Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề khảo sát lớp 1 nằm trong chương trình lớp lá

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành hướng dẫn khảo sát chương trình tiếng Anh tăng cường cho học sinh lớp 1, ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết:

Kỳ khảo sát được tổ chức dưới hình thức vui chơi, một trò và 2 cô giáo. Những trẻ chưa đến lượt sẽ có phòng chờ bên ngoài, được trang trí giống lớp mẫu giáo với nhiều đồ chơi, bút màu… để tránh tạo tâm lý sợ hãi cho trẻ. Thực ra, những trẻ đã học xong lớp lá thì rất dạn dĩ, hòa đồng. Chỉ có một số ít do cha mẹ quá cưng chiều nên thường e dè, sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ.
* Ông có thể giải thích rõ hơn về cấu trúc đề khảo sát tiếng Anh tăng cường dành cho trẻ 6 tuổi?
– Trí nhớ ngắn hạn là khả năng lặp lại. Đối với trẻ 6 tuổi chỉ cần lặp lại thôi chứ chưa yêu cầu phải học thuộc bài (trí nhớ dài hạn). Logic là sự hợp lý. Ví dụ, đưa hình vẽ một cái dù nhưng cán dù lại chổng lên trời rồi hỏi trẻ có hợp lý không? Trẻ sẽ biết cầm dù thì phải cầm cán, mái dù hướng lên phía trên. Đó là logic. Kiểm tra ngôn ngữ sáng tạo là trẻ phải biết tự sáng tạo trong lúc nói. Ví dụ người lớn đưa ra tình huống một chú vịt đi dạo bên hồ gặp trời mưa, nếu trẻ là vịt mẹ thì trẻ sẽ nói như thế nào. Có trẻ sẽ bảo: "Vịt con ơi mưa rồi!", có trẻ sáng tạo hơn "Vịt ơi mưa rồi về nhà thôi!", hoặc sáng tạo hơn nữa "Vịt ơi mưa rồi, vào nhà thôi. Tắm mưa là bệnh cảm đó". Khả năng phát âm là phát âm chuẩn, không ngọng nghịu.
Ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM
* Trọng tâm của đề khảo sát là gì, thưa ông?
– Cần phải nhắc lại, đây là một cuộc khảo sát (test) chứ không phải là một kỳ thi như mọi người vẫn nghĩ. Ở nước ngoài, tất cả mọi thứ đều test hết, chứ không test thì lấy căn cứ gì mà chọn lựa. Khảo sát là điều kiện bình thường để đo khả năng học ngoại ngữ chứ hoàn toàn không phải là một kỳ kiểm tra kiến thức như những lớp lớn nên không cần phải luyện. Đề khảo sát hoàn toàn nằm trong chương trình của lớp lá dành cho trẻ 5 tuổi ở trường mầm non chúng tôi chỉ hệ thống lại và tổ chức khảo sát để chọn ra những trẻ có khả năng về ngôn ngữ để dạy tiếng Anh tăng cường thôi. Đứng dưới góc độ tâm lý sư phạm, dạy trước rất có hại. Trẻ 6 tuổi vẫn còn ở lứa tuổi khám phá, tìm tòi. Nếu ở nhà phụ huynh cho con học bảng chữ cái. Đến lớp, thay vì trẻ háo hức chờ cô giáo dạy chữ cái thì thấy cái này đã học rồi, biết rồi không cần quan tâm nữa. Từ đó hình thành tính tự phụ cho trẻ.
* Những trẻ không đủ điều kiện để vào lớp tiếng Anh tăng cường vẫn có thể có khả năng học ngoại ngữ không, thưa ông? 
"Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian để vui chơi, nói chuyện với trẻ, bạn sẽ phát hiện được con mình giỏi cái gì. Đừng ép con trẻ làm những gì cha mẹ thích, học những gì mà cha mẹ thấy cần. Một đứa trẻ 6 tuổi có nhiều khả năng khác nhau chứ không riêng gì khả năng ngoại ngữ. Có thể là thiết kế, hội họa, âm nhạc, toán học… nên tạo điều kiện để trẻ phát triển khả năng đó". Ông Lê Ngọc Điệp
– Dĩ nhiên là có. Lớp tiếng Anh tăng cường được tổ chức 8 tiết/tuần dành cho những trẻ có khả năng đặc biệt. Nếu con bạn không có khả năng học lớp này có thể tham gia các lớp tiếng Anh đại trà, học ít hơn. Học để biết. Nếu trẻ không giỏi thì đừng ép làm gì.
* Như vậy, theo ông phụ huynh cần chuẩn bị gì cho trẻ trước kỳ khảo sát lớp 1 tiếng Anh tăng cường?
– Không cần chuẩn bị gì hết. Trẻ 5 tuổi hiện chỉ có 4 khả năng: Tri giác (phân biệt được cái này với cái kia). Trí nhớ ngắn là khả năng lặp lại (ví dụ cái này màu gì), khả năng logic và khả năng ngôn ngữ. Đề khảo sát hoàn toàn bằng tiếng Việt nên không cần phải học hay luyện tiếng Anh gì cả. Nếu phụ huynh cứ ép học thì có thể vượt qua được nhưng không có khả năng học tập lâu dài. Học tiếng Anh là học lâu dài nên cố ép trẻ sẽ rất vất vả.
Phi Loan (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)