Hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm 2021 vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến tại 4 đầu cầu trên cả nước ngày 25-3, công bố những điểm mới trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Một số điểm mới quan trọng trong đó là thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) phát biểu tại hội nghị
Về sự thành công của kỳ tuyển sinh 2020, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn lý giải tóm tắt bằng 5 từ: Ổn định, chủ động, thích ứng, công nghệ, hợp tác. Tất cả những giải pháp, biện pháp đều thể hiện tinh thần chung là tạo điều kiện tối đa, mang lại lợi ích tốt nhất cho thí sinh.
Cần lọc ảo ở tất cả các phương thức xét tuyển
Báo cáo tổng kết tuyển sinh năm 2020 của Vụ Giáo dục ĐH cho biết, kỳ tuyển sinh 2020 đã hoàn thành và đạt hiệu quả. Cả nước có 900.066 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 643.271 thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH và CĐ sư phạm, chiếm khoảng 71% số thí sinh đăng ký dự thi. Có 467.791 thí sinh trúng tuyển, nhập học tất cả các ngành (chiếm 86% tổng chỉ tiêu, tăng 8,7% so với năm 2019). Cũng trong năm 2020 có 35.936 thí sinh trúng tuyển, nhập học các ngành đào tạo giáo viên (chiếm 61,5% tổng chỉ tiêu, cao hơn năm 2019).
Trong báo cáo cũng nêu đánh giá, cho rằng khi thông tin minh bạch, tự do chọn ngành, tự chủ tuyển sinh thì kết quả tuyển sinh phản ánh rõ nét 3 yếu tố, đó là: Sự phân tầng, lợi thế/không lợi thế về ngành, vị trí giữa các trường.
Một số điểm mới chính trong tuyển sinh ĐH, CĐ (sư phạm) năm 2021 cũng được đề cập như: Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng một trong hai hình thức bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện); thay vì chỉ đăng ký bằng phiếu như mọi năm. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần (năm 2020 điều chỉnh nguyện vọng 1 lần). Quy định cụ thể hơn về việc đặt hàng nguồn nhân lực đối với các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh…
Đồng thuận với những chủ trương mới trong công tác tuyển sinh 2021, đại diện các trường ĐH cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp khắc phục những hạn chế của năm trước. PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đặt vấn đề kiểm soát số liệu xét tuyển của các trường ở những phương thức khác để lọc ảo. Đơn cử như số liệu xét tuyển phương thức học bạ THPT, hiện trường nào trường đó biết, điều này gây khó cho công tác lọc ảo chung.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các trường tuyển sinh với rất nhiều phương thức chứ không chỉ dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm 2021, các trường về cơ bản vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển đa dạng này, trong đó có phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay, số lượng đăng ký dự thi đợt đầu cũng tăng hơn năm trước. Vì vậy, theo dự báo của cá nhân tôi, số lượng đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia năm nay có thể giảm. Nhưng dù giảm đến đâu thì đây cũng là phương thức xét tuyển chủ yếu nhất ở các trường. Do vậy, việc lọc ảo chung hết sức quan trọng”. Theo GS. Hoài, việc lọc ảo dựa trên nhiều cơ sở nhưng để lọc ảo hiệu quả, số lượng thí sinh đăng ký vào các phương thức khác (mà các trường đăng ký trong đề án tuyển sinh) phải nằm trong hệ thống chung. Và để tránh sai số, điều kiện tiên quyết là phải 100% các trường có xét kết quả thi tốt nghiệp THPT cùng tham gia lọc ảo. Điều này cần được Bộ GD-ĐT quy định rõ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM) đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc về tính phân hóa của đề thi năm nay, để trường thuận tiện xét tuyển. Theo ông Khôi, đề thi không phân hóa sẽ rất khó cho trường, thực tế có năm trường phải tuyển ở mức hơn 29 điểm, rất cao nhưng lại không phân biệt được thí sinh nào có năng lực thực sự.
Trường ĐH phải thông tin đầy đủ, nhất quán đến thí sinh
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra một số điểm hạn chế của năm 2020, ngoài việc khó khăn do các trường phải lùi kế hoạch năm học vì lý do khách quan, vẫn còn đâu đó một số sai sót gây phiền hà cho thí sinh. Các trường cũng chưa làm nghiêm túc việc thực hiện báo cáo cập nhật dữ liệu kịp thời để phục vụ công tác quản lý của Nhà nước; hoặc tư vấn, thông tin chưa đầy đủ, nhất quán… đến thí sinh.
Từ đây, Thứ trưởng nhấn mạnh trách nhiệm giải trình công khai của cơ sở giáo dục ĐH, cho rằng các trường được tự chủ, quyền lựa chọn các phương thức tuyển sinh khác nhau, những điều kiện khác nhau nhưng việc công khai minh bạch đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc báo cáo, truyền thông, tư vấn tới thí sinh cần phải cải tiến.
Từ 5 nguyên nhân thành công và 2 hạn chế sai sót, Thứ trưởng nêu ra những phương hướng giải pháp cho năm 2021. Trong đó, trước tiên, giữ ổn định về quy chế, phương thức tổ chức, phối hợp giữa các đơn vị, giữa các trường với sở GD-ĐT và với Bộ GD-ĐT. Chủ động ứng phó, có kế hoạch, phương án ứng phó với những thay đổi trong tình hình dịch bệnh cũng như thiên tai bão lũ; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông qua việc cho thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến, tăng số lần điều chỉnh nguyện vọng và trong công tác xét tuyển để giảm thiểu sai sót, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, thí sinh.
Thí sinh đăng ký xét học bạ vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tháng 3-2021
Thứ hai, thống nhất hợp tác, đồng thuận trong cơ chế phối hợp, trong việc chia sẻ kinh phí tuyển sinh. Các trường cũng sẽ chuẩn bị tốt hơn đề án tuyển sinh và phương án để tư vấn cho thí sinh nhằm đảm bảo sự nhất quán trong thông tin công bố tới thí sinh qua nhiều kênh khác nhau. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trong khâu tổ chức thi, xét tuyển… ở các trường có tổ chức thi riêng. Nhưng các trường cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ; đảm bảo các kỳ thi, xét tuyển thực hiện nghiêm minh, công bằng, khách quan, đúng quy chế.
Thứ 3, về tổ chức thực hiện, Thứ trưởng đề nghị các sở GD-ĐT tiếp tục kế hoạch tổ chức giảng dạy, ôn thi và có kế hoạch hướng dẫn các trường, các điểm tiếp nhận nguyện vọng thí sinh để hỗ trợ tốt nhất các em trong việc đăng ký trực tuyến, trực tiếp; kiểm tra kỹ hơn thông tin thí sinh khi đăng ký dự thi hạn chế sai sót; hỗ trợ các trường thực hiện tổng hợp dữ liệu đăng ký xét tuyển, thu kinh phí.
Thứ tư, Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục làm tốt, phát huy mặt tích cực những năm qua, tập trung vào việc công khai minh bạch thông tin tư vấn cho thí sinh và công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ. Với các trường tổ chức thi riêng, cần hợp tác ở các cấp độ khác nhau, giúp tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh không phải thi nhiều lần, không phải thi nhiều nơi.
Thứ 5, về công tác đào tạo giáo viên và đặt hàng, Vụ Giáo dục ĐH cũng đã được giao nhiệm vụ sẽ xây dựng hướng dẫn chi tiết để hướng dẫn các địa phương, các trường ĐH, CĐ sư phạm thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh theo học sư phạm…
Mê Tâm
Bình luận (0)