không có hệ thống lập pháp mới này thì có lẽ bộ luật mới sẽ không bao giờ được thiết lập. Một luật sư ở Juba – thủ đô của miền Nam nói rằng: “Tiếng Anh là ngôn ngữ của Chính phủ miền Nam Sudan và luật lệ sẽ không được thiết lập một cách hoàn chỉnh nếu không có biên bản bằng tiếng Anh. Sự phát triển kinh tế và thịnh vượng chính là chìa khóa để xây dựng nền hòa bình. Chúng ta thật sự cần tiếng Anh!”.
Miền Nam Sudan là một trong những vùng đất khó khăn với tỉ lệ nghèo đói và tử vong ở trẻ em khá cao. Một miền Nam Sudan độc lập chiếm đa số trữ lượng dầu mỏ của đất nước sẽ là một nguồn thu nhập tiềm năng để cải thiện đời sống của người dân.
Ngay cả trong một thế giới toàn cầu hóa hiện nay với sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngôn ngữ khác như tiếng Hoa, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ được dùng trong kinh doanh. Việc gia tăng thương mại và đầu tư mở ra cơ hội để liên kết với các nền kinh tế nói tiếng Anh của cộng đồng phía đông châu Phi càng khẳng định nhu cầu về các kỹ năng tiếng Anh để phát triển kinh tế và giao lưu với các nước lân cận. Cũng như trong kinh tế, tiếng Anh cũng sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho cơ hội giáo dục và việc làm cho mọi người. Cơ hội nghề nghiệp cho việc giảng dạy tiếng Anh ở Sudan cũng là rất lớn. Hội đồng Anh nơi đây là một trong những chi nhánh phát triển nhanh nhất trong toàn hệ thống, và công tác hỗ trợ người học thông qua radio và công nghệ số cũng đã được áp dụng.
Nhiều người ở miền Nam Sudan xem tiếng Anh là một phương tiện để có thể đưa nền kinh tế phát triển xa hơn và mở ra các cuộc đối thoại mang tính quốc tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bỏ quên vai trò không thể thiếu mà ngôn ngữ địa phương – ngôn ngữ đang thúc đẩy sự gắn kết xã hội, phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa.
(theo Guardian.co.uk)
Ngọc Trúc
Bình luận (0)