Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kiện tướng giữa đời thường

Tạp Chí Giáo Dục

Những đường cầu của “Tâm Con” vẫn làm mê mẩn bao người

Ở thời đỉnh cao vinh quang những kiện tướng thể thao nước nhà đã qua mọi nẻo đường, đã đến những vùng đất vời vợi xa bằng trái tim Việt Nam cháy bỏng lòng nhiệt huyết và tự hào dân tộc. Trở về với đời thường, lại bắt gặp những “chàng trai vàng”, “cô gái vàng” đang lãng đãng mưu sinh giữa phố phường Hà Nội với đủ thứ nghề… Phía sau những tấm huy chương, đâu phải chỉ có hào quang.
Điều kỳ diệu dưới vòng xe lăn
Đến giờ này, khi đã trở thành ông chủ của một cửa hàng sơn trên phố Nguyễn Khuyến, “chàng trai vàng” của thể thao khuyết tật Việt Nam đã có thể ung dung nói về lý do mình chối bỏ vinh quang một cách đường đột khi lặng lẽ rời khỏi đấu trường Para SEA Games cách đây gần chục năm. Vẫn lại là lý do phân loại thương tật được coi là vấn nạn của thể thao khuyết tật nhưng chuyện của Trương Công Hưng “chàng trai vàng” một thời của thể thao khuyết tật Việt Nam coi như đã qua và người hâm mộ vẫn gặp anh lang thang trên đường chiều Hà Nội độc hành cùng chiếc xe lăn. Chất lãng tử dường như vẫn vẹn nguyên trong trái tim anh khi đi giữa đời thường.
Nếu nói về bảng vàng thành tích, bộ sưu tập của Hưng khá phong phú với gần trăm chiếc huy chương treo đầy nhà, cùng huy chương Vì sự nghiệp thể thao năm 2000 và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2001. Năm 2004, Trương Công Hưng chính thức kết thúc sự nghiệp của mình bằng chiếc huy chương bạc tròn trịa viên mãn trong Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc. Còn nếu xét về kỷ yếu ngành thể thao khuyết tật Việt Nam thì không thể không nhắc tới cái tên Trương Công Hưng đầy ngạo nghễ. Chính Hưng cùng những người bạn đã đặt nền móng ra đời CLB thể thao khuyết tật Hà Nội năm 1990 và đến tận 5 năm sau Hội Thể thao khuyết tật Việt Nam mới chính thức ra mắt.
Với Trương Công Hưng làm vận động viên là cái số trời nó định thế. Chính  bác Vũ Thế Phiệt – Tổng thư kí Hội Thể thao khuyết tật đã làm cho Hưng cảm thấy thể thao có tính nhân văn cao rồi dìu dắt anh tham gia từ những bước đầu chập chững. Hưng còn nhớ mãi buổi ban đầu, bàn tay đang chỉ quen với những phím đàn bay bổng nay đã hằn in những sạn chai, lại thấy quen từng khúc đường đua quanh quanh. Sáng sáng, độ 4-5h, ngày nắng ấm cũng như ngày mưa rét người ta lại thấy anh miệt mài tập luyện dọc con đường Hoàng Diệu, hay loanh quanh đường Bắc Sơn. Thể thao là bước ngoặt lớn làm thay đổi đời anh. Hưng trở thành vận động viên xe lăn, thành cua rơ xuất sắc luôn thay mặt cho Tổ quốc vinh dự đi khắp đó đây. Từ trời Âu giá lạnh hay nước Mỹ xa xôi, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Thái Lan,
Malaysia tham gia những sự kiện trọng đại, cả Para SEA Games, cả Paralympic…

