Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bỏ biên chế, người trong cuộc nói gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Đã từng có một Chiến lược giáo dục Việt Nam (CLGD) 2001 – 2010 tuy nhiên thực tiễn phát triển giáo dục đã cho thấy cần có sự điều chỉnh.

Ảnh minh họa.

> Sàng lọc giáo viên, trả lương theo hiệu quả

> Nhiều GV lo lắng với dự thảo xóa bỏ biên chế nhà giáo

Đó là lý do ngành GD&ĐT cho ra đời chiến lược phát triển giáo dục (CLPTGD) giai đoạn 2009 – 2020, tiếp tục thực hiện giai đoạn cuối của CLGD 2001-2010 với những điều chỉnh cần thiết, tạo những bước chuyển biến căn bản của giáo dục trong thập  niên tới.

Bản dự thảo lần thứ 13 của CLPTGD đã đưa ra 11 giải pháp chiến lược. Giải pháp số 2 gây sự chú ý đặc biệt của dư luận các nhà quản lý giáo dục và các giảng viên bởi chủ trương mới của nó.

Đó là từ năm 2009 bắt đầu thí điểm ở một số trường trung học phổ thông  và đại học thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức khác, để đến năm 2010 có 100% số giáo viên, giảng viên mới làm hợp đồng thay cho biên chế nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo.

Xin trích đăng một số ý kiến của các nhà quản lý giáo dục và giáo viên về vấn đề này.

Phải đảm bảo quyền lợi của người lao động!

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP HCM: Xóa biên chế (BC) chỉ còn hợp đồng là một chủ trương đúng nhưng phải bảo đảm quyền lợi của người lao động theo Luật Lao động), ví dụ như: dù giáo viên có thể dạy cho trường này một vài năm, trường khác một vài năm nhưng tất cả thời gian công tác phải được tính vào thâm niên.

Như vậy, khái niệm lao động hợp đồng đối với giáo viên phải kèm theo các vấn đề khác như sổ lao động để lưu lại quá trình công tác để khi còn làm việc họ được hưởng quyền lợi như những người lao động có biên chế và khi về hưu được hưởng toàn bộ quyền lợi của người lao động nghỉ hưu…

Về mặt cơ chế, đơn vị quản lý người lao động phải có trách nhiệm đảm bảo những quyền lợi, phúc lợi đầy đủ  cho một người lao động; người lao động có quyền được yêu cầu các quyền lợi theo luật định, tránh tình trạng chỉ tính thâm niên trong thời gian làm việc với đơn vị mới. Đó là sự cần thiết của  cuốn sổ lao động.

Muốn có nhà giáo giỏi, liều thuốc hiệu nghiệm ở chỗ khác

Ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQG Hà Nội: Chế độ lao động hợp đồng thực ra được bắt đầu từ năm 2007. Hợp đồng dài hạn có bảo hiểm và hưởng mọi chế độ giống hệt như trong BC, chỉ khác ở chỗ người quản lý có quyền chấm dứt hợp đồng nếu người lao động không đáp ứng yêu cầu  công việc hoặc nhu cầu công việc không còn  tồn tại. Vấn đề thực chất không có gì mới.

Muốn có đội ngũ nhà giáo giỏi thì  nhà trường phải có môi trường làm việc, điều kiện làm việc theo hướng kích thích sự năng động sáng tạo, tâm huyết của giáo viên;  kèm theo đó là  thu nhập phù hợp với khả năng công sức lao động của từng người mới là liều thuốc hiệu nghiệm nhất.

Bên cạnh đó chế độ khen thưởng, thải hồi chỉ là biện pháp tiếp theo. Cuối cùng  mới là giải pháp sàng lọc đối với những người không đáp ứng được tạo điều kiện mà không làm được việc.

Biên chế không phải là vấn đề giảng viên trẻ quan tâm!

Thạc sĩ Quyền Đình Hà, giảng viên trẻ trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội: Tôi ra trường 2001, làm hợp đồng thử việc 1 năm để xem có thể làm được nghề giáo, giảng dạy hay không; sau đó được làm hợp đồng dài hạn 3 năm, sau 3 năm lại đánh giá lại và sau 7 năm mới được nhận làm hợp đồng dài hạn.

Việc thử thách và đánh giá này là tích cực, tất nhiên không tránh khỏi tình trạng là chỗ này chỗ  kia dù hợp đồng vẫn còn mang tính hình thức. Và hai chữ biên chế không còn nặng nề nữa vì hợp đồng cũng có tính tích cực của nó – sẽ không có người cứ ì trệ vì đã chắc chân trong biên chế.

Hợp đồng hay biên chế không phải là vấn đề giáo viên trẻ quan tâm trong việc quyết định ở lại trường. Vấn đề đãi ngộ, lương bổng và điều kiện để học tập nâng cao trình độ mới là điều giáo viên trẻ quan tâm.

Hồ Thu (Tiền phong)

Bình luận (0)