Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Khám phá sân chim Vàm Sát

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc sân chim Vàm Sát
Được xem là mảnh đất lành, trong vài năm gần đây sân chim Vàm Sát, thuộc khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP.HCM) thu hút nhiều loài chim về sinh sống và làm tổ. Đây là một tín hiệu vui đối với những người làm công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, song hành với niềm vui ấy là một nỗi lo về sự an nguy của các loài chim.
Đất lành chim đậu
Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi theo chân những người bảo vệ sân chim ở mặt bìa rừng. Mặc dù còn cách khu bảo tồn chim Vàm Sát cả cây số nhưng chúng tôi đã nghe rõ mồn một tiếng các loài chim “so giọng” vang cả cánh rừng. Càng tiến sâu vào rừng, không gian càng sôi động hơn với tiếng vỗ cánh, đánh nhau của hàng trăm loài chim đang chiếm lĩnh những đọt cây đước, chà là…
Từ đài quan sát cao khoảng 50m đặt ở giữa rừng, du khách có thể dễ dàng thu vào tầm mắt những cảnh đẹp đến nao lòng. Phía trên cánh rừng, hàng ngàn cánh chim đủ màu sắc bay lượn rợp trời… Bên dưới các tán cây, hàng ngàn chiếc tổ với những quả trứng to nhỏ xinh xắn hiện ra lấp lánh dưới nắng trời. Khắp rừng, những chú chim con mới nở e ấp dưới những tán lá rừng cứ ríu ra, ríu rít.
Chỉ tay về phía đám cây chà là, nơi hàng trăm con cò ruồi chiếm lĩnh làm vương quốc riêng, anh Hòa – người có thâm niên gần 30 năm gắn bó cùng sân chim – cho biết loài chim rất quý này về rừng Vàm Sát cách đây vài năm. Số lượng ban đầu chỉ vài chục con, sau vài năm con số cá thể đã lên đến vài trăm. Còn “người hàng xóm” kế bên cò ruồi là chim điên điển. Loài này cũng được xếp vào dạng quý hiếm (dân địa phương nay gọi là cò cổ rắn vì có cổ dài khác thường) và cũng mới về sân chim gần đây. Chim điên điển bố mẹ khá to, trọng lượng tối đa của nó lên đến 2kg, còn chim non mới nở cũng trên 0,5kg.
Được xem là “bà mụ” ở sân chim Vàm Sát nên anh Hòa gần như hiểu hết tập tính của từng loài. Theo anh, cò ruồi và điên điển được xem là 2 loài thông minh bậc nhất rừng, đến mùa sinh sản (khoảng tháng 5-6) chúng thường kéo về rừng sớm hơn các loài khác và chiếm giữ những khu chà là đầy gai nhọn làm tổ. Mục đích của chúng là tránh mối nguy từ những “kẻ săn mồi” nguy hiểm vào dạng bậc nhất ở rừng, đó là rắn, khỉ, kì đà… Chính vì thế những khóm rừng đẹp này lúc nào cũng sôi động nhất vì thường xảy ra những trận tranh giành, cãi vã giữa các loài với nhau. “Tuy nhiên, to mồm nhất vẫn là loài vạc, mỗi con nặng dễ chừng cỡ 2kg đẻ trứng màu hơi xanh xanh to gấp đôi gấp ba các loài khác. Khác với các loài khác, ban ngày chúng cứ quang quác lại hay “ăn hiếp” bạn bè rồi chờ đến đêm mới bắt đầu rủ nhau bay đi kiếm mồi…”, anh Hòa cho biết thêm. Sâu hơn phía bên trong là những cánh rừng đước, mắm, dà… nơi loài cồng cộc – loài chiếm số lượng đông đảo nhất chiếm lĩnh.
Theo các cán bộ bảo vệ sân chim, trong vài năm gần đây, ngoài những loài trên ra còn có không ít loài chim quý có trong sách đỏ như già đãi, giang sen… thỉnh thoảng cũng ghé qua. Đây là một tín hiệu cho thấy sân chim Vàm Sát đang trở thành mảnh đất lành.
Nóng bỏng việc chống “nhậu” chim!
