Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những ngành “khát” nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Các bạn trẻ đang tìm việc làm. Ảnh: Bưởi Phan 

Theo báo cáo tuyển dụng trực tuyến của trang web Vietnam works, nhu cầu lao động trong quý II năm 2013 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh nhất là ngành bán sỉ và lẻ (tăng 85%), dược phẩm và công nghệ sinh học (35%), bảo hiểm (27%), dịch vụ khách hàng (25%) và tư vấn (24%).
Ngành bán sỉ và lẻ: Liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo
Từ năm 2006 trở về trước, thị trường ngành bán sỉ và lẻ ở Việt Nam hết sức ảm đạm, tuy nhiên, sau 6 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì thị trường ngành này đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nếu trước đây, Việt Nam chỉ có một vài siêu thị ở các thành phố lớn thì nay hệ thống này đã lan tỏa khắp nơi, đến cả vùng nông thôn, kèm theo đó là nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn. Tuy nhiên, đây là một ngành còn khá mới, chưa có trường lớp đào tạo bài bản nên doanh nghiệp vẫn đỏ mắt tìm lao động.
Hiểu rõ vấn đề này, nhiều trường ĐH tại TP.HCM đã chủ động tiếp cận với doanh nghiệp để hợp tác cùng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu này. Chẳng hạn, Trường ĐH Hoa Sen đã liên kết với hệ thống siêu thị Big C thực hiện khóa đào tạo “Quản trị bán lẻ hiện đại”, hay các trường: ĐH Nông lâm TP.HCM, TC nghề Hoa Sữa cũng kết hợp với Big C để đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, Khoa Quản trị kinh doanh cũng có thế mạnh trong việc đào tạo chuyên ngành quản trị bán hàng. Sau 4 năm học tập, sinh viên sẽ làm việc ở các phòng bán hàng, marketing, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh tại mọi thành phần kinh tế. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình bán hàng của các doanh nghiệp; quản lý cửa hàng, chuỗi cửa hàng kinh doanh bán lẻ; làm đại diện bán hàng, giám sát bán hàng, quản lý bán hàng khu vực trong hệ thống kênh phân phối của doanh nghiệp… Về lâu dài, lao động ngành này có khả năng trở thành lãnh đạo chủ chốt trong các doanh nghiệp.
Công nghệ sinh học: Đến năm 2015, đào tạo trên 12.000 người
Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập với kinh tế thế giới, và ngành công nghệ sinh học được coi là ngành kinh tế – kỹ thuật mũi nhọn của đất nước, do đó nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn.
Theo kế hoạch “Tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch là tập trung nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi nhân giống, công nghệ di truyền… nhằm tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới. Ngoài ra, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học trong lĩnh vực y – dược để tạo ra các sản phẩm mới, hiệu quả chữa bệnh cao… Với kế hoạch này, từ nay đến năm 2015, Việt Nam sẽ đào tạo trên 12.000 cán bộ khoa học có trình độ ĐH và sau ĐH về công nghệ sinh học.
Ngành bảo hiểm: Đa dạng việc làm
Bảo hiểm là một ngành kinh doanh tương đối mới mẻ, có tốc độ tăng trưởng cao, thuộc tốp đầu trong các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua. Lĩnh vực này thu hút khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ đã và sẽ hình thành hàng loạt công ty bảo hiểm trong nước và quốc tế. Một trong những ngành mà sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm là: Nghiên cứu bảo hiểm (làm việc ở các trường ĐH, các viện nghiên cứu về kinh tế tài chính), cán bộ quản lý tài chính của hãng bảo hiểm (làm các công việc về kế toán, phân tích tài chính, quản lý tiền, công nợ, tài sản của các công ty bảo hiểm), cán bộ đàm phán, ký kết hợp đồng bảo hiểm, giám định, bồi thường thiệt hại… Để làm tốt những công việc trên, ngoài năng lực chuyên môn, các bạn trẻ cần có những kỹ năng như giao tiếp, có khả năng suy luận, tư duy logic, có tính kiên trì, chịu khó…
Bài, ảnh: Minh Châu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)