Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi giáo viên chê hệ bổ túc

Tạp Chí Giáo Dục

17.000 đồng/tiết thỉnh giảng bậc THCS tại một trung tâm giáo dục thường xuyên (còn gọi là hệ bổ túc văn hóa). Khi đưa ra mức giá này, cứ năm giáo viên thì bốn người từ chối dạy, một người đồng ý nhưng cũng chỉ cầm cự non tháng rồi xin nghỉ.
Giờ học môn văn của học sinh lớp 12 TTGDTX Q.10, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là chuyện năm nào cũng có ở những trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) trên địa bàn TP.HCM. Phải đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục của một thành phố lớn nhưng từ cơ sở vật chất đến đội ngũ chuyên môn của các trung tâm này vẫn thiếu thốn trăm bề.
Thiếu giáo viên cơ hữu
Khi nêu lý do xin nghỉ dạy, một giáo viên đưa ra mức giá mà người ta mời cô dạy ở một trường THCS chung địa bàn: 36.000 đồng/tiết. Tình trạng giáo viên “chê” TTGDTX khiến cứ mỗi đầu năm học mới các trung tâm lại phải chạy vòng quanh mời giáo viên thỉnh giảng. Trong khi đó số giáo viên được biên chế lại rất hạn chế, thường mỗi trung tâm chỉ có 1/3 hoặc 1/2 giáo viên cơ hữu.
14 TTGDTX chưa có trụ sở riêng
Theo thống kê tình hình phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên TP.HCM, năm học 2008-2009 có 30 TTGDTX với 569 phòng học, trong đó nhiều trung tâm phải mượn tạm phòng học của các cơ sở giáo dục lân cận. Có 14 trung tâm chưa có trụ sở riêng, chín trung tâm không có phòng thí nghiệm, thư viện hoặc phòng vi tính. Có 408 giáo viên cơ hữu và 943 giáo viên giảng dạy theo hợp đồng.
Ở TTGDTX Bình Chánh, năm học 2008-2009 chỉ có năm giáo viên cơ hữu “gánh” gần 700 học viên. Giáo viên phải “chạy sô” từ cơ sở này qua phân hiệu kia với quãng đường 15-25km. Thầy Võ Văn Nhân, giám đốc trung tâm, phàn nàn: trung tâm không có lớp ban ngày mà giáo viên được phân bổ lại ở các quận Bình Tân, quận 8 nên phải vượt quãng đường rất xa, tiền xăng đã chiếm gần hết tiền lương…
Lương thấp, đi dạy xa, điều kiện dạy thiếu thốn và đối tượng học sinh quá phức tạp chính là nguyên nhân khiến nhiều giáo viên chỉ dạy được thời gian ngắn rồi xin nghỉ. Thầy Nhân cho biết để đáp ứng công tác giảng dạy tại một cơ sở chính và hai phân hiệu cần có 14 giáo viên cơ hữu, nhưng trung tâm hiện mới chỉ có chín giáo viên. Như vậy cũng đã đỡ hơn những năm trước khi trung tâm phải đôn giáo viên cấp II lên dạy cấp III.
Thầy Dương Phúc Hậu, phó giám đốc TTGDTX quận 4, cho biết nguồn giáo viên cơ hữu rất bị động. Có giáo viên được phân về quận 4 dạy nhưng nhà ở tận Hóc Môn không thể đảm nhận ca tối. Có giáo viên nhà xa phải thuê trọ ở gần trường nhưng thu nhập hiện tại không đủ trang trải cuộc sống.
Riêng giáo viên thỉnh giảng với mức lương 17.000 đồng/tiết (bậc THCS) và 19.000 đồng/tiết (bậc THPT), số ít những người bám trụ trung tâm chủ yếu vì gắn bó chứ nếu vì đồng lương thì rất khó giữ chân họ… Để có được nguồn giáo viên thỉnh giảng, ban giám đốc trung tâm phải đi vận động giáo viên những trung tâm, trường học lân cận đang có cùng mức lương trả theo tiết, tức cũng được trả 17.000 đồng/tiết.
Thầy Nguyễn Đức Thuận, giám đốc TTGDTX quận Bình Thạnh, nêu ý kiến: “Giáo viên không được hưởng phần phụ trội tăng tiết như ở các trường phổ thông và nhận được rất ít ưu đãi từ chính sách nên các TTGDTX chưa thu hút được người giỏi để nâng cao chất lượng dạy và học”.
Trường kỳ… học nhờ
Không chỉ học nhờ giáo viên từ các cơ sở giáo dục lân cận, phòng học của nhiều TTGDTX trên địa bàn thành phố cũng phải mượn. Trong khi chờ cơ sở mới đang được quy hoạch, TTGDTX quận Bình Thạnh phải mượn tám phòng học ở Trường THCS Cửu Long để tổ chức lớp buổi tối. Hiện trung tâm chỉ có 10 phòng học không đủ chuẩn, không thể đáp ứng nhu cầu của 32 lớp. Giờ ra chơi học viên đủ lứa tuổi chen chúc ở khoảng sân nhỏ, không có thư viện, thiếu phòng chức năng đủ điều kiện giúp học viên tự học ngoài giờ…
Thầy Phú Ngọc Hùng, phó giám đốc TTGDTX quận 7, cho biết: “Cơ sở chúng tôi đang sử dụng là mượn của trung tâm văn hóa quận. Phòng học cải tạo từ phòng làm việc nên chật chội hơn, phải tận dụng hết tất cả phòng và chia ba ca mới giải quyết được chỗ học cho gần 900 học viên”.
Tại Bình Chánh, cả chục thùng dụng cụ học tập được trang bị để hỗ trợ dạy học vẫn còn nằm mốc meo chưa được đụng đến suốt mấy năm nay. Lý do là giáo viên phải tỏa ra dạy ở bốn cơ sở: khuôn viên TTGDTX huyện chỉ có vỏn vẹn ba phòng học, số học viên còn lại được chia đều học nhờ các trường THCS Đa Phước, THCS Tân Túc, THPT Lê Minh Xuân nên không có phòng chức năng, phòng thí nghiệm để sử dụng.
Một trung tâm có khả năng tập trung học viên, giải quyết cảnh đi học, đi dạy phải vượt vài chục cây số đã được dự kiến khởi công từ cách đây nhiều năm nhưng đến nay vẫn im ắng. Tương tự, các TTGDTX khác như quận 4, quận 7, quận 10 cũng đau đầu về vấn đề “học viên đã yếu lại phải học chay” vì cơ sở vật chất không được đầu tư hợp lý.
LƯU TRANG (TTO)

Bình luận (0)