Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Miệt mài “gieo con chữ” nơi lưng trời Mường Lèo

Tạp Chí Giáo Dục

Bỏ lại sau lưng cuộc sống thuận lợi ở miền xuôi, vượt qua hàng trăm cây số đường đèo, lội suối để ngược lên vùng cao Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La)… những thầy cô giáo “cắm bản” điểm trường THCS Mường Lèo đã và đang ngày đêm thắp sáng sự học cho các em học sinh vùng cao…

Ở nơi con chữ… thăng hoa
Không còn sắc màu vàng rợp của hoa cúc quỳ, không còn sắc đỏ hoa trạng nguyên rải khắp đường, con đường từ trung tâm huyện Sốp Cộp – một huyện vùng cao của Sơn La có đường biên dài hơn 100km dẫn vào xã biên giới Mường Lèo gồ ghề khó đi khôn tả. Để tới được xã, chiếc xe của chúng tôi phải mất 5 giờ đồng hồ, “đếm” 50km đường đèo với hàng trăm điểm khúc cua “tay áo” hiểm trở.
16h30, tôi có mặt tại bản Liềng, xã Mường Lèo nơi mà có nhiều thầy cô giáo “cắm bản” đang ngày đêm miệt mài gieo con chữ, tiếp thêm “sự học” cho các em học sinh vùng cao nơi đây. Điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lèo với 8 lớp (207 học sinh) tọa lạc trên một thẻo đất phẳng, nằm nép mình bên dòng suối Púng Hon. Bao quanh là đồi trọc.
17h, trong khuôn viên phía sau sân trường, không khí lạnh của vùng cao Mường Lèo dường như đã không còn. Thay vào đó là sự hứng khởi nô đùa, vui chơi của các em học sinh sau một ngày lên lớp. Em Lò Thị Hương, dân tộc Thái, học sinh lớp 9A vừa đá cầu cùng đám bạn học vừa tủm tỉm cho biết, nhà em ở mãi tận bản Nà Chòm, do đường núi hiểm trở, để tới được điểm trường Mường Lèo phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Nhà xa, điều kiện đi lại khó khăn nên Hương đã ở nội trú. Hằng ngày, lên lớp theo đuổi “sự học” của mình.
– Cháu thích học môn gì nhất?
– Dạ! Văn, Sử, Địa chú ạ. Cháu thích làm… làm… cô giáo lắm, Hương ngượng ngùng nói.
Thấy tôi trò chuyện với Hương, em Mùa A Chua, người Mông, lại gần tiếp lời:
– Cháu thích làm bác sĩ! Để sau này cháu còn đi khắp mọi nơi, khám bệnh cho mọi người chú ạ!
Các em học sinh điểm trường Mường Lèo đang chuẩn bị bữa tối.
Nghe lời bộc bạch hồn nhiên của Chua, tôi cũng phần nào mường tượng ra lý do vì đâu mà nhà mãi tận bản Pá Khoang, cách điểm trường gần 27 kilomet đường đèo núi, Chua vẫn chịu khó xa nhà đến cả tháng trời để theo đuổi con chữ. Vì hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhà thì nằm cách xa điểm trường, nên ngoài Hương, Chua ra, có hơn 90% em học sinh theo học tại điểm trường nơi đây phải ở nội trú.
Hằng tuần, cha mẹ các em lại “cuốc bộ” xuống trường, gửi thức ăn, đồ dùng cá nhân cho các em. Mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày, các em đều tự thân vận động. Ấy chẳng thế mà khi tìm vào lán trọ dành cho học sinh ở nội trú, tôi bắt gặp các em Lường Thị Thành, học sinh lớp 7B; em Lò Văn Nhất, lớp 9A… đang cặm cụi hun lửa, nấu bữa tối. “Hôm nay, chúng cháu bắt được cá dưới suối nên đổi món chú ạ!”, em Nhất mở vung nồi canh cá dậy mùi thơm hí hửng khoe.
Trò chuyện với các em, tôi được hay, sáng, 5h dậy nấu cơm, ăn sáng rồi lên lớp; chiều 17h chơi đá cầu, tập thể dục và tối ôn bài, xem tivi đến 21h30 thì đi ngủ….- đó là biểu thời gian sinh hoạt mặc định của các em học sinh nội trú nơi đây.
