Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều học sinh thiếu kỹ năng tiêu tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đây là kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống nhưng hiện nhiều học sinh (HS) vẫn chưa được học.
HS tại TPHCM thực hành giáo dục tài chính – quản lý chi tiêu thông minh
Phụ huynh cũng lúng túng
Đại đa số phụ huynh đều biết rằng giáo dục tài chính (GDTC) cho thanh thiếu niên là rất cần thiết nhưng họ cũng rất lúng túng không biết dạy con như thế nào, vì chính bản thân họ cũng chưa từng được dạy cách quản lý tài chính cá nhân.
Đó là nhận định của đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại buổi giới thiệu dự án GDTC giai đoạn 3 (từ 1-11-2011 – 15-6-2012) gần đây tại TP.HCM.
Cũng theo đại diện tổ chức trên, khi được cha mẹ cho nhiều tiền mà không kèm theo hướng dẫn, nhiều HS dễ xem nhẹ đồng tiền. Các em thường chi tiêu theo ham muốn, sở thích và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua sắm mà không đắn đo, lo nghĩ. Ở chiều hướng ngược lại, một số em tỏ ra khá thờ ơ với những vấn đề liên quan đến tiền bạc vì cho rằng chỉ cần tập trung vào việc học, còn lại mọi chuyện khác đã có cha mẹ lo.
Ông Nguyễn Đình Thịnh – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TPHCM), thẳng thắn nói: “Tôi cảm thấy không yên tâm về cách tiêu xài của HS hiện nay vì nhiều gia đình vẫn chưa ý thức về sự cho tiền đối với các em. Đa số phụ huynh không nắm được con cái họ tiêu xài như thế nào, thậm chí có những em dùng tiền sa đà chơi game, cha mẹ cũng không hay…”.
Theo ông Thịnh, dù là trẻ sống trong gia đình giàu có hay là con nhà nghèo nhưng một khi đã quen tiêu xài phung phí mà không được đáp ứng nhu cầu, các em có thể nảy sinh những hành vi tiêu cực, chẳng hạn trộm cắp tiền của gia đình, người khác…
Ông Thịnh so sánh: Thời ông đi học trước đây, HS từ lớp 2, lớp 3 đã được làm quen với một số phép tính tài chính; trong khi đó, rất nhiều HS bây giờ học đến cấp ba vẫn chưa được trang bị kỹ năng tiêu xài hợp lý.
Chậm còn hơn không
"Phải giáo dục HS bước vào đời với đầy đủ những kỹ năng sống, trong đó GDTC là một trong những kỹ năng sống rất cần thiết" – Ông Nguyễn Hoài Chương Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

“Sau một đời làm công tác giáo dục, tôi rút ra rằng: Làm giáo dục là dạy những gì HS cần. Phải giáo dục HS bước vào đời với đầy đủ những kỹ năng sống, trong đó GDTC là một trong những kỹ năng sống rất cần thiết”, ông Nguyễn Hoài Chương – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bộc bạch những lời tâm huyết trên.

Đề cập đến dự án GDTC do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Quỹ Citi đang triển khai tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Chương khẳng định: “Qua hai đợt thí điểm GDTC ở 5 trường THPT tại TPHCM trong vài năm gần đây, chúng tôi nhận thấy dự án này mang lại hiệu quả thiết thực. Ở giai đoạn ba, chúng tôi triển khai tại 50 trường THPT”.
Ông Chương nhấn mạnh: ”Không thể giáo dục kỹ năng sống bằng cách nói suông. Lâu nay, chúng ta thường chú trọng thành tích về tỷ lệ HS giỏi, HS đậu tốt nghiệp, tức chú ý giáo dục văn hóa mà ít chú ý đến kỹ năng sống”.

Để bạn trẻ có thể thẩm thấu sâu hơn về những tiết học GDTC, những đơn vị điều phối chương trình chọn một số trường để tổ chức sự kiện, qua đó giúp HS thực hành quản lý chi tiêu thông minh.

Chị Bạch Lan – Trợ lý thanh niên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM, chia sẻ: “Thực tế, giáo viên rất cực để tổ chức những sự kiện giúp HS áp dụng bài học thông qua trò chơi, tình huống. Không chỉ HS mà cả giáo viên cũng được hưởng lợi từ chương trình GDTC, đó là biết tiết kiệm, biết cách chi tiêu tốt hơn so với trước đây”.
Ông Nguyễn Đình Thịnh cho rằng, về lâu dài, khi bạn trẻ biết được giá trị đồng tiền, biết quản lý, cân đối chi tiêu, tiết kiệm… sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, GDTC còn giúp bạn trẻ có thể chủ động đương đầu với những thách thức trong cuộc sống.
Ông Thịnh chia sẻ: “Trước khi GDTC cho HS trong trường, chúng tôi phải đưa vấn đề cho tiền như thế nào là đúng mức ra hội nghị cha mẹ HS để thảo luận. Bởi lẽ, gia đình là một môi trường HS thường xuyên thực hành cách chi tiêu”.
Theo Như Lịch
Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)