Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tiểu thương vào… đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Các tiểu thương trong ngày bế giảng lớp học tập huấn tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Chuyện thật như đùa. Lớp học dành cho những người có tuổi tác, trình độ học vấn, hoàn cảnh khác nhau cùng theo học. Lớp học đó lại nằm ngay trong khuôn viên một trường đại học (ĐH) danh tiếng. Đó là lớp học miễn phí dành cho tiểu thương thuộc các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM.
Trẻ già cùng đi học
Những buổi chiều thứ 3, 5, 7 của chị Hoàng Thị Rưng, tiểu thương chợ Minh Phụng (Q.6) tất bật hơn mọi ngày. Chị phải tranh thủ dọn hàng sớm để cùng bà bạn “hàng xóm chí cốt” trong chợ cố gắng len lỏi trong dòng người đông nghẹt, thậm chí “phi” cả lên vỉa hè để kịp giờ vào lớp. Đó là lớp học kĩ năng dành cho những tiểu thương tại các chợ do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM tổ chức nhằm hỗ trợ cho các tiểu thương chợ truyền thống nâng cao khả năng cạnh tranh với các kênh bán lẻ khác, đồng thời xây dựng hình ảnh văn hóa, văn minh thương mại trên địa bàn thành phố. “Khi nói với cả nhà về việc tham gia lớp học, mọi người đều cười. Bản thân tôi trước đó cũng rất phân vân về chuyện này. Theo nghề bán đậu hũ đã hơn bốn chục năm, trôi nổi trên dưới cũng phải chục cái chợ, kinh nghiệm, “tiểu xảo” tôi đều có đủ. Nhưng thấy mấy chị trong chợ đăng kí đi học đông quá, tôi cũng thử đi cho biết. Ai ngờ, học thú vị hơn mình tưởng”, chị Rưng cười kể về “ngày đầu tiên đi học”.
Đó không chỉ là tâm sự của riêng chị Rưng mà còn là của hơn 700 tiểu thương thuộc các chợ trên địa bàn thành phố khi tham gia lớp học này. Phần nhiều trong số họ ban đầu chỉ có ý định học theo… phong trào. Ban quản lý chợ vận động, người này rủ người kia, mỗi chợ có tới mấy chục người đi học nhưng ít ai trong số họ có được suy nghĩ ban đầu là sẽ tiếp thu được nhiều điều từ khóa học. Không ít người chỉ nghĩ đơn giản là đi học để được… lấy chứng chỉ bán hàng. Thế nhưng, tất cả những suy nghĩ đó đã hoàn toàn thay đổi chỉ sau một vài buổi học. Mỗi người một hoàn cảnh, tuổi tác, trình độ học vấn khác nhau nhưng tất cả đều cố gắng sắp xếp thời gian để học các lớp xen kẽ vào các ngày 2-4-6 và 3-5-7. Họ lắng nghe những lời truyền giảng từ những giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ dạn dày kinh nghiệm, cùng trao đổi với nhau những kinh nghiệm mà mình đã trải qua và đưa ra cách ứng xử hợp lý. Trong những lớp học đó, “học trò” gọi giáo viên là thầy cô, khi cao hứng lại là… anh, chị. Còn giáo viên thì em, anh chị, chú bác… tùy từng đối tượng mà “đặt tên”. Tất cả những hoạt động tưởng chừng như rất nhỏ đó vô tình đã kéo gần khoảng cách thầy trò, bạn bè trong lớp học. “Mỗi lần đi học vui lắm, làm quen với nhiều người ở chợ khác. Thâm chí nhiều lúc gặp người “nhà mình” bán cùng chợ, cách nhau có mấy dãy nhưng chưa lần nào kịp hỏi han”, bác Hòa, tiểu thương chợ Vườn Chuối kể lại.
Nói về thái đô học tập của các tiểu thương theo học lớp tập huấn, T.S Vũ Thị Kim Phượng, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tâm sự: “Tôi thực sự ngạc nhiên trước thái độ ham học của họ. Môn tôi dạy là kĩ năng giao tiếp khách hàng nên hơi khô cứng và độc thoại, lại là môn học cuối cùng trong khóa học nên tôi không nghĩ lại có nhiều người chuyên cần đến thế. Nhưng hầu hết trong số họ đều bỏ công việc để đến với lớp học. Một số tiểu thương sau khi kết thúc khóa học còn nhắn tin, gọi điện cho tôi kể về những thành công trong việc áp dụng các thuật bán hàng mà tôi đã dạy cho họ”.
