Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học tốt môn tiếng Anh: Chỉ học khi mình thấy thích và thoải mái

Tạp Chí Giáo Dục

Sách tiếng Anh luôn đồng hành với Phong mọi lúc mọi nơi (hình chụp lúc Phong còn ở Việt Nam)

Huỳnh Kim Phong không phải là thủ khoa của trường ĐH nào nhưng với sức học của mình, bạn có thừa khả năng đạt được danh hiệu ấy. Bạn là học sinh giỏi toàn diện và đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi: giải II học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh (2004-2005), giải I học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh (2005-2006); giải “Distinction” trong cuộc thi Hóa học hoàng gia Úc…
Sau khi tốt nghiệp THPT, Phong thi tuyển và đoạt được một suất học bổng du học toàn phần tại Singapore. Hiện bạn học năm thứ 3 Trường ĐH Nanyang (NTU), ngành Communication Studies. Để đạt thành tích như trên, Phong đã phải liên tục nỗ lực vượt khó để học tập. Phong không có được một gia đình trọn vẹn như bạn bè cùng trang lứa, bố mất lúc Phong học lớp 9, còn mẹ ở nhà nội trợ, chị gái làm nhân viên bán hàng. Do đó trong suốt những năm học phổ thông, bạn chưa hề đặt chân đến lớp luyện thi hay nhà sách nào để mua sách tham khảo. Với bạn, điều chủ yếu là phải tạo được sự hứng thú đối với môn học và phải luôn cố gắng tự mình giải quyết tới cùng những vấn đề khó khăn trong môn học đó. Bạn cho biết: “Tôi không đi học thêm, cũng không có điều kiện và thời gian để đi học thêm. Tôi quan niệm rằng tự học là phương pháp tốt nhất, có thể chủ động về tài liệu, thời gian và phương pháp cũng như rất hữu ích khi học ở môi trường ĐH sau này”. Phong đặc biệt giỏi môn Anh văn. “Đối với môn tiếng Anh, theo tôi, trước hết là phải học với một tinh thần đúng, có nghĩa là việc học phải xuất phát từ niềm yêu thích và mong muốn của bản thân nhằm nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ tiếng Anh chứ không phải do ép buộc, hay do muốn được điểm cao ở trường, học để đi du học… Dĩ nhiên đó là những mục đích tốt, nhưng khi học tiếng Anh không nên lấy đó là mục đích cuối cùng”, Phong nói. Bạn cho biết thêm, nếu ai có điều kiện thì nên sớm học tiếng Anh để sau này có được nền tảng vững chắc và dễ tiếp thu hơn. Phương pháp đúng là chỉ học khi mình thấy thích và thoải mái. Đối với từng kỹ năng cụ thể:
Kỹ năng đọc hiểu: đọc nhiều bài tiếng Anh do người bản xứ viết để làm giàu từ vựng và phong cách viết (có thể lấy nguồn từ các báo mạng của nước ngoài, sách truyện v.v…), luôn thử đọc những bài viết cao hơn trình độ của mình để rèn luyện và khi đọc nên chú ý đến cả nội dung xem như là để làm giàu tri thức.
Kỹ năng viết: cách tốt nhất là… viết thật nhiều, viết những gì mình nghĩ, mình thích bằng tiếng Anh, nếu có cơ hội thì đưa cho những người viết tốt hơn mình đọc, chỉnh sửa và cho ý kiến. Cố gắng học cách viết của người bản xứ qua báo chí, sách vở để tự điều chỉnh cách viết của mình sao cho tự nhiên và hấp dẫn hơn. Về điểm này, em học hỏi được từ một mẩu chuyện về Bác. Khi Bác Hồ ở Pháp và mới bắt đầu tập viết báo bằng tiếng Pháp cho các báo: Nhân đạoĐời sống Công nhân thì Bác chỉ viết từng câu rồi nhờ người bản xứ sửa hộ, tới khi quen Bác nâng lên viết từng đoạn, lại được chỉnh sửa và đến khi thuần thục thì Bác có thể viết bài dài, ngắn tùy ý mà không thua kém gì những nhà báo, nhà văn bản xứ.
Kỹ năng nghe: nghe tin bằng tiếng nước ngoài trên truyền hình, nâng dần độ khó, cố gắng tìm cơ hội nói chuyện với người bản xứ.
Kỹ năng nói: cố gắng tìm cơ hội nói chuyện với người bản xứ, tham gia thuyết trình tiếng Anh trước lớp để tự tin khi nói.
Cuối cùng, điều quan trọng còn nằm ở quyết tâm của người học.
T.Tr (ghi)

 

Bình luận (0)