Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên ngôi sao 33 tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong 130 sinh viên của lớp báo chí K07 của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chị là người lớn tuổi nhất. Với cái tuổi 33, chị hơn các bạn đồng môn chúng tôi cả chục tuổi. Nhưng chị là một ngôi sao. Ngôi sao đúng nghĩa với 4 HCV SEA Games và 1 HCV châu Á.

Thanh Huyền thời đỉnh cao trên đường đua băng đồng –  Ảnh: Nguyên Khôi

Năm 1999, chúng tôi đang là những thiếu niên tuổi 12 rất mê thể thao. Năm ấy là năm diễn ra SEA Games được tổ chức tại Brunei. Bọn trẻ chúng tôi thường dán mắt vào truyền hình để xem các trận đấu bóng đá SEA Games và theo dõi những gương mặt đoạt HCV.

Trong những gương mặt đem vàng về cho thể thao VN, cái tên Nguyễn Thị Thanh Huyền được chúng tôi nhớ rất kỹ, bởi truyền hình và báo chí liên tục nhấn mạnh: đây là chiếc HCV SEA Games đầu tiên của xe đạp nữ VN. Những năm sau đó, cái tên Nguyễn Thị Thanh Huyền đã ăn sâu vào trí óc chúng tôi khi chị đoạt thêm 3 HCV SEA Games vào các năm 2001, 2003 và 2007. Đặc biệt năm 2002, chị đã xuất sắc đem vàng về cho xe đạp VN tại đấu trường châu Á.
Thật không ngờ, ngôi sao mà chúng tôi nhớ, nể phục xem là thần tượng đó lại có ngày trở thành bạn học của mình! Người bạn học đặc biệt ấy đã cũng đem lại cho chúng tôi nhiều bài học quý giá. Đó là nghị lực vượt khó, là sự hi sinh để đeo đuổi ước mơ…
Giấc mơ trục trặc lần thứ nhất

"Có nhiều con đường để đi đến những ước mơ. Ai may mắn thì đi được con đường thẳng, con đường ngắn nhất. Tôi không may thì đi đường dài. Nhưng tôi tin mình sẽ đến đích"

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nội, nhà có bốn anh chị em, từ nhỏ chị Huyền đã quen với cuộc sống lam lũ, cơ cực. Ngay từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, giấc mơ của chị là lớn lên được làm nghề báo. Khi ấy chưa biết được để trở thành nghề báo đòi hỏi phải hội đủ những yếu tố gì, chị chỉ thấy làm báo được đi đây đi đó, vui lắm. Nhưng giấc mơ trục trặc khi mới xong lớp 9 chị đã phải nghỉ học để đi buôn đi bán phụ giúp gia đình.

Năm 1993, chị tròn 16 tuổi. Thời điểm ấy phong trào đua xe đạp nữ bắt đầu gầy dựng. Tên tuổi của nhà vô địch Nguyễn Thị Tường Vân (TP.HCM) thường xuyên xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Nhưng chị không quan tâm nhiều đến chuyện nổi tiếng của Tường Vân mà chỉ ước ao làm sao mình trở thành nhà vô địch để có nhiều tiền thưởng! Xin đừng vội nghĩ ước ao đó là tầm thường, nếu bạn rơi vào hoàn cảnh cơ cực.

Nghĩ là làm, đó là đặc điểm của Huyền. Chị đăng ký tham gia đội xe đạp Hà Nội. Có tố chất, có ý chí, có lòng dũng cảm – những yêu cầu phải có nếu muốn thành cuarơ giỏi, và Huyền đều có đủ. Nhờ vậy chỉ sau ba năm làm quen với con ngựa sắt, chị đã nhanh chóng được gọi vào đội tuyển quốc gia và xuất sắc đoạt HCV môn đua băng đồng tại SEA Games 1999 ở Brunei.
Thành tích cao nhất của chị Huyền là chiếc HCV châu Á năm 2002 đoạt được tại Đài Loan. Năm ấy, chị đã lọt vào danh sách các VĐV tiêu biểu nhất của thể thao VN. Sau chiếc HCV SEA Games thứ ba đoạt được ngay trên sân nhà năm 2003, chị lập gia đình và tính chuyện giải nghệ. Đến năm 2007, sau khi sinh con được vài tháng, các cán bộ của Liên đoàn Xe đạp VN thuyết phục chị quay trở lại đường đua. Nghe bùi tai, chị nhận lời và đoạt thêm chiếc HCV SEA Games thứ tư tại Thái Lan!
Trở lại với ước mơ

Thanh Huyền (giữa) với các bạn đồng môn trẻ trong lớp báo chí K07- Ảnh: L.N.

