Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Phu già đạp xích lô

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Ngô Văn Nhứt thong dong đạp xích lô qua khu vực chợ Bến Thành để tìm khách

Đôi mắt tôi đang lia dần qua khoảng không gian rộng bao la của trung tâm thành phố ngày chủ nhật tấp nập người, xe. Bất chợt đôi mắt ấy dừng lại, rồi “zoom” thật gần về hình bóng một ông lão. Đó là ông già đạp xích lô đã làm bạn “tri kỷ” với chiếc xích lô xuyên qua hai thế kỷ. Ông phớt mũ, ngả lưng, làm một giấc quên đời bên gốc cây đường Nguyễn Huệ, nắng rụng hững hờ trên vai…
Ông già đạp xích lô qua hai thế kỷ
Một chiều Sài Gòn xôn xao, đường Lê Lợi nắng ong vàng như mật. “Bắt” được một ông phu già đang ngửa mặt thiu thiu tựa lưng chợ Bến Thành. Bỏ mặc tất tả phố. Trên chiếc cần câu cơm cũ hoen vắng hoe khách, ông già bỏ đôi dép mòn, co chân, thủ thỉ kể chuyện nghề, chuyện đời. Ông xưng tên Ngô Văn Nhứt vì là con thứ nhất và duy nhất trong nhà. Ông sinh vào những năm thập niên 40 của thế kỷ trước. Năm rồi, ông qua đi cái tuổi thất thập cổ lai hy, đó cũng là quãng thời gian đằng đẵng những chuỗi ngày cô độc. Ông già xích lô người Sài Gòn chính gốc, nghèo rớt chẳng dám mơ đời chồng vợ nên sống một mình gác trọ kề bến Chương Dương. Bồ côi bồ cút từ nhỏ, có tấm nhà cũng bán thời trẻ trai để nướng vào đỏ đen. Rồi phu phen mãi mới tậu được chiếc xích lô làm kế sinh nhai đến tận bây giờ.
Người Sài Gòn vốn sảng hào, nói chuyện buồn mà nhẹ tênh như gió, chẳng thèm thở dài. Chỉ có mình phố là vẫn miệt mài ồn ã. Ông già xích lô có điệu cười như pháo nổ, giòn tan và trẻ thơ đến lạ lùng. Điệu cười kiêu bạt, át cả tiếng ho đứt quãng. Rồi ông triết lý nghe cũng rất… đời: “Đời người, chớp mắt con à, tiền tài là phấn thổ, lão sang lâu rồi cái dốc bên kia. Sống chỉ là sống thôi, dễ lắm…”. Ông nói, từ sáng sớm tinh sương đã dẫn xích lô ra phố, túc tắc lúc nắng lúc mưa đến tối mịt, hết chợ Bến Thành rồi ngược lên nhà thờ Đức Bà, chạy vào Nguyễn Du, Đồng Khởi ra Nhà hát TP. Khi phố vắng, người thưa mới dựa lưng kề chợ hay gốc cây, giấc ngủ đến ngon lành chẳng vay mượn… Dễ như cách ông vẫn coi phố là nhà, nắng mưa là bầu bạn, xích lô là giường, là đệm, là nơi ông tranh thủ ăn chiếc bánh mỳ kẹp thịt nguội ngắt treo trên móc xe sau cả ngày dài chờ khách. Ngày chạy vài ba cuốc, từ khách du lịch đến hàng hóa, ai kêu gì cũng chở, kiếm vài ba chục ngàn, vá víu sống thế mà khỏe re, thế mà nhẹ nhõm…
Ông bạn già của ông già xích lô cũng làm nghề đạp xích lô từ đâu chạy về tiếp chuyện. Bụi đường còn vương trên trán, nồng sực mùi mồ hôi. Ông bạn già 75 tuổi, xưng tên là Nguyễn Văn Thành, quê miệt vùng Đồng Tháp Mười, mà gồng gánh cả nhà 4 đứa con, 2 vợ chồng lên Sài Gòn từ lâu rồi. Cả quãng đời, đếm không biết bao lần chuyển chỗ trọ, từ Q.4, Q.8 đến Bình Thạnh, Phú Nhuận rồi lại quay về Q.4. Gần 30 năm chạy xích lô, vợ nhận đồ về may gia công tại nhà, con cái thì đứa nào cũng tuổi ăn tuổi học. Ông nói có cay đắng nào mà không trải qua đâu, nhưng may mà còn có vợ con, gia đình để đời cay cực không phải cút côi. “Đạp xích lô trước còn kiếm được, giờ thì chán lắm. Bữa nay rong mãi mới được một cuốc giá 30 ngàn từ Trần Hưng Đạo ra chợ Bến Thành, mà sống như ông bạn đây thì buồn chết”.
