Là nơi được bày tỏ quan điểm, trao đổi ý kiến với các giảng viên, đặc biệt để thể hiện mình, nhưng không ít những sinh viên đang biến những bài tập lớn, những tiểu luận của mình thành những tập giấy A4 cóp nhặt, có khi nộp xong cũng không nhớ mình đã viết những gì!
99% là từ Internet
1% còn lại là cải biên, thêm “mắm muối” theo sắp xếp của mình cho đỡ bị … “đụng hàng”. Đó là một mô hình chung cho tiểu luận, bài tự luận các môn lý thuyết như Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị Mac- Lê nin…
Đa phần các sinh viên khi được hỏi đều cho hay, các môn lý thuyết đại cương học xong để qua môn thôi, thầy cũng chẳng đọc, nhìn dài, đẹp là được, làm làm gì cho mất công, nên “cái gì không biết ta tra… google”. Phạm Hồng – sinh viên Đại học Lao động và xã hội cho biết năm nào đề tiểu luận Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam chẳng na ná vậy, ai cũng lên mạng mà điểm vẫn 7, 8, tội gì mình không lên mạng?
Nếu như các môn đại cương thì đề thi khá đơn giản, và có thể tìm thấy trên mạng trong rất nhiều các diễn đàn, trang web, blog cá nhân… thì các đề tiểu luận của các môn chuyên ngành cho các trường khác nhau mang tính đặc thù hơn, đòi hỏi sinh viên cần có sự tìm tòi, nghiên cứu. Thế nhưng, với việc học hành làng nhàng, không say mê với ngành nghề đã chọn, nhiều sinh viên thả nổi bài tập của mình đến sát ngày nộp mới quáng quàng bằng vài trang cóp nhặt.
Đỗ Ngọc, sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết các môn Lịch sử Kiến trúc, Lịch sử đô thị, Kiến trúc công cộng hay phải làm bài luận. Đề tài thường là trình bày tiểu sử một kiến trúc sư, phân tích một công trình của kiến trúc sư đó, phát biểu ý kiến của cá nhân… Trong khi nhiều sinh viên đêm ngày miệt mài đọc sách, tra cứu thông tin để tìm những nhân vật có thể đưa vào bài tập lớn của mình, hỏi người trong lĩnh vực chuyên môn để có những nhận xét xác đáng thì có những sinh viên thong thả. Trang web này xin một đoạn, bài báo kia cắt mấy trăm từ, cho thêm mấy dòng ý kiến bản thân, kéo dòng cho đủ 12-15 trang tối thiểu…
Ngô Thụy, sinh viên Đại học Bách khoa thì cho hay, với những bài tập lớn đau đầu như Nguyên lý máy, Chi tiết máy chắc chắn cần tới sách, thông tin trên mạng để hoàn thành nhưng cậu cũng thấy khó hiểu khi có những sinh viên chỉ mất vài ngày để… tổng hợp từ những bài tập của các sinh viên khóa trước rồi nộp.
Ngô Thụy, sinh viên Đại học Bách khoa thì cho hay, với những bài tập lớn đau đầu như Nguyên lý máy, Chi tiết máy chắc chắn cần tới sách, thông tin trên mạng để hoàn thành nhưng cậu cũng thấy khó hiểu khi có những sinh viên chỉ mất vài ngày để… tổng hợp từ những bài tập của các sinh viên khóa trước rồi nộp.
Trong khi bạn bè miệt mài trên thư viện trước kì thi, nhiều sinh viên ngồi ở nhà và gõ google để làm tiểu luận. |
Ý tưởng nghèo nàn
Đó là nhận xét của nhiều giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng về cách làm bài tập lớn của sinh viên. Một đề tài về khủng hoảng, giải quyết khủng hoảng trong một cơ quan truyền thông A được giao cho sinh viên, một lớp chuyên ngành báo chí có 4 nhóm thì có đến 3 nhóm đi theo lối mòn phân tích của các cơ quan ngôn luận trước đó.
“Các sinh viên không thoát ra khỏi những nhận định đã có trên báo chí, mặc dù các em có thể làm tốt hơn” – Một giảng viên Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí – Tuyên truyền cho hay. Tâm sự của một thầy giáo đã chấm rất nhiều luận văn của sinh viên Học viện này cho biết, có những bài luận của sinh viên thầy đã đọc rất kỹ và thật sự khâm phục người viết ra nó.
Các sinh viên khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội tỏ ra rất thích thú khi được làm các bài tập tiểu luận, các báo cáo khoa học thu nhỏ. Sinh viên được chọn đề tài về vấn đề văn học, nhờ giáo viên hướng dẫn, trình bày những ý kiến của mình quanh đề tài chọn. “Làm tiểu luận, nếu sáng tạo sẽ được đánh giá rất cao, cơ hội thể hiện mình rất lớn”, Minh Hương, sinh viên năm 3 nói.
Vậy là bên cạnh những người học thật, thi thật, thật sự yêu nghề, hiện nay nhiều trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam còn nhiều sinh viên có tâm lý sợ sai, muốn “ăn sẵn” và không dám chịu trách nhiệm. Điều này đã bộc lộ rõ rệt trong các tập tiểu luận dày cộp, uyên bác sinh viên nộp lại cuối kỳ, nhưng không biết trong đó có được nổi bao nhiêu cái – gọi là chất xám?
Vậy là bên cạnh những người học thật, thi thật, thật sự yêu nghề, hiện nay nhiều trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam còn nhiều sinh viên có tâm lý sợ sai, muốn “ăn sẵn” và không dám chịu trách nhiệm. Điều này đã bộc lộ rõ rệt trong các tập tiểu luận dày cộp, uyên bác sinh viên nộp lại cuối kỳ, nhưng không biết trong đó có được nổi bao nhiêu cái – gọi là chất xám?
Theo Thúy Hằng
(LaoDong)
Bình luận (0)