Năm học 2010 – 2011, mức học phí ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập sẽ tăng theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là nỗi lo của nhiều gia đình nghèo khi năm học mới sắp bắt đầu. Trong những năm qua, số học sinh bỏ học ở ĐBSCL có giảm nhưng vẫn ở mức cao nhất nước. Do đó, việc tăng học phí cần có ý kiến nhiều chiều để không xảy ra tình trạng vì học phí tăng mà học sinh (HS) phải bỏ học nửa chừng.
Tăng học phí, tăng gánh nặng
Vừa đặt mấy bó rau cải vào rổ chuẩn bị ra chợ bán, chị Lê Ngọc Anh (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) ngạc nhiên: “Năm nay tăng học phí hả? Tôi chưa nghe nói, tối ngày đi bán suốt. Nhưng nếu học phí tăng, tôi phải thức sớm hơn và lấy nhiều rau hơn bán để có tiền trang trải cho việc học của con”. Gia đình có ba người, chồng gặp bệnh tật, mọi trang trải cuộc sống gia đình và chuyện học của con đều nhờ vào mớ rau cải của chị mua đi bán lại, mỗi ngày chỉ lời từ 20.000 – 30.000 đồng. Em Thu Thắm, con chị Ngọc Anh ngậm ngùi: “Nếu tăng học phí chắc em phải thức đêm bán phụ mẹ”. Năm nay Thắm lên lớp 7, theo khung mới, tiền học phí mà chị Ngọc Anh phải đóng cho con là 20.000 đồng/tháng (180.000 đồng/năm học). “Năm nào con sắp tựu trường tôi cũng lo sốt vó. Nào tiền sách vở, quần áo, giờ tiền học phí tăng nữa”, chị Ngọc Anh than thở.
Học sinh ở ĐBSCL chèo xuồng đi học. Ảnh: MINH TRƯỜNG
|
Như nhiều địa phương khác, mức học phí mới đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông kể từ năm học 2010 – 2011 sẽ tăng lên, theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng mức tăng học phí ở Vĩnh Long được xác định ở mức thấp nhất trong khung học phí do Chính phủ quy định. Theo đó, khu vực nông thôn thu từ 20.000 – 30.000 đồng/tháng/HS; khu vực thành thị từ 40.000 – 60.000 đồng/tháng/HS.
Anh Nguyễn Minh Tú, một công chức ở TP Vĩnh Long nói: “Năm học mới này học phí bậc mầm non tăng, tôi cũng lo lắm. Có một đứa con cho học mẫu giáo, dù học phí tăng cũng phải bấm bụng lo thôi”. Theo anh Tú, đầu năm học phải đóng 200.000 đồng, học kỳ 2 là 160.000 đồng. Chưa kể, con anh học bán trú ở một trường mầm non công lập, mỗi tháng anh Tú phải chi gần 600.000 đồng tiền ăn ở, học hành, sinh hoạt, vui chơi cho cháu.
Trong năm học mới, Cần Thơ cũng áp dụng mức học phí mới. Ông Trần Trọng Khiếm, quyền Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Mức học phí mới cao hơn từ 1,5 – 2 lần tùy theo mỗi bậc học”. Theo đó, mức đóng ở bậc mầm non cao nhất là 60.000 đồng/tháng; THPT 50.000 đồng/tháng. Chị Phan Thị Phiến (khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) kiếm sống nhờ vào việc may đồ, mỗi tháng thu nhập chưa tới 1 triệu đồng. Chị Phiến ngậm ngùi: “Vì ở nhà trọ nên tôi không được cấp sổ hộ nghèo để miễn giảm học phí cho con gái đang học lớp 9. Học phí tăng, giá cả tiêu dùng cũng đắt đỏ, chắc tôi phải nhận thêm nhiều đồ về may”. Với dân nghèo thành thị, việc tăng học phí đã là nỗi lo lớn, còn với người dân nông thôn khó khăn, thu nhập thấp, học phí tăng là cả một vấn đề hệ trọng.
HĐND địa phương quyết định mức học phí
Khoảng 2 tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu, đề án tăng học phí được áp dụng tại các địa phương theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có 20 địa phương trong cả nước thực hiện. Tại ĐBSCL, chỉ có một số tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ áp dụng mức học phí mới. Ông Lưu Thành Công, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết: “Mức học phí mới mà ngành giáo dục tỉnh áp dụng nằm ở “đáy” của khung học phí theo quy định của Chính phủ. Đồng thời cũng mở rộng các đối tượng được miễn, giảm học phí”.
Theo ông Công, một điểm mới theo đề án tăng học phí là con em thuộc hộ cận nghèo (thu nhập bằng 150% của hộ nghèo) được giảm 50% học phí. Trong báo cáo thẩm tra tại kỳ họp HĐND tỉnh, có ý kiến đề nghị xếp các xã của TP Vĩnh Long thuộc khu vực nông thôn cho phù hợp với một số quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, HS ở TP Vĩnh Long thuộc các xã Trường An, Tân Hòa, Tân Hội, Tân Ngãi sẽ có mức học phí bằng với mức học phí HS khu vực nông thôn ở các huyện còn lại. Kiến nghị này nhằm giảm đi một phần lo toan của người dân, nhất là những gia đình còn nhiều khó khăn ở khu vực ngoại ô TP Vĩnh Long.
Ở phương diện khác, ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi đang làm thủ tục về khung học phí mới để trình HĐND trong kỳ họp vào tháng 12 sắp tới. Đến năm học 2011 – 2012, Sóc Trăng mới áp dụng đề án này”. Theo ông Hùng, học phí mới sẽ nằm ở mức thấp nhất của khung học phí theo quy định nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre đang chờ thông tư hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT và các ngành chức năng tham mưu để trình HĐND thông qua. Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) băn khoăn: “Phường có 138 hộ nghèo, học phí tăng sẽ gây khó khăn cho con em những gia đình này và nguy cơ thôi học có thể xảy ra. Do đó, địa phương và các tổ chức xã hội sẽ vận động, hỗ trợ để các em được đến trường”
LÊ CHINH/ SGGP
Bình luận (0)