“Em viết thư này để cảm ơn cô đã ký tặng hàng ngàn giấy khen cho chúng em. Nhưng em muốn hỏi cô: Tại sao giấy khen lớp 7 có ép nhựa mà giấy khen lớp 6 không được ép nhựa?”.
|
Cô Phạm Thị Mỹ Thuận (bìa trái), phó hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (Q.5, TP.HCM), cùng thầy cô các bộ phận liên quan đọc những lá thư do học sinh gửi vào hộp thư “Cùng lắng nghe, cùng chia sẻ” – Ảnh: Như Hùng |
Đó là nội dung bức thư của một HS lớp 6 Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM gửi thẳng cho cô hiệu trưởng trường mình. Thì ra do phụ huynh một lớp khối 7 đã hỗ trợ chi phí ép nhựa giấy khen cho HS lớp mình nên gây tâm tư cho HS lớp nhỏ. Chuyện tưởng nhỏ nhưng cũng là một kinh nghiệm cho nhà trường.
Mong được tư duy sáng tạo
Học sinh mong chờ rất nhiều
Cô Võ Ngọc Thu – trưởng Phòng GD-ĐT Q.5, TP.HCM – nói: “Từ tâm sự của mình, các em mong chờ rất nhiều nơi trách nhiệm thầy cô, nhà trường. Làm sao khuyến khích HS mình nói ra những điều các em mong muốn? Thầy cô phải chịu lắng nghe, giải quyết tới nơi để tạo niềm tin với học trò. Và khi nhà trường được HS tin tưởng, bày tỏ mọi điều, xã hội và gia đình sẽ rất yên tâm vì nhà trường là nhịp cầu để các em hiểu gia đình, gia đình hiểu các em”.
|
Lá thư khác của một HS lớp 6 Trường THCS Bạch Đằng gửi cho cô hiệu trưởng: “Thưa cô, em có một tội lỗi không thể tha thứ được. Vì sợ mẹ buồn, em đã nói dối là tất cả bài kiểm tra em đều đạt điểm 9-10, trong khi em chỉ được 6-7 điểm. Giờ em hối hận vì đã dối mẹ nhưng không có cách nào để nói thật với mẹ về việc này. Em sợ mẹ buồn, mẹ sẽ đánh và không thương em nữa. Cô cho em vài lời khuyên: em làm thế nào để đền đáp cho mẹ vì những tội lỗi em đã gây ra…”. Trả lời thư, cô hiệu trưởng khuyên: “Con đã viết thư cho cô như thế nào, hãy viết thư gửi mẹ như thế”. Và một bức thư xin lỗi được con trẻ len lén đặt trên đầu giường mẹ. Mẹ viết một bức thư động viên con gái: nếu cố gắng, con sẽ đạt điểm 9-10.
Cũng có những thư bức xúc chuyện xả rác trong trường như: “Những ly nước xếp dài trên lan can, bao nilông dọc hành lang, đầy trong các bồn cây, thậm chí cả hòn non bộ cũng lềnh bềnh rác. Khi nói chuyện với bạn bè hoặc học bài trên ghế đá phải nhận cả một ly đá hay một bịch nước vào đầu… Mong thầy cô có giải pháp hiệu quả hơn để chúng em có ngôi trường sạch đẹp”.
Có những góp ý về tình huống sư phạm trong lớp. Chẳng hạn: “Tại sao thầy giáo dạy tin học rất hay chơi game trong lớp?”, hay kiểu tâm tư rất học trò: “Trong giờ tiếng Anh, em đã giơ tay rất nhiều lần mong được phát biểu nhưng thầy không bao giờ gọi em!”. Đến những góp ý thẳng thắn bất ngờ của nữ sinh lớp 8 một trường THCS tại Q.5 gửi Phòng GD-ĐT.
Thư viết: “Tuổi tụi em nhiều bạn đã bắt đầu phát sinh tình cảm phức tạp. Nhưng việc giáo dục giới tính thường giải thích chung chung, hình như chính thầy cô cũng hơi ngượng khi nói đến điều này! Chúng em mong thầy cô cung cấp những thông tin thiết thực, bổ ích hướng chúng em đến những suy nghĩ nghiêm túc, không sai lệch, biết cách cư xử đúng mực về chuyện này”.
