Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy giáo, cô giáo có ở trong tầm nhìn của nghị quyết BCH tư Đảng về trí thức?

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Tôi nghĩ đó là tất nhiên rồi, hơn nữa, còn ở vùng  trung tâm của tầm nhìn đó. Nếu định nghĩa trí thức trước hết là những người lao động trí óc, lao động của họ là tích lũy, đồng hóa, sản xuất và sáng tạo các tri thức văn hóa, khoa học, những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần thì các nhà giáo ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học từ mẫu giáo đến đại học, từ phổ thông đến chuyên nghiệp đều là những người trí thức đích thực.

Họ làm một nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, đó là sáng tạo nên những con người sáng tạo” (Phạm Văn Đồng). Trong thời kỳ lịch sử hiện đại, khi giáo dục ở tất cả các quốc gia đều trở thành một nguồn lực to lớn của sự phát triển, còn ở nước ta, giáo dục trở thành một quốc sách hàng đầu, thì nhà giáo tất nhiên có vị trí danh dự trong đội ngũ trí thức yêu nước và xã hội chủ nghĩa của dân tộc. Điều này thiết tưởng không còn gì phải bàn cãi thêm nữa.

Tuy nhiên, do những thành kiến cũ kỹ, hẹp hòi về trí thức lưu lại từ những xã hội cũ, hoặc do ảnh hưởng từ bên ngoài, nhiều người có thể vẫn còn nghĩ rằng: chỉ những nhà giáo ở các cấp học cao, có học vị, học hàm, có chức danh và trình độ khoa học mới là những người trí thức, còn các thầy giáo ở các cấp thấp thì chỉ là những giáo viên, tức là những nhân viên dạy học, cũng như nhân viên bán hàng, nhân viên hành chính, nhân viên phục vụ ở các công sở, cơ quan thuộc các ngành trong xã hội. (Tất nhiên nhận thức về đội ngũ trí thức này như vậy cũng rất sai lầm).

Theo thiển nghĩa của tôi, đội ngũ nhà giáo chúng ta, cũng như đội ngũ thầy thuốc trong ngành y tế, là hình ảnh cụ thể và tiêu biểu của đội ngũ trí thức, hay còn gọi là tầng lớp trí thức hay giới trí thức (inteligentsia) trong xã hội và đã chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, nhiều người vẫn còn nghĩ đã gọi là trí thức thì phải thuộc loại “hiền sĩ”, được “chiêu hiền, đãi sĩ”, được trọng vọng, vinh danh, còn các nhà giáo bậc thấp, bình thường, lương thấp, danh cũng thấp, làm sao có được chỗ đứng hay chỗ ngồi vinh dự trong lâu đài trí thức, nếu không giàu có thì cũng sang trọng?

Trí thức giáo dục trước hết tiêu biểu ở cấu tạo của giới mình. Giáo giới là một đội ngũ trí thức rộng lớn bao gồm trước hết những nhà trí thức hàng đầu, các nhân tài, thiên tài, tinh hoa của đất nước, vinh dự của dân tộc, có trình độ cao, học thức rộng, uy tín lớn, cống hiến nhiều, chủ lực và xung kích của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cũng như cuộc cách mạng kinh tế xã hội, cách mạng tư tưởng văn hóa. Ở trình độ cao nhất, khoa học và giáo dục là thống nhất, các nhà bác học lớn đều là những nhà sư phạm lớn. Họ là những cánh chim đầu đàn của giáo giới cũng như của giới trí thức, là những bậc thầy của toàn giới trí thức cũng như của nhân dân. Đất nước ta đang rất cần và rất trông mong sự xuất hiện ngày càng đông một đội ngũ tinh hoa của trí thức Việt Nam như vậy từ trong nước, từ ngoài nước, từ các tầng lớp, các thế hệ. Đảng, nhà nước, nhân dân cần có chế độ, chính sách ưu tiên, đãi ngộ đối với đối tượng này cho xứng đáng với vị trí và cống hiến; bản thân họ cũng thường xuyên “hỏi mình đã làm gì cho tổ quốc trước khi hỏi tổ quốc đã làm gì cho mình”. Bàn về trí thức, dư luận thường tập trung chú ý đến đối tượng này.

