Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Về thăm chiến khu Đ

Tạp Chí Giáo Dục

Tượng hình tái hiện cuộc họp cấp ủy ở CKĐ

Đã 66 năm kể từ ngày hình thành khu căn cứ kháng chiến miền Đông Nam bộ (Chiến khu Đ) và 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi – thế hệ lớn lên sau chiến tranh mới có dịp về thăm “vùng đất chết” đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta…
Huyền thoại Chiến khu Đ
Tôi được nghe về Chiến khu Đ (CKĐ) qua lời kể của cha, ngày xưa ông tham gia kháng chiến; lớn lên đi học, tôi say sưa tìm hiểu về vùng đất huyền thoại này qua sách sử, xem phim tài liệu và ngân nga câu hát “Ai đã qua rừng miền Đông đất đỏ…”.  Mong ước một lần được về thăm vùng đất “gian lao mà anh dũng” của tôi cuối cùng cũng được thực hiện. Giữa những ngày tháng 7 nồng nàn nắng hạ, khi cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7), tôi may mắn có chuyến về thăm căn cứ CKĐ.
Từ TP.HCM xe ô tô đưa chúng tôi hơn 50km tới ngã ba Trị An thì rẽ trái vào con đường đất đỏ 322. Từ đây, ô tô vượt hơn 30km đường rừng nữa mới đến khu di tích CKĐ. Dọc hai bên đường bạt ngàn rừng xanh núi thẳm với những cây sao, dầu đặc trưng của rừng miền Đông Nam bộ. Đi sâu thêm chừng 3km là địa phận của Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai nằm trên diện tích 97.152ha (gồm hồ Trị An, rừng miền Đông Nam bộ của 9 tỉnh lân cận và khu di tích CKĐ).
Khu căn cứ CKĐ có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận: Địa đạo Suối Linh, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam bộ, có diện tích 39,8ha trải dài từ địa phận huyện Tân Uyên (Bình Dương) và các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
Lịch sử chép lại: CKĐ là căn cứ cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Đông Nam bộ. Khởi thủy CKĐ thuộc tỉnh Biên Hòa được thành lập tháng 2-1946 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau khi Pháp chiếm Biên Hòa, các lực lượng vũ trang rút về vùng rừng núi Tân Uyên (thuộc quận Tân Uyên, Biên Hòa) để đứng chân. Thời kỳ đầu, CKĐ từ hạt nhân của 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An, sau đó được mở rộng ra và trở thành căn cứ địa không chỉ của tỉnh Biên Hòa mà còn của Khu 7 (từ năm 1947 đến 1950). Đến năm 1951, CKĐ trở thành một trong hệ thống căn cứ địa của Nam bộ gồm: CKĐ, CK Dương Minh Châu, CK Đồng Tháp Mười, CK U Minh. Với địa thế rừng rậm, núi sâu hiểm trở, trung tâm tiếp giáp các tỉnh trong khu vực miền Đông, có suối nước, hệ động thực vật phong phú, là một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, nơi tập kết lực lượng, cất giấu kho tàng, vũ khí và phát triển mọi mặt của một căn cứ địa kháng chiến lâu dài, nên CKĐ được chọn xây dựng rất vững chắc là “bàn đạp” cho các cuộc tấn công nổi dậy của quân và dân miền Đông Nam bộ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, CKĐ được mở rộng, phát triển thêm về phía Đông và Đông Bắc giáp biên giới Campuchia và Đắk Lắk. Vùng căn cứ CKĐ là nơi thành lập đầu tiên của các đơn vị vũ trang miền Đông và chủ lực miền, nơi đứng chân của Khu ủy miền Đông và đặc biệt là nơi thành lập đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam vào năm 1961; sau đó, năm 1962 Trung ương Cục miền Nam chuyển về Tây Ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, từ CKĐ, lực lượng cách mạng tổ chức nhiều trận tấn công vào kẻ thù giành chiến thắng vang dội. Kẻ thù luôn tìm mọi cách đánh phá nhưng thất bại. Ngô Đình Diệm và các tướng tá ngụy quyền Sài Gòn từng chua xót nhận định: “CKĐ còn, Sài Gòn mất”. Giai đoạn 1962-1967, CKĐ trở thành căn cứ khá vững chắc đã dốc sức cùng toàn miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân ta Tết Mậu Thân (1968), cũng như sau này vùng lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975)…
Dấu ấn CKĐ

