Chính phủ Philippines đã thông báo sẽ sớm khởi động vòng đàm phán với Mỹ về việc tăng cường sự hiện diện của binh lính Mỹ ở quốc gia Châu Á này.
Trong thư gửi cho Quốc hội Philippines ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngoại trưởng nước này đều khẳng định việc cho phép lính Mỹ "tăng cường hiện diện luân phiên" sẽ giúp Philippines có được "sự phòng thủ tin cậy tối thiểu" để bảo vệ lãnh thổ trong khi phải vật lộn với công cuộc hiện đại hóa lực lượng quân đội.
BRP Ramon Alcaraz là tàu chiến thứ hai mà Philippines mua từ Mỹ (Nguồn: AFP)
Hiến pháp Philippines cấm quân đội nước ngoài đồn trú lâu dài và can dự vào các hoạt động tác chiến tại nước này.
Động thái trên diễn ra chỉ hai ngày sau khi Philippines rầm rộ đón nhận chiếc tàu chiến thứ hai từ Mỹ chuyển sang để tăng cường hoạt động tuần tra biển.
Tổng thống Benigno Aquino đã có mặt cùng Hải quân Philippines trong lễ đón BRP Ramon Alcaraz, một con tàu thuộc loại tuần duyên Hamilton, đã bị Tuần duyên Mỹ thải loại và được Manila mua lại.
Con tàu đã cập cảng tại Subic, căn cứ quân sự cũ của Mỹ nằm ở bờ biển phía Tây đảo chính Luzon, đối diện với Biển Đông, nơi Philippines có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
"Giờ đây khi tàu BRP Alcaraz đã về Philippines, chúng ta chắc chắn sẽ tăng cường hoạt động tuần tra ở khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines" – ông Aquino nói khi đại sứ Mỹ ở Manila và các quan chức khác vỗ tay hoan hô – "Nó sẽ tăng cường khả năng của chúng ta trong việc chống lại bất kỳ mối đe dọa nào".
Tàu Alcaraz, đặt tên theo đô đốc đầu tiên của Philippines và là người hùng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, là con tàu thứ hai nước này mua từ đồng minh Mỹ trong mấy năm gần đây nhằm nâng cấp cho lực lượng quân đội.
Con tàu đầu tiên là BRP Gregorio del Pilar đã được mua hồi năm 2011 và lập tức được điều đi tuần tra tại vùng biển của Philippines để chống lại cái mà Manila gọi là "sự tăng cường quân sự hóa của Trung Quốc ở các vùng biển bị tranh chấp".
Năm 2012, tàu Gregorio del Pilar đã có cuộc giằng co với các tàu Trung Quốc trong một sự kiện liên quan tới bãi cạn Scarborough, một đảo san hô nằm gần Subic.
Trung Quốc cuối cùng đã giành được quyền kiểm soát bãi cạn này khi Philippines lùi bước./.
(Vietnam+)
Bình luận (0)