Đó là một bộ phận mà ta thường gọi là đại trí thức. Tất nhiên, khái niệm trí thức còn rộng hơn đối tượng đó. Xã hội nào cũng vậy, ngoài đại trí thức còn có trung trí thức, tiểu trí thức. Số này thường đông hơn, trong xã hội ta thời kỳ lịch sử mới càng đông hơn và ngày càng đông thêm. Sự nghiệp giáo dục mở rộng đến toàn dân, đặc biệt đến nhân dân lao động, thực hiện “trí thức hóa công nông, công nông hóa trí thức” (Hồ Chí Minh) thì biên độ của trí thức mở rộng không ngừng và cũng biến động không ngừng. Tri thức không phải là độc quyền của ai thì trí thức cũng không phải là đặc quyền của ai. Đội ngũ trí thức không những ngày càng nâng cao mà ngày càng mở rộng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi khắp đất nước, tạo thành sức mạnh trí tuệ của một quốc gia. Sự mở rộng và nâng cao của đội ngũ trí thức giáo dục chính là một hình ảnh của quá trình cách mạng xã hội đó. Họ là những trí thức tạo ra những trí thức.

Giáo giới còn biểu hiện ở sự chuyển đổi bản chất của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình “trí thức hóa công nông, công nông hóa trí thức”, hơn ai hết người giáo viên ở mọi cấp, mọi ngành là những người trí thức đồng thời là những người lao động. Họ sống chủ yếu không phải bằng lợi nhuận từ các tư liệu sản xuất mà mình chiếm hữu, tức là từ lao động của người khác, mà bằng sức lao động của mình, lao động được trả công, trả lương như người công nhân, có điều trong chế độ ta, họ không phải là người làm thuê mà là người làm chủ đối với bản thân, nghề nghiệp và đối với đất nước, Nhà nước, nhà trường (kể cả ở các trường dân lập, tư thục). Có thể nói trong xã hội ta, giáo giới thuộc tầng lớp trí thức đồng thời thuộc tầng lớp công nhân Việt Nam hiện đại bao gồm mọi người lao động làm công ăn lương trong một guồng máy lao động ngày càng mang tính trí tuệ, có hàm lượng trí tuệ cao, một nền “kinh tế tri thức”. Sự thay đổi thân phận này của người trí thức giáo dục bước đầu có mặt lợi và bất lợi cho bản thân họ. Đó là người trí thức phải đồng cam cộng khổ với công nông, với những người cùng giai cấp của mình, không có đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp trí thức như trong xã hội cũ “lao tâm trị người, lao lực bị người trị”.

Song mặt có lợi là họ đứng vào hàng ngũ những người lao động xây dựng đất nước, thậm chí vào hàng ngũ của giai cấp tiên phong là giai cấp công nhân, gắn liền số phận của mình với tăng trưởng hay suy thoái của đất nước, với thất bại hay thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. So với tầng lớp trí thức trong xã hội cũ, họ có thể thu nhập kinh tế thấp hơn song phải có vị trí chính trị cao hơn.

Sự tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng ta, nhà nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ta dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nền tảng và trụ cột là liên minh công – nông – trí. Vừa thuộc tầng lớp trí thức, vừa thuộc giai cấp công nhân hiện đại, các nhà giáo Việt Nam  trong thời kỳ lịch sử mới có vai trò lịch sử khác so với giáo giới trong xã hội cũ. Họ là những nhà giáo dục dân tộc và cách mạng. Tuy đã được vinh danh nhiều từ trước đến nay, song từ nay về sau trí thức giáo dục cần được quan tâm về vật chất và tinh thần nhiều hơn nữa. V.I Lê-nin từng nói: “chúng ta phải làm cho các nhà giáo trong chế độ XHCN có một vị trí mà các xã hội tư sản cũ chủ yếu không thể nào có được. Điều đó không cần phải bàn cãi gì nữa, điều chủ yếu, chủ yếu và chủ yếu là phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất của họ”. Tư tưởng đó của V.I Lê-nin thật là thấu suốt vai trò lịch sử của trí thức – nhà giáo. Hồ Chí Minh còn gọi họ là anh hùng, những anh hùng vô danh.

Chúng ta tin tưởng: nghị quyết trung ương về trí thức đang triển khai thực hiện sẽ đem lại một chuyển biến mới  trong vai trò lịch sử và cống hiến lịch sử của giáo giới Việt Nam, xứng đáng với bản chất của giới mình: là một đội ngũ trí thức cách mạng thuộc giai cấp tiên phong của xã hội Việt Nam.

29-7-2008

Trần Thanh Đạm

Bình luận (0)