Các bạn sinh viên trong lớp báo chí K07 thường đùa: “Chắc chị Huyền giàu có lắm. 4 HCV SEA Games với 1 HCV châu Á chắc là ối tiền thưởng”! Nhưng chị cười buồn nói: ”Danh dự nhé, tổng cộng chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Chị cũng chẳng biết người ta tính làm sao nữa. Nghề thể thao ở VN bạc lắm mấy em ơi. Trước SEA Games 2007, cũng vì nghe dỗ mà chị lao trở lại đường đua. Nhưng sau đó thì không một ai ngó ngàng nữa”.

Chồng chị – bác sĩ thể thao Nguyễn Hữu Tuyển hơn ai hết hiểu được ước mơ lớn nhất của người bạn đời là trở thành một nhà báo. Tại sao không là một nhà báo thể thao? Anh đã đặt câu hỏi như thế với chị.

“Ừ nhỉ, với kiến thức thể thao của một VĐV đỉnh cao, cộng thêm tấm bằng đại học TDTT, tại sao mình không học thêm văn bằng hai là ngành báo?”, từ gợi ý của chồng, chị Huyền quyết định trở lại với ước mơ từ thời niên thiếu.
Mặc dù cuộc sống vất vả nhưng có thể nói rằng đây là khoảng thời gian hạnh phúc của chị Huyền. Chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh một phụ nữ mang bụng bầu lê từng bước lên lầu để bước vào giảng đường khoa báo chí (khóa K07). Nhưng mặt chị vẫn ngời ngời hạnh phúc.
Cứ mỗi lần thấy chúng tôi nhìn với vẻ ái ngại, chị cười bảo: “Mang bầu tám tháng mà phải leo lên tầng bốn đi học như thế này quả là mệt thật, nhưng chẳng ăn nhằm gì với việc vượt núi băng đồng để tập xe đâu!”. Chúng tôi không thể nào quên được gương mặt hạnh phúc của chị khi thông báo đứa con thứ hai đang mang trong bụng là gái (con đầu là trai).
Vừa nuôi con, vừa mang bầu nên việc học của chị ít nhiều chậm hơn chúng tôi. Bù lại, chúng tôi học được từ chị lắm điều hay. Thứ nhất, dù đã một thời là sao của làng thể thao nhưng chị rất hòa đồng. Thứ hai, mỗi khi mệt mỏi chán nản, chúng tôi thường lấy chị làm tấm gương để nỗ lực hơn. “Bởi không lẽ lại thua cả bà bầu!” – chúng tôi thường nói với nhau.
Nhưng hạnh phúc không kéo dài được bao lâu, người chồng thân yêu là lao động chính trong gia đình nhỏ của chị đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh, bỏ lại chị và hai con thơ, trong đó bé gái chỉ mới tròn 7 tháng tuổi.
Trong căn nhà tập thể nhỏ xíu của Trường đại học TDTT (Q.Thủ Đức), mẹ chồng chị sụt sùi kể: “Nhiều đêm tôi thấy nó ôm gối khóc một mình và cứ sợ không biết nó có vượt qua được nỗi đau quá lớn như thế không. Cũng may nó là người nghị lực nên sớm vượt qua đau khổ”.
Giấc mơ làm phóng viên thể thao thế là lại trục trặc. Chị phải trở lại với xe đạp để kiếm tiền nuôi con. Dĩ nhiên bây giờ thì không thể là cuarơ được nữa rồi! Hiện tại chị Huyền làm huấn luyện viên cho đội nữ Bình Dương. Mỗi tháng với công việc này, chị kiếm được khoảng 6 triệu đồng. Với khoản thu nhập này khi phải vừa trả tiền nhà, vừa nuôi hai con nhỏ, chị chỉ đắp đổi qua ngày.
Trong một lần cả nhóm chúng tôi đến thăm chị mới đây, có người khẽ khàng hỏi: “Chị Huyền ơi, chị có còn nuôi ước mơ làm phóng viên nữa không?”.
“Cuộc đời không công bằng với chị khi cướp đi của chị quá nhiều thứ. Nhưng nó không thể tước bỏ được ước mơ của chị. Dù cơ cực hay bận rộn bao nhiêu, chị vẫn dành thời gian cho việc học. Có thể mọi chuyện hơi trễ so với kế hoạch nhưng chị quyết không bỏ cuộc” – chị Huyền nói và chúng tôi thấy trong mắt chị ánh lên một màu xanh của thép.
Chúng tôi tin chị sẽ không bỏ cuộc…

NHẬT NAM (sinh viên báo chí K07)

Tuoi Tre

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)