Ở bậc TH, GV phải khơi gợi cảm xúc học sinh chứ không nên gò ép các em vào khuôn mẫu (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Những năm gần đây, đa số các giáo viên (GV) dạy môn văn ở bậc THCS thường than rằng học sinh (HS) học môn tập làm văn quá tệ vì các em viết những câu văn cộc lốc, khô khan, thiếu ý tưởng và không hề có sự sáng tạo. Một trong những nguyên nhân làm cho HS THCS học môn tập làm văn ngày càng yếu kém là do cách dạy sai lệch của các GV ở bậc tiểu học (TH).
Trước các kỳ thi ở bậc TH, GV thường cho HS học thuộc lòng một số bài tập làm văn mẫu. Khi thi các em chỉ việc làm theo những bài mẫu đó. Con tôi năm nay học lớp 4, để chuẩn bị cho kỳ thi học kì 2, bé phải học thuộc lòng 6 bài tập làm văn như tả con mèo, tả con thỏ ở nhà em hay tả cây bàng trong sân trường… Khi tôi gợi ý thêm vài chi tiết, con tôi nói thầy dặn chỉ học theo bài văn mẫu chứ không được ghi thêm ý khác. Như vậy, chẳng lẽ cả 28 HS trong lớp con tôi đang theo học đều nuôi mèo hay thỏ giống nhau. Đối với gia đình em nào không nuôi mèo hay thỏ, việc này có khác gì bắt các em nói xạo. Làm thế, vô tình GV đã làm cho HS mất đi tính trung thực. Do học thuộc lòng nên nhiều bài văn các em viết ra nghe thật buồn cười như đang tả mèo lại viết nhầm những câu tả thỏ, có em còn viết “con thỏ có thể bắt được chuột”.
Thuở nhỏ, khi tôi học môn tập làm văn, thầy cô chỉ hướng dẫn cách tả người, loài vật, cây cối theo dàn ý như mở bài, thân bài, kết luận. Lúc làm bài, chúng tôi phải dựa vào người thật, con vật thật có tại nhà mình hoặc từng thấy để tả. Với cách làm này, câu văn của chúng tôi tuy không trau chuốt, mạch lạc nhưng đó là những cảm xúc thật và điều quan trọng là bài tập làm văn của mỗi HS sẽ khác nhau, GV khi chấm bài mới có sự so sánh để cho số điểm phù hợp. Trong giờ trả bài tập làm văn, thầy cô còn đọc những bài văn hay nhất để những HS còn lại trong lớp học tập.
Với cách dạy tập làm văn theo bài mẫu như bây giờ, liệu GV có cảm thấy hứng thú khi chấm bài vì cả lớp đều trình bày giống nhau. Theo đó, GV chỉ còn cách chấm điểm cao hay thấp phụ thuộc vào việc HS có viết đúng chính tả hoặc có trình bày đầy đủ nội dung bài văn mẫu hay không mà thôi.
Có thể vì bệnh thành tích mà nhiều GV đã chọn phương cách phản giáo dục này để dạy học. Các thầy cô cứ sợ nếu để HS viết văn tự phát sẽ bị điểm thấp nên cho các em học bài văn mẫu. Cứ tiếp tục cách học đó, khi lớn lên, các em làm sao có thể tự mình viết ra một bài văn? Hiện nay, khá nhiều HS dù đã học lên cấp 3 vẫn không thể viết một lá đơn gửi đến cơ quan nhà nước. Các em muốn viết gì cũng đòi hỏi phải có mẫu. Đã đến lúc lãnh đạo ngành giáo dục cần có sự can thiệp, đừng tạo áp lực thành tích lên GV để các thầy cô phải dạy học theo kiểu đối phó nhằm mục đích giúp HS có điểm cao để đạt yêu cầu về điểm số mà không cần phản ánh đúng chất lượng học tập của các em. Nếu phương pháp giảng dạy đi chệch hướng, nó sẽ giết cả một thế hệ HS, đây là điều gây hậu quả nghiêm trọng mà những ai đang làm việc trong ngành giáo dục không được xem nhẹ.
NGUYỄN THANH DŨNG
(GV THCS Phước Lý – huyện Cần Giuộc – tỉnh Long An)
Bình luận (0)