Sự kiện giáo dụcTin tức

Báo động tình trạng học sinh xài tiền hoang phí: Nhiều em xài 4-5 triệu đồng/ tháng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nước phát triển đưa chương trình giáo dục tài chính vào học đường
“Phụ huynh cho con cái tiền tiêu vặt nhưng chưa dạy các em kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Vì vậy, giới trẻ hiện nay hầu như không biết cách sử dụng tiền, thậm chí một số em còn suy nghĩ lệch lạc về giá trị của đồng tiền”. Đó là nhận xét của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo tổng kết giai đoạn 1 thực hiện thí điểm dự án “Giáo dục tài chính” cho học sinh (HS) tại TP.HCM diễn ra vào ngày 25-5.
HS xài tiền… như nước
Tại hội thảo, đại biểu đã được xem một số đoạn phim do các em HS Trường THPT Marie Curie thực hiện. Đó là những cảnh quay về cách diện thời trang hàng hiệu hay cách sử dụng điện thoại di động, điện, nước… hoang phí của một số bạn HS. Những đoạn phim này tuy ngắn nhưng rất sinh động và mang đầy ý nghĩa thiết thực. Nó cho thấy một thực tế, xưa nay các em chỉ xòe tay xin tiền bố mẹ mà chưa hiểu được giá trị của đồng tiền.
Cô Vũ Hải Song Quyên, giáo viên (GV) Trường THPT Marie Curie chia sẻ: “Kỹ năng sử dụng tiền của HS còn yếu, các em chưa có kinh nghiệm trong cách quản lý, chi tiêu tài chính”.
Qua khảo sát 200 HS ở Trường THPT Marie Curie và Trường THPT Nguyễn Du, bà Thu Hương, quản lý dự án này cho biết: “1/4 số HS tham gia quá trình khảo sát cảm thấy không bao giờ có đủ tiền tiêu vặt ngay cả khi các em nhận được 4 đến 5 triệu đồng/ tháng”. Em Nguyễn Anh Tuấn, Trường THPT Marie Curie than thở: “HS bây giờ cũng cần xài nhiều tiền lắm, ngoài khoản mua sắm ra thì tiền sinh nhật, đi chơi với bạn bè, đặc biệt là đám con trai tụi em đôi lúc cũng phải tỏ ra ga lăng với các bạn gái nên nhiều lúc tiêu tiền nhưng không thể kiểm soát được”.
Một phụ huynh HS kể: “Hàng tuần tôi đều đưa cho con khoảng 1 triệu để tiêu vặt nhưng không có tuần nào là cháu không xin thêm với đầy đủ lý do như tiền ăn sáng, sinh nhật bạn, mua sắm… Tôi không hiểu tại sao thời buổi này lại sinh ra nhiều khoản đáng phải tiêu như vậy”.
Bà Phan Thu Hương lý giải về những nguyên nhân khiến phụ huynh lúng túng trong việc quản lý và giáo dục tài chính cho con em mình: “Ngày xưa, chúng ta ít được bố mẹ cho tiền để tiêu xài và ít được dạy cách quản lý về tiền bạc nên chúng ta dễ bị lúng túng khi quản lý cách chi tiêu của con cái”.
Đưa giáo dục tài chính vào học đường
Giáo dục tài chính cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều rất quan trọng. Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: “Qua các buổi học ngoại khóa về dự án này, HS có được cách nhìn nhận và thái độ đúng đắn hơn về cách chi tiêu tiền bạc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với HS bậc THPT bởi các em đang chuẩn bị bước ra đời. Những buổi học về tài chính sẽ trang bị thêm cho các em kỹ năng sống”.
Trường THPT Marie Curie không chỉ thực hiện thí điểm dự án “Giáo dục tài chính” cho HS mà còn mời phụ huynh đến trường tổ chức hội thảo “Phụ huynh giáo dục tài chính cho trẻ”. “Thông qua những ý kiến đóng góp của phụ huynh sau khi tham dự hội thảo, chúng tôi thấy chương trình này không chỉ thu hút nhiều HS tham gia mà còn nhận được sự ủng hộ, đồng tình từ phía gia đình. Tuy nhiên, thời gian thực hiện dự án quá ngắn và GV lại không có kiến thức chuyên sâu về tài chính nên trong quá trình giảng dạy đã gặp phải rất nhiều khó khăn”, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
Đồng tình với ý kiến trên, cô Vũ Hải Song Quyên chia sẻ: “Đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, tác động đến hành vi của các em. Thế nhưng, thời gian thực hiện dự án quá ngắn nên chúng tôi không thể lập tức thay đổi được thái độ mà chỉ có thể tác động từ từ đến hành vi làm cho các em bắt đầu quan tâm và có cách nhìn nhận tương đối về tài chính. Mặt khác, bản thân GV cũng rất lúng túng trong phương pháp giảng dạy do còn thiếu những kiến thức về tài chính. Vì vậy, tôi mong rằng các chương trình sau sẽ được thực hiện trong thời gian dài hơn và GV được tập huấn kỹ hơn”.
Nhiều nước phát triển đã đưa hẳn giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy chính thức ở các trường trung học. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là một vấn đề còn mới mẻ. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: “Sở GD sẽ chỉ đạo các trường trung học thực hiện dự án giáo dục tài chính cho HS và xem đây là một trong những nội dung chính nhằm trang bị cho các em những kỹ năng thiết yếu để bước vào đời”.
Dương Bình

Bình luận (0)