Nặng lòng với nghiệp gieo con chữ
Thoáng thấy có nhà báo về với điểm trường, cô giáo Bùi Thị Tuyết, dạy môn Sử vừa ngơi trận đánh cầu lông cho biết, sau mỗi ngày lên lớp truyền thụ cho các em học sinh kiến thức, cuối giờ chiều, các thầy cô giáo ở nội trú trong trường lại chia thành các đội để giao lưu cầu lông, đá cầu. Chơi thể thao cuối ngày không mục đích gì khác ngoài việc thư giãn, rèn luyện sức khỏe, quên đi nỗi nhớ nhà của các thầy cô giáo “cắm bản” nơi đây.
Cô giáo Bùi Thị Tuyết tâm sự, cô quê ở Hòa Bình. Sau khi cầm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm trên tay, năm 2004 cô làm đơn xin lên Mường Lèo công tác. “Ngày đó, từ trung tâm huyện Sốp Cộp vào điểm trường Mường Lèo không có đường như bây giờ. Để vào được đây, chúng em phải men theo dòng suối cả ngày đường đó anh ạ”, cô giáo Tuyết nhớ lại. Cô giáo Tuyết cho hay thêm, thời gian đầu, khi đặt chân lên đây, cô nhớ nhà khôn tả. Tối nào cô cũng nằm khóc một mình. Nhưng rồi, vì niềm tin, ước mơ được đem “con chữ” đến được tới các bản làng vùng sâu, vùng xa đã tiếp thêm nghị lực cho cô vượt qua tất cả. Dần dà, từ phản đối, người thân trong gia đình cô đã hiểu và cảm thông cho nghiệp “gieo con chữ” ở vùng cao của cô.
Các thầy cô giáo chơi thể thao vào cuối ngày.
Lên với vùng cao Mường Lèo, để truyền thụ kiến thức cho học sinh vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thầy Nguyễn Danh Điệp – Hiệu phó nhà trường cho biết, thầy có thời gian “cắm bản” sớm hơn cô Tuyết 1 năm. Những ngày đầu khi tới điểm trường, do không có sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn, thầy và gia đình phải “bặt vô âm tín” tới 8 tháng. “Hồi ấy, sau thời gian dài xa cách khi ra tới trung tâm huyện, điện thoại về cho gia đình sinh sống ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), mọi người mừng vui khi biết cậu con trai của mình đã trưởng thành và khỏe mạnh”, thầy Điệp kể.
Cũng theo thầy Điệp, ngày đó để thu hút được nhiều em học sinh theo học, tỷ lệ xóa mù chữ cao như hiện nay, các thầy cô giáo “cắm bản” của trường hằng ngày phải vượt hàng chục kilomet đường đèo tới các bản làng, tuyên truyền vận động bà con cho con em mình tới trường học. Có những hôm trời mưa, đường trơn khó đi, các thầy cô “cắm bản” phải mất 3-4 ngày mới tới được bản để đón các em tới trường. “Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng biết sao được, chúng mình đã nặng lòng với nghiệp gieo con chữ ở nơi này rồi. Tới đây, chúng mình sẽ tiếp tục gắng lòng để sự học của các em vươn cao hơn nữa”, thầy Điệp nói thêm.
Có lẽ chính vì sự trăn trở, nặng lòng với nghiệp gieo chữ, với cuộc sống bà con dân tộc vùng cao Mường Lèo, mà đến nay, thầy Điệp, cô Tuyết, cô Duyên, thầy Hà… cũng như nhiều thầy cô giáo “cắm bản” ở dưới xuôi khác thay vì về quê ăn Tết đã ở hơn một lần ở lại điểm trường, cùng gia đình các em trong bản đón Tết, vui xuân mới.
Một mùa xuân mới đang về. Sự học của các em học sinh vùng biên Mường Lèo lại tiếp tục được “tiếp lửa” bởi tâm nguyện gieo con chữ của các thầy cô giáo “cắm bản”
 

Theo Trần Huy
(cand)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)