Chuyện đang say, trời đang sóng sánh bỗng chuyển mưa trái mùa. Không kịp chạy, cả tôi, cả hai ông lão, cả phố đều ướt nhẹp. Ông già xích lô nói “mưa rồi được nghỉ, không chạy nữa” mà thấy có tốp 4 chàng Tây đi tới vẫn mời: “Hello, cyclo?”. Khách lắc đầu xua tay lịch sự. Hai ông nhìn nhau, khẽ cười. Tôi hỏi, hai ông biết tiếng Anh à? Biết vài từ thôi, học lỏm ấy mà. Rồi rủ nhau xách xe chạy vào vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch trú mưa, còn nghe lõm bõm tiếng vỡ vào phố “xích lô giờ ế lắm, khách du lịch chỉ thỉnh thoảng ngó tới, taxi rồi xe ôm quá trời con ơi…”.
Phu kéo xe của thế kỷ 21
Mỗi lần thấy xích lô trên phố, tôi cứ bần thần ước giá cuộc đời này cũng quay tròn, quay tròn như những vòng bánh xe ấy hoặc có méo mó, vẹo vọ tựa hòn bi ve thì hay biết mấy. Sẽ chẳng phải mang thân tha hương mà ngược xuôi, nổi lênh bèo nước…
Bữa trước ngồi cà phê, nghe trong gió Mỹ Tâm hát Xích lô của Võ Thiện Thanh, bỗng thèm rã rời một lần được chạm tay vào phố, thật gần để “ngửa mặt nằm im ngắm sao trời”. Phải công nhận, ông nhạc sĩ này tài thật, cứ như đã từng làm nghề đạp xích lô chở khách vậy: “Cứ lo trời nắng, cứ lo trời mưa, cứ lo toan thẫn thờ… cứ vui đùa nhé, cứ mơ lặng lẽ, cứ lom khom đi về…”. Toàn những lo toan cực kỳ đời. Ông già xích lô từng nói, giờ có muốn mua xích lô cũng không có đâu, chỉ có thể bán mua truyền tay nhau thôi. Nhà máy sản xuất xích lô ở đường Nguyễn Cư Trinh đóng cửa mười mấy năm nay rồi… Hóa ra, vỏn vẹn mấy mươi chiếc xích lô đang chạy trên đường phố Sài Gòn là “chứng tích” cuối cùng của một thời còn nhọ nhem nghèo khó, là phương tiện thô sơ cuối cùng còn sót lại, là món hồi môn xưa cũ… Hóa ra, ông già xích lô và ông bạn già mới là người “giàu có” nhất khi giữ trong tay kỷ vật, sống thong dong mỗi ngày, cái kỷ vật mà đến một ngày nào đó, có thể nhanh thôi, khi ngoảnh lại chỉ còn thấy được ở viện bảo tàng…
Ở Việt Nam, có phải xích lô lần đầu xuất hiện từ thời mà nhà báo Tam Lang viết thiên phóng sự Tôi kéo xe, rằng nên thay chiếc xe kéo tay bằng xe có người đạp hay không. Chẳng rõ nữa. Nhưng rõ ràng, công bằng thì hình ảnh ông lão tóc búi củ hành thủng thẳng đạp xích lô ngang phố, qua đèn xanh đèn đỏ, qua bóng nắng, bóng râm, qua ô tô, SH, LX, Vespa, qua chung cư ngất ngưởng… dù trông có nghèo khó, bần hàn đến mấy cũng là hình ảnh rất riêng của Sài Gòn.
Nên khi ông lão kể, có người thương các ông già cả, nói cho mỗi ông 5 triệu để kiếm nghề khác làm, không phải đạp xích lô nữa. Rồi ông tiếp: “Nghĩ sao người ta lại nói vậy chớ, gắn bó cả đời, thong dong cả đời, chẳng phải mang ơn ai. Tự dưng cầm 5 triệu, làm gì được, ăn chơi mấy mà hết. Một ngày không ngồi lên yên đã thấy chồn chân, mỏi gối rồi nói chi…”.
Hôm trước gặp lại, ông già xích lô hẹn chiều mai sẽ chở tôi một chuyến quanh Nhà thờ Đức Bà cho bõ thèm thuồng “giàu nghèo gì một cuốc hả con, lão nghèo mấy mà không đưa con đi được, đừng nói tiền bạc với lão…”. Rồi ông già chở gió đi, bỏ lại mình tôi ước mơ đã đời…
Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Bình luận (0)