Mái các căn nhà trong khu di tích CKĐ đều lợp bằng lá cây trung quân

Sau gần 2 giờ vượt trên 80km, trước mắt tôi khu di tích CKĐ đã hiện ra giữa mênh mông rừng nguyên sinh cổ thụ. Ngôi nhà nằm trước cổng khu di tích là nhà tưởng niệm, trước khoảnh sân đặt chiếc lư hương lớn nghi ngút khói nhang, trong ngôi nhà đặt hai dãy tượng ghi tên 14 cán bộ đã từng sống và lãnh đạo phong trào cách mạng của Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; trong đó nhiều người đã hy sinh tại CKĐ và chiến trường miền Đông. Đoàn người lặng lẽ đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm.
Lối dẫn vào từng điểm tham quan trong khu di tích CKĐ là những con đường nhỏ được rải sỏi phẳng lì núp dưới những tán cây rừng cao vút giữa đại ngàn. Thấp thoáng trong khu rừng rộng chừng 10ha là những ngôi nhà cột gỗ, mái được lợp bằng lá Trung Quân (loại lá cây rất đặc biệt khó bắt lửa và không cháy lan) nhằm chống lửa của bom Napan, pháo kích. Nối giữa các ngôi nhà bằng hệ thống giao thông hào sâu dưới lòng đất. Trong khu di tích hiện đang lưu giữ, tôn tạo 19 căn nhà và tái hiện 24 hình tượng người, phân bổ thành 4 ban (văn phòng làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy miền Đông, Ban Cơ yếu, Ban Quản trị – Hành chính và Ban Vệ binh Khu ủy).
Di tích lịch sử CKĐ hôm nay (thuộc địa phận Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trở thành nơi tham quan, nghiên cứu và du lịch sinh thái nên mỗi ngày đón hàng chục đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước về thăm. Cô hướng dẫn viên tên Hương vóc người nhỏ nhắn trong chiếc áo bà ba, đội mũ tai bèo, cổ quấn khăn rằn rất… Nam bộ đã đưa chúng tôi đi thăm, giới thiệu từng điểm di tích của CKĐ. Tất cả, những hình ảnh ấy cứ đập vào tâm khảm chúng tôi một thứ cảm xúc rất mãnh liệt. Giữa không gian tứ bề yên ắng, tôi chợt nghe tiếng cô hướng dẫn viên tại khu nhà y tế giới thiệu cho đoàn công tác việc chăm sóc sức khỏe của bộ đội rồi đọc những câu thơ của tướng Huỳnh Văn Nghệ viết về một anh bộ đội bị thương phải cưa chân bằng cưa thợ mộc: “…Bác sĩ cưa chân một thương binh bằng cưa thợ mộc/ Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương nước mắt tràn trề/ Người chiến sĩ vẫn mê mải hát/ Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi những giọt đỏ hồng…”. Trong đoàn chúng tôi có nhiều người lau nước mắt!
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Tên gọi “CKĐ” có nhiều cách giải thích: “Đ” là chữ cái đầu viết tắt địa danh “Đất Cuốc” – nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ điểm đầu tiên kháng chiến chống pháp (1945-1954); “Đ” là mật danh chỉ vị trí tổng hành dinh của Khu 7 trong hệ thống các vị trí căn cứ quân sự được tính theo các chữ cái A, B, C…; “Đ” chỉ chiến khu “Đỏ”; cũng là chữ đầu của tỉnh Đồng Nai, chiến khu Miền Đông, chiến khu Đầu tiên… 
 

 

Bình luận (0)