Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Muốn hiểu bài, phải học thêm?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học sinh phàn nàn, cô dạy ở lớp không hiểu bài nhưng đến lớp học thêm, cùng giáo viên đó trò lại dễ dàng nắm kiến thức. Điều này dẫn đến nghi vấn giáo viên “om” kiến thức ở lớp để dạy thêm?

Muốn hiểu bài phải đi học thêm?

Việc học ở trường chưa đủ, học sinh phải đến lớp học thêm mới nắm chắc kiến thức (Ảnh minh họa).

Em L.V.L, học sinh lớp 10 ở Q.7, TPHCM cho hay, do năm học đầu cấp nên em chưa nghĩ đến việc đi học thêm. Tuy nhiên, sau một học kỳ, em thấy lực học kém đi do có những môn học ở lớp cô dạy không hiểu bài, dẫn đến việc hổng kiến thức. Nghe theo lời bạn bè, L. quyết định đăng ký học thêm với chính giáo viên (GV) phụ trách bộ môn ở lớp.

Đúng như lời một số bạn bè tỉ tê, L. thấy GV dạy ở lớp học sinh (HS) khó nắm được bài nhưng khi dạy thêm tại nhà, cô dạy rất dễ hiểu, tận tình và kết quả học của L. tiến triển thấy rõ. Ngoài nội dung trong sách, L. còn được học thêm nhiều kiến thức nâng cao.

uy GV không gây khó dễ với HS không đi học thêm nhưng L. và nhiều bạn học trong lớp cũng bán tán rằng lâu nay GV “om” kiến thức, dạy chưa hết mình ở lớp là để…. dạy thêm.

Trong Dự thảo Nghị định về quản lý lĩnh vực giáo dục, Bộ GD-ĐT đề xuất đưa ra mức phạt 3 – 5 triệu đồng đối với giáo viên có hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép học học sinh học thêm.

Chị Phan Thu Thảo, có con học lớp 6 ở Q.5, TPHCM bày tỏ, con chị không học thêm, kiến thức ở lớp cháu không nắm hết cho dù trong giờ học cháu rất tập trung. Nhiều học trò phải đi học thêm bên ngoài hoặc đến học thêm ngay tại chính tại nhà GV mới theo kịp chương trình.

“Tôi cũng nghe mấy đứa trẻ nói cô dạy ở nhà rất hiểu bài nhưng ở lớp lại dạy khác. Thành ra cháu nào không đi học thêm thì không làm được bài, điểm cũng kém hơn”, người mẹ này tỏ ra băn khoăn.

Trong dịp đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục mới đây, một số HS tại TPHCM cũng đề cập nghi vấn GV “om” kiến thức dạy ở lớp, tác động đến việc học thêm của HS vì muốn hiểu bài, làm được bài buộc phải học thêm. Các em đặt ra câu hỏi tại sao có GV dạy hiểu, có GV lại không? Có GV dạy ở lớp khó hiểu hơn dạy thêm?

Thậm chí một HS Trường THPT Marie Curie còn lý giải phải chăng do lương GV quá thấp nên có tình trạng GV dạy ở lớp khó hiểu vì để dành phần dạy thêm.

Vì đâu GV dạy không hiểu?

Ông Trần Ái Việt – hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TPHCM cho hay, một lớp học bây giờ 45 – 50 HS nên khó cho GV dạy để tất cả các em cùng hiểu bài trong một khoảng thời gian hạn hẹp. Khi học thêm, các em học theo nhu cầu, học phần mình chưa nắm rõ, GV có thời gian, dạy không bị gò bó nên các em dễ hiểu bài hơn, làm bài tốt hơn.

Là GV dạy giỏi, ôn thi HS giỏi, luyện thi đại học và không dạy thêm cho HS của mình nhưng một thầy giáo dạy Toán ở Q.1, TPHCM thừa nhận không dám khẳng định mọi HS trong lớp mình dạy đều hiểu bài. Bởi số HS đông, mỗi tiết học chỉ 45 phút phải đảm bảo đúng, đủ chương trình đã rất khó nên việc bổ sung kiến thức, giải thích cặn kẽ cũng như nắm rõ từng em đã hiểu bài chưa, hiểu đến đâu là việc rất khó.

“Tôi có thể lý giải GV dạy thêm dễ hiểu hơn dạy ở lớp vì dạy thêm họ không phải dạy theo chương trình mà chọn lọc, dạy những kiến thức cần bổ sung. Số HS ít, không bị giới hạn thời gian nên GV có thể chỉ dẫn cặn kẽ hơn cho người học”, thầy giáo này chia sẻ và cho rằng những quy kết GV dạy khó hiểu vì dạy thêm là rất oan uổng. Tuy vậy, thầy cho rằng không phải không có trường hợp GV "ém" kiến thức để dạy thêm nhưng con số này rất ít.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc – Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM) đánh giá với chương trình học còn nặng, áp lực thi cử hiện nay nếu HS chỉ học ở lớp mà không học thêm thì rất khó để thi vào các trường chất lượng hay để đỗ đại học. Chỉ trừ một số em duy tốt, có khả năng tự học cao.

“Một HS bình thường, không phải là HS giỏi chỉ có thể làm được 50% đề thi đại học. Muốn đỗ, các em buộc phải học thêm để biết thêm các dạng bài, cách làm bài”, bà Cúc khẳng định và cho hay việc học thêm thời điểm này là điều rất khó tránh vì xuất phát từ nhu cầu có thực.

Ông Nguyễn Hoài Chương – phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM giải thích, dạy học cũng như các nghề khác, được đào tạo từ một trường nhưng khả năng mỗi thầy cô khác nhau, không phải ai cũng như ai. Hơn nữa, việc dạy học còn tuỳ thuộc vào từng đối tượng tiếp thu. HS giỏi có thể nghĩ thầy dạy chán vì kiến thức dễ quá, nhưng em học yếu lại không hiểu bài vì khó.

Ngoài ra, ông phó GĐ Sở cho rằng, hiện nay khả năng tự học của HS còn rất kém, các em bị động trong việc tiếp thu kiến thức. “Học thêm chỉ giúp các em giải quyết, làm quen với nhiều dạng bài tập cho việc thi cử chứ không có nghĩa là các em giỏi hơn. Đó không phải là con đường duy nhất, bằng chứng là nhiều HS ở các vùng quê không hề học thêm vẫn đỗ đại học với điểm rất cao”,

Tuy nhiên, ông Chương nhấn mạnh nếu để tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình học của HS thì nhà trường, GV phải có trách nhiệm, tìm cách khắc phục, đẩy mạnh việc dạy học lấy HS làm trung tâm .

Như vậy, để giải quyết tình "thầy dạy trò không hiểu" cần giải pháp tổng thể như giảm chương trình học, tăng tính chủ động của người dạy và người học và đặc biệt cần giảm sĩ số lớp học… để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Theo Hoài Nam

Dân trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)