Thầy Vũ Hải Sơn đang giới thiệu nhiếp ảnh gia Duy Anh trong buổi học của SV Khoa Báo chí, ĐH KHXH-NV TP.HCM |
Tại lớp học môn nhiếp ảnh, cứ mỗi thể loại ảnh là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đứng lớp giảng dạy. Chính vì dạy theo phương pháp “học đi đôi với hành”, lại được chính những người nổi tiếng trong lĩnh vực nhiếp ảnh giảng dạy nên buổi học sinh động, thiết thực, hiệu quả và SV rất hào hứng khi học.
Học đi đôi với hành!
Một buổi học môn nhiếp ảnh của các lớp Báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM do thầy Vũ Hải Sơn giảng dạy rất đông sinh viên (SV) dự học. Tại lớp học không chỉ SV báo chí, SV nhiều khoa khác cũng đến học ké. Những ánh đèn flash liên tục chớp nháy, trên bảng dán sẵn những tấm hình minh họa, SV tự do di chuyển, thực hành ngay tại lớp rồi nhờ giáo viên giảng giải cụ thể theo từng tấm ảnh. Môn nhiếp ảnh chiếm 45 tiết trong chương đào tạo của SV chuyên ngành báo chí. Đây là môn học quan trọng đối với bất kỳ SV báo chí nào. Để SV nắm được kiến thức, vận dụng kiến thức đã học để “hành” phụ thuộc rất nhiều vào vai trò, phương pháp dạy của người thầy. Nhận thức được điều đó, thầy Sơn đã chủ động liên hệ với các nhiếp ảnh gia nổi tiếng để mời những “ngôi sao” này về giảng dạy phần thực hành. Trước khi SV bước vào phần học thực hành với “người thật việc thật”, thầy Sơn đã “gia cố” phần “mềm” cho các bạn. Phần cốt lõi của môn nhiếp ảnh là cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy ảnh được thầy Sơn trực tiếp “luyện” cho SV. Về mỗi thể loại ảnh, như ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật, ảnh phong cảnh thầy Sơn đã mời nhiếp ảnh gia nổi tiếng về thể loại đó để lên lớp giảng dạy cho SV. Các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như nghệ sĩ Duy Anh, Hoàng Quốc Tuấn, Hoàng Thạch Vân, Thái Phiên, Hồng Nga, Lê Hồng Linh, nhà báo Nguyên Khôi, Dương Thành Truyền (Báo Tuổi Trẻ) đứng lớp giảng dạy, truyền đạt những kinh nghiệm hành nghề của mình cho SV. SV rất phấn khởi với kiểu học sinh động, thiết thực này. Ngoài việc học, SV còn được tiếp xúc, trao đổi, làm quen với những nhiếp ảnh gia hàng đầu, những nhà báo nổi tiếng. Bạn Kim Huệ – SV lớp Báo chí K07 hào hứng cho biết: “Học môn nhiếp ảnh của thầy Sơn bọn em rất thích. Không chỉ được thầy ôn kỹ phần lý thuyết, tụi em còn được học với nhiều nhiếp ảnh, nhà báo ảnh nổi tiếng. Lớp em còn được thầy Sơn đưa xuống tận nhà thầy Duy Anh để tham quan các bộ sưu tập ảnh của thầy”. Đối với SV báo chí, kiểu học được minh họa bằng chính kinh nghiệm, sự chia sẻ và sự xuất hiện của chính những chuyên gia là sức hút kích thích việc học tập một cách chủ động, sáng tạo. Bạn Chi Giao – SV Lớp Báo chí K06 phấn khởi: “Với kiểu học này em rất thích đến lớp. Bởi thực hành song song minh họa cho lý thuyết. Ngoài việc nắm bắt được kiến thức một cách có hệ thống, lớp em còn được các nhiếp ảnh gia nổi tiếng hướng dẫn, chia sẻ”.
Vai trò của người thầy!
Để có được những tiết dạy sinh động, hiệu quả như vậy là sự cố gắng lớn, nhiệt huyết của người thầy. Thầy Sơn cho biết: “Chương trình học này chỉ dành cho SV chính quy thôi, SV tại chức thì chưa thể được. Bởi mình không đủ sức và họ cũng chưa chú trọng việc học lắm. Vì yêu nghề, yêu học trò nên mình dành cho SV những buổi học tốt nhất. Những đồng nghiệp vốn là nhiếp ảnh gia, nhà báo nổi tiếng nhưng họ thấy mình nhiệt huyết, tất cả vì học trò nên họ sẵn sàng giúp đỡ mình. Mình mời họ và mình chỉ có tấm lòng. Họ cũng vì cảm tấm lòng mà lên lớp đứng dạy cho SV chứ không tiền bạc gì. Nếu tính thù lao thì làm sao mình trả nổi. Những nhiếp ảnh gia như Duy Anh, Hoàng Quốc Tuấn, Hoàng Thạch Vân… ngoài công việc nhiếp ảnh ra mấy anh còn nhiều việc phải làm nhưng họ rất nhiệt tình với SV. Hoặc nhiếp ảnh gia Thái Phiên, người mẫu xếp hàng chờ chụp ảnh nhưng anh ấy vẫn cùng tôi lên lớp dạy cho SV”.
Trong thời buổi hiện nay, khi mà đồng tiền chi phối nhiều mối quan hệ nhưng thầy Sơn vẫn dành cho SV những gì tốt nhất, tất cả vì SV của mình. Nếu vì tiền, thầy sẽ không theo nghề giáo, bởi thầy vốn là nhà báo nổi tiếng. Với nghề nhiếp ảnh, thầy có thể kiếm ra nhiều tiền hơn rất nhiều so với nghề dạy. Thầy Sơn nói: “Lương giáo viên của tôi chỉ gần 3 triệu đồng/tháng, nếu không làm nghề giáo tôi có thể kiếm nhiều tiền hơn thế”. Bạn Chi Giao cho biết: “Dạy kiểu này thì SV được lợi lớn nhưng giáo viên rất cực. Phải là người thầy tâm huyết với nghề, yêu thương học trò lắm mới làm được”.
Công Việt
Bình luận (0)