Học sinh tỉnh Hậu Giang đặt câu hỏi với Ban tư vấn về vấn đề kỳ thi THPT quốc gia 2015
|
Các trường và sở GD-ĐT sẽ nhận những khó khăn về mình nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong kỳ thi THPT sắp tới. Điều này được TS. Hà Hữu Phúc – Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – nhấn mạnh tại chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ “Tiếp bước trường thi” 2015 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại 4 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau từ ngày 24 đến 28-1.
Trước đó, điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định tại tọa đàm góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015 vừa được tổ chức.
Thay đổi sẽ không gây xáo trộn
Theo TS. Hà Hữu Phúc, qua hơn một tháng ban hành dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH-CĐ, bộ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của học sinh (HS), giáo viên cả nước. Gần đây nhất, bộ cũng tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp lần cuối cùng cho dự thảo. Trong đó, Bộ trưởng có khẳng định bộ và các sở GD-ĐT, trường ĐH-CĐ sẽ luôn nhận những khó khăn, vất vả về mình để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong kỳ thi tới, giúp các em thi đạt kết quả tốt. Ông Phúc cũng cho rằng, những thay đổi trong kỳ thi năm nay chủ yếu thuộc về khâu tổ chức, sẽ không gây xáo trộn hay tác động tới HS. Vì vậy, thí sinh không nên quá lo lắng, thay vào đó cần tập trung ôn luyện và thi tốt cũng như sáng suốt lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế để đạt kết quả mong muốn.
Đây cũng là điều được đại diện các trường ĐH-CĐ tham gia chương trình liên tục nhắn nhủ thí sinh. Bởi hiện nay, các em chú ý quá đến dự thảo quy chế thi mà ít tập trung ôn luyện. Trong đó, cấu trúc đề thi và thang điểm được các em đề cập nhiều nhất. Tại Hậu Giang, HS Trần Thị Thủy Tiên (lớp 12, Trường THPT chuyên Vị Thanh) đại diện hỏi: “Nếu áp dụng thang điểm 20 thì điểm trong học bạ của HS có thay đổi theo không?”. PGS.TS Đỗ Văn Xê – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ – khẳng định, vào buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo quy chế thi THPT quốc gia mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ cân nhắc sử dụng thang điểm 10, vì vậy thí sinh không nên quá lo lắng. Điều các em cần lo là thi đạt bao nhiêu điểm bởi điểm càng cao, cơ hội đậu càng lớn.
Tại Kiên Giang, HS Huỳnh Phúc Giàu (THPT Dân tộc nội trú Kiên Giang) thắc mắc, với 4 phiếu điểm theo dự kiến thì thí sinh sẽ xét tuyển như thế nào. TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – hướng dẫn, theo dự thảo quy chế, mỗi thí sinh sau khi thi được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả. Cùng với giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, thí sinh sẽ nộp chứng nhận kết quả để tham gia xét tuyển theo từng đợt. Mỗi đợt, thí sinh có 4 nguyện vọng nhỏ vào cùng một trường. Nếu trúng tuyển đợt này, các phiếu còn lại không còn giá trị xét tuyển. Còn nếu thí sinh không trúng tuyển sẽ tiếp tục xét tuyển ở các nguyện vọng còn lại. TS. Nghĩa dự đoán khoảng 70% chỉ tiêu sẽ được dành xét tuyển ở đợt 1. Vì vậy, thí sinh cần chú ý cân nhắc lựa chọn để nắm bắt cơ hội trúng tuyển ở ngay nguyện vọng đầu tiên.
Quan tâm tuyển thẳng, mức lương…
Liên quan đến câu hỏi của HS Tạ Văn Hoài Thanh (Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang) về vấn đề tuyển thẳng HS giỏi quốc gia, Ban tư vấn cho biết HS đoạt giải nhất, nhì và ba sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH; giải khuyến khích vào các trường CĐ. Tuy nhiên, các trường chỉ dùng tối đa 5-10% chỉ tiêu dành cho tuyển thẳng đối tượng này, vì vậy thí sinh cần tìm hiểu kỹ khả năng đậu trước khi nộp vào. Dễ thấy nhất, Trường ĐH Y dược TP.HCM, ngành y đa khoa các năm qua gần như chỉ những em đoạt giải nhất HS giỏi quốc gia mới có cơ hội học. Những em giải nhì trở về sau nên cân nhắc trước khi đăng ký.
HS Diễm Thúy (Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang) đề cập: “Gần đây em nghe nói lương cử nhân, kỹ sư không bằng lương công nhân có tay nghề. Điều này khiến em băn khoăn giữa chọn học ĐH hay đăng ký vào trường nghề để sau khi ra trường có được mức thu nhập mong muốn”. ThS. Phan Bửu Toàn (Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn) nhìn nhận, hiện thị trường rất cần nhân lực nhưng đòi hỏi chất lượng cao. Tất cả các trường ĐH-CĐ hiện nay đều có chuẩn đầu ra, có trung tâm giới thiệu việc làm.
Bài, ảnh: M.Tâm
TS. Hà Hữu Phúc – Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – đánh giá, 8 năm qua, Báo Giáo dục TP.HCM luôn đồng hành cùng HS và giáo viên khắp mọi miền Tổ quốc; luôn là cánh tay nối dài của bộ để chuyển tải thông tin nhanh nhất đến với HS, giáo viên. Năm nay, báo tiếp tục tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp trên 19 tỉnh thành, cung cấp các thông tin thiết thực giúp HS thuận lợi lựa chọn ngành nghề. Bộ GD-ĐT đánh giá cao hoạt động của báo suốt thời gian qua trong việc định hướng HS chọn lối vào đời và mong muốn thời gian sắp tới báo sẽ tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa. |
Bình luận (0)