Học để tìm cái đã mất
Khi nói tới việc đến các giảng đường ĐH, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc trang bị những kiến thức khoa học. Tuy nhiên, với các tiểu thương thì những gì họ “thu hoạch” được sau khi kết thúc khóa học lại gần như trái ngược với quan niệm ấy. Cái họ học được là những gì chưa có, những gì đã có nhưng lại bị mất trong nhịp sống ồn ào, tấp nập thường ngày. Đó đơn giản chỉ là cách chào mời, cách giao tiếp, nở nụ cười khi gặp khách hàng… Ai chẳng muốn hàng hóa của mình được nhiều khách hàng ghé tới nhưng để làm được điều này không phải chuyện “một sớm một chiều”. Ngoài “duyên” bán hàng, hầu hết các tiểu thương đều thiếu đi những kĩ năng cơ bản để “hút” khách. Trong khi hiện nay các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị đang là đối tượng được nhiều khách hàng lui tới. Chị Hoàng Lan, nhân viên một công ty tại Q.10 (TP.HCM) thú thực: “Ngoài việc vào siêu thị được lựa chọn thoải mái, không phải trả giá, điều tôi ưng ý nhất là không phải bắt gặp thái độ khó chịu của người bán hàng. Cũng là tiền mình bỏ ra, tội gì không vào những nơi được đối xử tử tế. Có mất thêm ít tiền cũng đáng”.
Trước “sức hút” mạnh mẽ của các hệ thống bán lẻ và việc mất dần các “thượng đế”, tiểu thương các chợ truyền thống không còn lựa chọn nào khác là phải thay đổi cách bán hàng của mình. Và lớp học kĩ năng xuất hiện đúng lúc khiến nhiều người mừng “như bắt được vàng”. “Tôi bán quần áo trong chợ Bà Chiểu đã mười một năm nay. Nói thật, việc bán buôn bận rộn nhiều lúc gặp phải khách hàng gây phiền nhiễu tôi rất dễ bực mình. Bực nhất là có người thử hết áo nọ quần kia mà cuối cùng chẳng mua cái nào. Theo thói quen, nhẹ thì tôi nói xóc xỉa, nặng thì chửi cho bõ ghét. Nhưng từ khi theo học, thấy mình phải chấn chỉnh nhiều mới mong bán được hàng”, chị Minh, tiểu thương chợ Bà Chiểu tâm sự. Còn anh Diệp Minh Tân, tiểu thương bán thịt heo chợ Thị Nghè lại cho biết: “Điều tôi ưng ý nhất sau khi đi học là cách nói chuyện khôn khéo, cách chăm sóc khách hàng để mỗi lần mua hàng xong, người ta vẫn còn nhớ tới và lần khác lại ghé mua tiếp. Một dãy có hơn chục người bán thịt, không làm được như vậy thì chỉ có nước… ăn thịt thay cơm, vợ chồng con cái ra đường mà ở”. Trung bình mỗi lớp học kéo dài trong thời gian nửa tháng (tương đương với bảy buổi học). Qua đó, tiểu thương sẽ được giới thiệu tổng quan về bán hàng, về các quy trình bán hàng như kĩ thuật trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, kĩ năng giao tiếp bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, cách chăm sóc khách hàng… Bên cạnh đó, các tiểu thương còn được tham gia thảo luận nhóm, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế bán hàng. Ông Trương Minh Kiệt, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp-hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Chợ truyền thống tuy đang bị “yếu thế” nhưng lại là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống của người dân hằng ngày. Do đó, việc khôi phục lại sức sống cho các chợ là điều rất cần thiết. Chương trình đào tạo cho các tiểu thương gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 6-8 năm 2009, áp dụng cho 5 chợ thí điểm tại TP.HCM. Giai đoạn 2 áp dụng cho tiểu thương các chợ ở quận nội thành và giai đoạn 3 là các quận huyện còn lại trên địa bàn TP.HCM. Khi lớp học này được mở, lãnh đạo, ban quản lý chợ một số địa phương đã có lời mời trường tới giảng dạy, chúng tôi cũng đang nghiên cứu vấn đề này để xây dựng đồng bộ hệ thống đội ngũ bán hàng thân thiện, chuyên nghiệp tại các chợ”.
Ngọc Anh
Bác Hòa kể: “Tôi đã chừng này tuổi, bán tạp hóa cũng đã mấy chục năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đi học mà lại học cùng với nhiều đứa chỉ bằng tuổi con cháu mình. Mấy thầy cô giảng bài cứ kêu tui là bác, nghe dễ thương ghê”
 

Bình luận (0)