Do trình độ CNTT còn yếu nên một số giáo viên “ngại” đổi mới phương pháp giảng dạy (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Đổi mới giáo dục (ĐMGD) hiện đang là một phong trào được áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, ĐMGD đang gặp phải rào cản, mà một trong số những rào cản đó chính là giáo viên (GV).
Tâm lý “ngại” đổi mới ở giáo viên
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, muốn xây dựng và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, điều cấp thiết của ngành giáo dục hiện nay là phải ĐMGD, trong đó đổi mới tầm nhận thức của các cán bộ quản lý trường học và xóa bỏ tâm lý “ngại” đổi mới ở GV là điều hết sức quan trọng.
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Bình Thạnh) cho biết: “Một trong những khó khăn mà người quản lý như chúng tôi gặp phải trong quá trình ĐMGD là tâm lý “ngại” đổi mới ở một số GV. Bên cạnh các GV tích cực ủng hộ và cố gắng tiếp thu những cái hay, cái mới có hiệu quả trong công tác giảng dạy thì còn một số GV mang tâm lý “e ngại” cũng như chưa có thái độ tham gia tích cực vào việc đổi mới”.
Một số GV nhiều năm bám theo chương trình cũ, phương pháp dạy học truyền thống đã ăn sâu vào nghiệp vụ sư phạm nên rất khó để dứt bỏ. “Chúng ta không phủ nhận những tinh hoa của phương pháp dạy học truyền thống nhưng cũng nên tiếp thu các giá trị mới để nâng cao hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, nhiều GV vẫn chưa thay đổi được thói quen và quan niệm dạy học của mình”, thầy Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ.
Một trong những lý do khiến GV ngại phải đổi mới là trình độ ứng dụng CNTT còn hạn chế. Mặc dù, nhiều trường trung học đã tổ chức các buổi bồi dưỡng tin học cho GV nhưng nhiều thầy cô vẫn chưa thể tổ chức một bài giảng trên giáo án điện tử đạt hiệu quả tốt. Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển (Bình Thạnh) cho hay: “Hiện nay nhiều GV đã đạt tiêu chuẩn về trình độ tin học nhưng việc ứng dụng vào công tác giảng dạy chưa đạt hiệu quả”.
Cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu
Vai trò chính trong việc ĐMGD nằm ở cán bộ quản lý và cách thức giảng dạy của GV, nhưng cơ sở vật chất cũng quan trọng không kém. Hiện nay, cơ sở vật chất ở nhiều trường vẫn chưa đủ chuẩn.
Thầy Bùi Ngọc Phi nói: “Cơ sở vật chất của các trường hiện chưa đáp ứng hiệu quả cho công việc dạy học. Chẳng hạn như, nếu ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, mỗi học sinh có một bộ bàn ghế riêng thì học sinh chúng ta thường vẫn ngồi đôi, ngồi ba. Vì vậy, việc tổ chức thảo luận nhóm cũng gặp một số khó khăn trong quá trình di chuyển”.
Để nâng cao trình độ tin học cho GV thì yêu cầu đầu tiên là GV cần được tiếp xúc với máy tính. Tuy nhiên, hiện nay ở một số trường chưa được trang bị máy tính và truy cập internet để GV tìm kiếm thông tin. Đây là điểm hạn chế lớn trong tiến trình thực hiện công cuộc ĐMGD một cách toàn diện. Bên cạnh toán, vật lý, hóa học… trong chương trình THCS còn có một số bộ môn khác như địa lý, giáo dục công dân… Những bộ môn này, nhiều trường không có đủ phòng thực nghiệm, cảnh quan môi trường để học sinh tiếp thu hiệu quả nhất. Vì vậy, hầu hết các trường đều tổ chức cho học sinh tham gia các buổi học thực nghiệm, ngoại khóa, sau đó viết bài cảm nhận để GV đánh giá. Đây cũng là một trong những phương pháp giảng dạy tích cực được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, một số phụ huynh có tâm lý lo lắng và thường biện nhiều lý do để con em họ không tham gia vì sợ không an toàn. Thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) tâm sự: “Nhà trường đã tổ chức rất nhiều buổi học ngoại khóa nhưng chưa buổi nào học sinh tham gia đầy đủ”.
DƯƠNG BÌNH
Bình luận (0)