Khu du lịch Vàm Sát được Tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của nước ta và là thành viên 368 của mạng dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 21-1-2000, UBND TP.HCM công nhận sân chim Vàm Sát là khu bảo tồn chim từ tháng 10-2003. Tháng 7-2002, Vàm Sát cũng được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận là khu du lịch sinh thái bền vững nhất thế giới, đẹp nhất thế giới.
Được biết, toàn bộ khu bảo tồn chim Vàm Sát rộng khoảng 600ha, trong đó vùng chim tập trung sinh sống khoảng 100ha với 26 loài nên những năm qua công tác bảo vệ môi trường sống yên bình cho chúng sinh sôi là cả một cuộc chiến khá gian nan.
Địa bàn rộng, quân số ít (chỉ trên dưới 10 người) nên đội kiểm lâm và bảo vệ rừng Vàm Sát phải thay phiên nhau ngày đêm trực chiến. Chính vì thế mà những năm gần đây, bọn săn trộm ít dám vào rừng đặt bẫy hoặc dùng súng săn để bắn hạ chim. Tuy nhiên, thay vào đó, chúng thường giả dạng làm người đi rừng, ngư dân vào rừng dùng cây móc tổ chim lấy trứng và chim non. Trao đổi với chúng tôi, một số người dân tại xã Lý Nhơn cho biết, chính sở thích thưởng thức các món ăn lạ từ rừng của một số du khách “lắm tiền” đã làm cho những kẻ săn trộm lóa mắt làm liều. Anh Thanh (nhà ở cầu Gốc Tre, xã Lý Nhơn) tiết lộ hiện tại, một con vạc, điên điển con có giá lên đến vài trăm ngàn, bắt được bao nhiêu sẽ có người đến lấy bấy nhiêu. Chưa hết, bên cạnh chuyện lấy trứng và chim non, một số còn tranh thủ bứt luôn đọt chà là để bán cho các quán nhậu làm món đặc sản! Nhiều nhà khoa học từng cảnh báo, nếu vùng trú ngụ yêu thích của một số loài chim bị thu hẹp dần, các loài chim sẽ bỏ đi nơi khác. Cách đây không lâu, các anh bảo vệ sân chim cũng băng rừng rượt một số “chim tặc” về tận nhà để bắt tại trận rồi giao nộp cho chính quyền xã xử lí nên nạn săn bắt gần đây có phần tạm lắng.
Anh Hòa cho biết những ngày mùa chim làm tổ này các anh luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao. Bởi bất cứ một sự mất cảnh giác nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến sân chim, nơi mà anh đã theo dõi và chăm chút suốt gần 30 năm ròng. Nói rồi anh lại xắn quần cùng anh chàng bảo vệ trẻ Thanh Tiến chuẩn bị băng rừng tiếp tục tuần tra. “Năm nay thấy chim về làm tổ nhiều hơn năm trước, ai cũng vui lắm nên càng phải ra sức bảo vệ để xứng đáng với trách nhiệm được giao. Bởi vậy nhiều khi lội bùn hàng chục cây số đi tuần tra mình cũng không biết mệt”, anh Thanh Tiến tâm sự. Có mặt cùng chúng tôi trong chuyến đi, anh Hitoshi – một du khách người Nhật – cho biết: “Không thể ngờ sát nách TP.HCM của các bạn lại có khu sinh thái tuyệt vời đến như vậy. Nếu biết cách bảo vệ tốt, nơi đây sẽ là niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam xinh đẹp của các bạn trước bạn bè thế giới đấy!”. Chúng tôi mượn câu nói của du khách này để kết thúc bài viết như là một thông điệp gửi đến tất cả mọi người – bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ hình ảnh con người Việt Nam trước bạn bè thế giới!
Bài, ảnh: Minh Nguyễn
 “Năm nay thấy chim về làm tổ nhiều hơn năm trước, ai cũng vui lắm nên càng phải ra sức bảo vệ để xứng đáng với trách nhiệm được giao. Bởi vậy nhiều khi lội bùn hàng chục cây số đi tuần tra mình cũng không biết mệt”, anh Thanh Tiến tâm sự.
 

Bình luận (0)