Bức thư “gai góc” của một HS lớp 8 Trường THCS B. (Q.5) nêu thực trạng: “HS hiện nay được dạy theo khuôn khổ rất nhiều. Ví dụ như môn văn luôn phân tích theo định hướng của thầy cô nên suy nghĩ lệch về một hướng. Nhà trường chưa dạy HS thể hiện suy nghĩ, phát triển tư duy bản thân. Em biết thay đổi điều này không dễ, cả thầy cô và HS không dễ thích nghi ngay. Nhưng công việc gì cũng cần tư duy sáng tạo, cũng dùng đến trí óc, tư duy. Em mong một lúc nào đó gần nhất, tất cả HS được thoải mái phát huy sáng tạo của mình”.
Cùng lắng nghe, cùng chia sẻ
Không phải chỉ có thắc mắc, đòi hỏi, nhiều lá thư còn chất chứa lắm nỗi niềm. “Sáng nào em cũng phụ mẹ dọn hàng ra bán. Nhiều hôm phụ mẹ đến 6g45 mới xong. Đến trường, trường đóng cửa, không được vào lớp, em phải đi lang thang cho hết giờ…”. Đây là nội dung thư của một HS THCS tại Q.5. Bức thư đã khiến thầy cô giật mình nhìn lại trong số những HS nhiều lần đi trễ có những lý do cần được lắng nghe và cảm thông thay vì chỉ có biện pháp cứng rắn.
“Thưa thầy cô, thời khóa biểu của chúng em hiện quá dày đặc, lại quá bất hợp lý trong việc bố trí các môn học. Có hôm học toàn các môn toán, lý, hóa với quá nhiều bài tập. Có hôm lại toàn những môn học bài”. Ban giám hiệu lại giật mình, xếp thời khóa biểu không phải chỉ là chuyện của người lớn. Hay “Tôi là một HS chưa ngoan”, bức thư bắt đầu ngắn gọn như vậy, sau đó bạn mới giới thiệu tên mình là T., học lớp 9 Trường THCS LP. Bạn kể “thành tích”: lớp 6 chơi toàn với HS quậy, chuyên “bói tiền” các bạn trong lớp; lớp 7 quậy phá ham chơi; lớp 8 đánh nhau. Vì sao em thành HS cá biệt? Theo lý giải trong thư của bạn trai này, em thường đến tiệm Internet. Ở đó luôn có những HS không đàng hoàng, đập phá, chửi thề khi tức giận. Em đã chứng kiến và nhiễm thành thói quen của mình. Bạo lực học đường, manh động gia tăng do xã hội bên ngoài nhìn đâu cũng có bạo lực.
Từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9-2010, Phòng GD-ĐT Q.5 đã nhận gần 50 bức thư đầy tâm huyết của HS các trường gửi về. Nhiều thư bày tỏ mong muốn của HS về thầy cô, về môi trường học tập, về những chuyện xã hội ảnh hưởng đến tuổi mới lớn.
Không còn là hoạt động riêng lẻ từ một số ít trường, tất cả các trường THCS ở Q.5 đều đã có hộp thư “Cùng lắng nghe, cùng chia sẻ” để nhận mọi tâm sự, ý kiến đóng góp của HS. Hằng ngày, hằng tuần, thầy cô mở thùng thư để đọc. Mọi ý kiến của HS sẽ được thầy cô trả lời dưới cờ hoặc trả lời riêng cho HS, kể cả liên hệ phụ huynh để cha mẹ hiểu nỗi lòng con mình hơn. Những năm qua, nhiều trường THCS tại TP.HCM đã mở rộng diễn đàn để thầy và trò cùng lên mạng trao đổi ý kiến.
PHÚC ĐIỀN / TTO
Tin liên quan
Xây dựng môi trường học tập xanh và sáng tạo đã trở thành định hướng quan trọng của nhiều trường mầm non...
Trong thời gian qua, công tác y tế học đường tại các trường học đã được chú trọng nhằm đảm bảo vai...
Hiện nay, ở trường phổ thông, nhất là trường tiểu học, giáo viên chịu khá nhiều áp lực không chỉ do công...
Nghe chính là một “kênh” tiếp nhận thông tin quan trọng của con người, đó cũng chính là nguồn cung cấp cho...
Bình luận (0)