Chẳng có “cánh cửa” tương lai nào đóng lại nếu như chúng ta có sự cố gắng. Ảnh: N.Anh |
Vừa qua tôi nhận được thư của một nữ sinh ở Trường THPT huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Em giãi bày cùng tôi một vấn đề hết sức bức xúc với cái tên “tấm gương không hoàn hảo”.
Bức thư có đoạn viết: “Thưa thầy, em đã hiểu ý nghĩa của câu nói: “Tấm huy chương vàng cũng có mặt sau của nó”. Ngày em học lớp 5, do may mắn và chăm chỉ mà em đạt giải nhì kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài niềm vui cá nhân ra thì em còn là niềm tự hào của cả gia đình. Đi đâu em cũng được người lớn khen ngợi và nghiễm nhiên trở thành “tấm gương sáng” mà các bậc phụ huynh đem ra so với con mình. Em được tuyển vào trường chuyên của huyện.
Em dần có khoảng cách với bạn bè cùng làng bởi em không có thời gian để tham dự những buổi sinh nhật, những chuyến đi chơi do lịch học kín mít – áp lực trường chuyên làm em thấy mình cô độc. Em cũng không dám đến nhà bạn bè chơi bởi một người bạn đã nói thẳng với em rằng: “Nói thật cậu đến nhà tớ chơi, khi cậu về tớ toàn bị mắng, bố mẹ còn đem tớ ra so sánh với cậu, rồi lúc nào cũng chê tớ dốt”. Nghe những lời nói đấy em không biết nên vui hay nên buồn nữa. Kì thi vào lớp 10 vừa rồi em không đỗ vào trường chuyên của tỉnh mà chỉ đỗ vào trường bình thường của huyện. Rất nhiều bạn đã chê cười, xì xào bàn tán: “Tưởng học giỏi lắm cơ mà?”. Kì thi đại học đang tới gần, em lo lắng không biết rằng mình có đủ sức vượt qua không? Nếu không đỗ đại học, em thực sự không biết mình sẽ ra sao nữa. Em rất mong thầy cho em một lời khuyên”.
Trả lời em, tôi chia sẻ rằng, trên đời này chẳng có gì hoàn hảo. Ngọc còn có vết mà. Nên nhân vô thập toàn là tất yếu. Những gì em đang băn khoăn trăn trở thực sự cũng là tâm trạng chung của những ai đang đi tìm chính mình trên con đường ngàn dặm gian lao khát khao chinh phục những đỉnh cao mơ ước đó.
Em tâm sự ngày học lớp 5, do may mắn và chăm chỉ mà em đạt giải nhì kì thi học sinh giỏi tỉnh. Rồi em được chọn vào học trường chuyên của huyện. Điều đó đáng tự hào lắm chứ. Quả thật khi học trường chuyên áp lực của yêu cầu học chuyên sâu là không nhỏ. Trong khi đó áp lực của việc phải học đều, học tốt các môn đại trà cũng luôn là yêu cầu không thể lơ là đối với một học sinh trường chuyên. Rõ ràng với bất cứ một học sinh nào khi đã học trường chuyên đều phải thực thi một quá trình cố gắng thầm lặng cao độ để vượt qua chính mình, vượt qua áp lực của danh dự, của sự kỳ vọng mà bao người dành cho mình; nâng mình lên một tầm cao mới, mới hy vọng thu hái những mùa vàng bội thu. Ai không làm được điều đó hậu quả là sẽ đối mặt với bao hệ lụy khôn lường. Môn chuyên không giỏi. Các môn đại trà cũng hụt hẫng, chơi vơi. Danh dự uy tín khó mà bảo toàn. Phải chăng chính quy luật đó đã đúng khi em phải chấp nhận một thực tế buồn là không đỗ vào trường THPT chuyên của tỉnh mà chỉ đỗ một trường bình thường của huyện. Rất có thể ở đây em còn phạm một sai lầm phải trả giá là chưa đánh giá đúng năng lực thật của mình, nên đã chọn nhầm môn chuyên; kết quả “xôi hỏng bỏng không”. Khi nhận ra thì mọi sự đã muộn. Em coi đó như một thất bại lớn, một tổn thương không nhỏ về danh dự khi phải hứng chịu rất nhiều những tiếng chê cười, xì xào bàn tán của bạn bè: “Tưởng học giỏi lắm cơ mà?”. Cách suy nghĩ này thật nguy hiểm.
Đáng ra em phải coi đó như một bài học để rút kinh nghiệm, một cơ hội để tôi rèn nghị lực, ý chí biết “đứng dậy sau khi ngã” thì ngược lại em đã tự làm khó, làm khổ mình bằng tâm cảm chán ngán, thất vọng, xấu hổ một cách thụ động, tiêu cực khiến hiện nay em đang rơi vào tâm trạng hoang mang thiếu tự tin vào chính mình hơn bao giờ hết khi bày tỏ sự bức xúc: “Kì thi đại học đang tới gần, em lo lắng không biết rằng mình có đủ sức vượt qua không? Nếu không đỗ đại học, em thực sự không biết mình sẽ ra sao nữa”.
Đây chính là dấu hiệu em đã “nhiễm” “bệnh thành tích”, “bệnh ngôi sao” đấy! Hãy coi mình là người bình thường như bao bạn bè khác. Trong cái rủi vẫn có cái may mà. Hãy trở về là chính mình nhé! “Mọi con đường đều dẫn đến La Mã”. Chẳng có cánh cửa tương lai nào lại đóng khép nếu một khi sự cố gắng của ta chưa cạn vơi. Thầy tin với sự chăm chỉ vốn có, với năng lực tư duy từng được khẳng định, với ý thức về chính mình ngày một rõ hơn, sáng hơn lại được rèn luyện ở môi trường THPT vừa sức với mình, sẽ chẳng khó khăn gì lắm trong việc đỗ vào một trường đại học đâu. Hơn nữa, nay em mới là học sinh lớp 10. Thời gian còn đủ cho em bù lấp những khoảng trống đấy.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký
Bình luận (0)