Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đau tim vì sim sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ra đời nhằm cung cấp những gói cước hấp dẫn cho học sinh nhưng những chiếc sim sinh viên lại thành tâm điểm của rắc rối.

Dính bẫy sim sinh viên rởm
Thấy giá cước Mobifone đưa ra dành cho sim sinh viên (SSV) quá hấp dẫn, Thu Trang (sinh viên năm 1, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) quyết định ghé một điểm ven đường để làm một bộ. Sau khi cung cấp thông tin cho đại lí, Trang hí hửng lắp sim mới vào sử dụng, chỉ được hai tháng, chương trình khuyến mãi bị ngưng. Trang gọi lên tổng đài thì biết sim mình đang dùng không phải là SSV. Biết đã bị “quán ven đường” lừa, nhưng Trang không biết kêu ai. Tức tối, cô nàng lặn lội đến Trung tâm Mobifone để đăng kí SSV cho an toàn thì được biết mình đang đứng tên cho một SSV khác nên không được phép làm thêm nữa.
“Rất có thể khi cung cấp thông tin cho đại lí ven đường, Trang đã bị người bán lấy thông tin, mã số sinh viên để kích hoạt cho một sim khác. Sim đó mới được hưởng ưu đãi của SSV. “Trang có thể mang chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên của mình đến Trung tâm Mobifone gần nhất để khiếu nại, yêu cầu khóa sim của người đang dùng”, chị Mỹ Ngọc, nhân viên chăm sóc khách hàng mạng Mobifone tư vấn.
Sim sinh viên thật dành cho… người già
Chị Vân, chủ cửa hàng điện thoại di động V. (Linh Trung, Q.Thủ Đức) cho biết: “Em muốn mua SSV mạng nào chị cũng có. Mỗi tháng cộng 25.000 đồng vào tài khoản, liên tục trong vòng bốn năm, còn được khuyến mãi sử dụng GPRS nữa đó. Gọi và nhắn tin thì siêu rẻ luôn”. Thấy chúng tớ tiếc nuối vì không có thẻ sinh viên để đăng kí, chị Vân cười: “Không cần đâu em ơi. SSV ở đây đã được kích hoạt hết rồi. Người khác đứng tên. Em không cần thẻ sinh viên đâu”. Vừa lúc đó thì một bác tầm 60 tuổi bước vào hỏi mua… SSV. Rất nhanh chóng, bác ấy có được chiếc sim như ý.
Khi chúng tớ hỏi nguồn hàng ở đâu, chị Vân cười đầy ẩn ý: “Từ sinh viên chứ ở đâu! Đây là làng đại học mà, cả mấy chục ngàn sinh viên, muốn tìm bao nhiêu giấy chứng minh nhân dân, bao nhiêu thẻ sinh viên mà chẳng có”.
Giới kinh doanh sim thẻ có rất nhiều chiêu để tận dụng chính sách khuyến mãi của nhà mạng để câu khách hàng. Ảnh: Xuân Ngọc VnExpress
Bạn Quốc Vũ (lớp 10 THPT Ngô Gia Tự) kể chuyện: “Mình và một số bạn cùng lớp không có nhu cầu làm sim học sinh nên đem bán thông tin cho các đại lí. Nhiều đại lí mua lắm. Một bộ hồ sơ đầy đủ chứng minh thư, thẻ học sinh (bản sao) thì được trả giá 20.000 đồng”. Như vậy, so với giá 50.000 – 90.000 đồng bán cho người có nhu cầu sử dụng thì chủ cửa hàng sim bỏ túi được vài chục ngàn đồng.
Chị Hoàng My, bộ phận Giám sát mạng Vinaphone cho biết, theo luật, mỗi hồ sơ được đăng kí mỗi mạng một sim. Ngoài việc “mua bán hồ sơ” đăng kí SSV, không loại trừ khả năng các đại lí sử dụng hồ sơ của một khách hàng để đăng kí nhiều mạng dẫn đến tình trạng loạn mua loạn bán SSV như hiện nay. Chị Hoàng My cũng cảnh báo: “Nếu bạn sử dụng sim SSV đứng tên người khác, bạn sẽ rất khó hoặc không thể làm lại sim nếu như mất. Ngược lại, nếu người khác sử dụng sim mang tên bạn gây ảnh hưởng gì, thậm chí vi phạm pháp luật, bạn có thể gặp rắc rối liên đới”.
Lừa chuyển đổi sim trên mạng
Bạn Nguyễn Văn Đạt (cựu học sinh THPT Nguyễn Trãi, Q.4) cho biết bạn vừa bị lừa 80.000 đồng khi nghe theo lời rủ rê chuyển đổi hai sim Viettel thành SSV. “Do mình ngại đăng kí các thủ tục lôi thôi nên bị dụ nhắn tin số thẻ cào qua tin nhắn sẽ được chuyển đổi không cần đăng kí, không cần chứng minh thư, thẻ sinh viên”, Đạt kể. Đây cũng là chiêu thức lừa đảo mà nhiều teen bị tiền mất thật cho một dịch vụ ảo.
“Ăn theo” nhu cầu làm sim học sinh sinh viên, nhiều trang dịch vụ đã chào mời khả năng chuyển đổi sim thường thành sim học sinh sinh viên nhanh, gọn, rẻ. Có trang web còn khẳng định có thể chuyển bao nhiêu sim cho một chủ thuê bao cũng được.
Đại diện nhà cung cấp mạng di động Viettel cho biết, hoàn toàn không có chuyện một chủ thuê bao có thể sử dụng nhiều SSV cùng mang tên mình. Nhà mạng khuyến cáo người sử dụng dịch vụ nên đến trực tiếp những điểm đăng kí của mạng để được hưởng dịch vụ khuyến mãi chứ không nghe theo thông tin trôi nổi trên mạng mà “tiền mất tật mang”.
Sử dụng SSV đúng quy định cũng là một cách thể hiện quyền và trách nhiệm của teen mình trong thời số hóa.
Theo Mực tím

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)