Đại diện 12 công ty, chi nhánh công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã cùng thỏa thuận tăng phí bảo hiểm từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng.
Đáng chú ý là một số doanh nghiệp thừa nhận chi hoa hồng cho các trường từ 35-40% giá trị hợp đồng.
Năm học này học sinh Khánh Hòa sẽ phải đóng học phí cao hơn. Học sinh một trường tiểu học tại TP Nha Trang chơi cờ trong giờ ra chơi – Ảnh: Văn Kỳ |
Ngay sau khi kết thúc năm học 2010-2011, đại diện lãnh đạo của 12 công ty, chi nhánh công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm: Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo Long, Pjico, Viễn Đông, Bưu điện, Dầu khí, AAA, Toàn Cầu, Quân đội, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư đã cùng nhau ký vào bản thỏa thuận, cam kết nhiều nội dung về mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm, quyền lợi bảo hiểm và chính sách đối với nhà trường, học sinh trong năm học 2011-2012.
Do lạm phát!
Trong các nội dung thỏa thuận, việc thống nhất mức thu phí bảo hiểm 80.000 đồng/học sinh/năm là điều khiến phụ huynh bức xúc và gây ra nhiều tranh cãi. Chị Hiền Thục (P.Phương Sài, TP Nha Trang) cho biết: “Tôi không biết tại sao phí bảo hiểm của con tôi năm nay lại tăng cao như thế. Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm mới đây, giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi không giải thích được vì sao phí bảo hiểm học sinh lại tăng như vậy”.
Ông Phạm Văn Tú, giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Nam Trung bộ, cho biết: “Với mức phí tăng này, mức trách nhiệm bảo hiểm cho học sinh cũng tăng lên. Những năm học trước với mức phí bảo hiểm học sinh thấp, nhiều trường hợp phụ huynh học sinh khi nhận tiền bồi thường (nếu học sinh gặp rủi ro, tai nạn…) lại than phiền doanh nghiệp bảo hiểm sao chi trả ít quá. Vì vậy, việc tăng phí này cũng là đảm bảo quyền lợi cho học sinh…”.
Một số lãnh đạo các công ty bảo hiểm tại Khánh Hòa “thống nhất” rằng việc tăng phí bảo hiểm học sinh là do tình hình lạm phát! Lạm phát kéo theo chi phí y tế, giá thuốc tăng cao, nếu giữ mức trách nhiệm cũ, mức chi trả bồi thường cho khách hàng rất nhỏ so với chi phí thực tế khách hàng đã bỏ ra. Vì thế, các công ty phải nâng phí lên để nâng mức trách nhiệm bảo hiểm, đảm bảo tỉ lệ chi trả cho khách hàng.
Tuy nhiên, đại diện phòng pháp chế tổng hợp – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp bảo hiểm muốn thỏa thuận tăng phí bảo hiểm học sinh cần phải căn cứ vào thống kê các chỉ tiêu liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm học sinh của các năm học trước, căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng khu vực… Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm tại Khánh Hòa tùy tiện ký thỏa thuận mà không căn cứ vào các điều kiện trên là khả năng có dấu hiệu vi phạm”.
Còn ông Phùng Đắc Lộc – tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam – cho rằng các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền điều chỉnh phí, phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của các sản phẩm mà doanh nghiệp đang triển khai. “Nhưng việc các doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận với nhau là không được phép”, ông Lộc nhấn mạnh.
“Giật mình” với hoa hồng
Phí bảo hiểm tăng, đa số phụ huynh cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn lại than thở: “Bán bảo hiểm học sinh rất mệt mỏi. Vì chỉ tiêu doanh thu nên công ty mới cố gắng triển khai, chứ chi phí cho nghiệp vụ bảo hiểm này rất cao và mất nhiều thời gian”.
Ông này cho biết muốn bán được bảo hiểm học sinh cho các trường, doanh nghiệp phải tiếp thị ráo riết và có mối quan hệ tốt với nhà trường. Theo quy định, hoa hồng chi tối đa là 20%, nhưng theo mặt bằng chung của thị trường hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm thường để lại cho các trường từ 35-40%, chưa kể vào các ngày khai giảng, ngày 20-11, lễ tổng kết… phải chi thêm quà cáp cho nhà trường.
Theo bản thỏa thuận của các doanh nghiệp bảo hiểm cam kết về chính sách chi hoa hồng, thì thống nhất trích 10% hoa hồng trên tổng số phí bảo hiểm thực thu cho đại lý bảo hiểm và 10% cho nhà trường để làm công tác đề phòng hạn chế rủi ro. Như vậy, với mức chi hoa hồng trung bình của các doanh nghiệp bảo hiểm là 40%, khoản 20% hoa hồng còn lại sẽ vào tay ai? Và khoản hoa hồng này có được công khai trước toàn thể giáo viên, phụ huynh học sinh không?
Khi được trao đổi về vấn đề này, nhiều giáo viên chủ nhiệm đang phải thu hộ phí bảo hiểm học sinh rất ngạc nhiên. Trong khi đó, chị Võ Thị Thạnh, một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Phước Đồng, TP Nha Trang, nói: “Doanh nghiệp bảo hiểm không thể tùy tiện nâng mức thu phí bảo hiểm học sinh. Thật là phi lý và bất công khi chúng tôi phải gồng mình trả thêm hơn 40% giá trị thực của sản phẩm. Nếu làm phép tính, trường học có 1.000 học sinh tham gia bảo hiểm học sinh với tổng mức phí là 80 triệu đồng, khoản hoa hồng đã là 32 triệu đồng. Vậy số tiền này dùng cho việc chung hay việc riêng? Rất mong các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ”.
Có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh
Ông Bạch Văn Mừng, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, cho rằng nếu có việc 12 chi nhánh cùng ký bản thỏa thuận nâng phí bảo hiểm cho học sinh lên 80.000 đồng thì chắc chắn đã hội đủ các dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh. Dù số tiền tăng lên không lớn nhưng đó là hành vi liên kết độc quyền, theo Luật cạnh tranh sẽ chịu chế tài nghiêm khắc.
Được biết, cách đây không lâu, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã phán quyết, xử phạt ở mức 0,025% tổng doanh thu của năm 2007 đối với hành vi “bắt tay” nâng phí bảo hiểm xe cơ giới của 19 công ty bảo hiểm.
C.V.KÌNH – B.V.
|
BẢO VŨ / TTO
Bình luận (0)