Trương Công Hưng trở về đời thường với tư chất một lãng tử Hà thành

Cứ ngỡ Para Games 2 (2003) lần đầu tiên tổ chức tại quê nhà sẽ là thử thách lớn dành cho Trương Công Hưng, người vẫn quen lặng lẽ “đem chuông đi đánh xứ người” đã làm cả thế giới biết đến sức sống của thể thao Việt Nam. “Ai đi thi mà chẳng muốn được nhất. Mỗi lần được huy chương lại thấy sợ, sợ sẽ lại không vượt qua được chính mình nữa. Khi mình đã có huy chương, bạn bè, mọi người lại trông chờ. Người ta không hiểu rằng mỗi một năm sức khỏe lại yếu đi nhiều, thể lực đâu thể vượt qua được năm tháng” – Hưng tâm sự. Quả thật cái tuổi ngoài 40 không còn chờ chàng trai của những thành công nữa nhưng những người yêu mến đã dành cho anh tình cảm rất nhiều. “Mỗi cuộc thi đấu lại là một thử thách vượt qua bản thân. Nếu không đạt huy chương cũng thấy được niềm kiêu hãnh” –  cái máu lạc quan của chàng lãng tử yêu cây đàn đến độ suýt nguyện không lấy vợ lại trỗi dậy.
Không bỏ phí một câu chuyện nào về chàng trai đặc biệt này, đạo diễn Mạnh Cường đã chuyển thể cuộc đời vượt lên số phận của Hưng thành phim. Cuốn phim đã được đem đi dự thi và đoạt Vòng nguyệt quế vinh quang trong Liên hoan phim điện ảnh và truyền hình thể thao ở Milano nước Ý. Nhưng vinh quang này cũng chưa hẳn là bước chân đem anh đến thế giới bao la gắn với các cuộc thi đỉnh cao. Trong chuyến xuyên Việt một nhà báo nước ngoài đã hỏi Hưng: “Vì lý do gì, trong suốt cuộc hành trình tôi luôn thấy anh nằm trong tốp đầu, nhưng sức khỏe của anh thực sự không thể bằng những người bạn đến từ các nước khác” để nhận được một câu trả lời cảm động đến chân tình. Hưng đã nói: “Tại sao tôi lại không tiến lên phía trước ngay trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc mình để giới thiệu với bạn bè vẻ đẹp của quê hương xứ sở. Đó chẳng những là động lực háo hức với bất kỳ người khuyết tật nào như tôi mà còn là niềm tự hào to lớn”.  Hình ảnh phi thường của Hưng trong chuyến đi đó cùng câu trả lời giản dị này được phát đi khắp thế giới và cũng trở thành động lực nâng bước anh trong những giải đấu quốc tế vinh danh ý chí và nghị lực con người Việt Nam.
Kiện tướng về lái xe
Một thời, cái tên Nguyễn Minh Tâm hay còn được gọi với biệt danh “Tâm Con” luôn là một biểu tượng của môn đá cầu chinh – môn thể thao cùng với bóng bàn được coi là thời thượng của thanh niên Hà Nội từ thời bao cấp. Giờ đây, sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh  cao, “Tâm Con” trở về với những lo toan thường nhật của cuộc sống mưu sinh hằng ngày nhưng anh vẫn không thể từ bỏ niềm đam mê của mình.
Có lẽ môn đá cầu giống như một cái duyên mà ông trời se cho Nguyễn Minh Tâm. Mới đó, vào những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, còn thấy cậu bé Tâm chập chững theo người anh trai, một người rất nổi tiếng trong giới đá cầu phủi lang thang các sân cầu. Nhìn đàn anh bay nhảy, tung hứng quả cầu cậu bé phố Cầu Gỗ lập tức bị quyến rũ bởi môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai này. Chỉ hai năm sau, âm thầm làm quen với quả cầu chinh tự tạo từ những đồng xu Tâm đã dần bộc lộ tài năng thiên phú của mình và đã được gọi lên đội tuyển Hà Nội. Cũng từ đây, Nguyễn Minh Tâm bắt đầu hành trình chinh phục các giải đấu đỉnh cao trong nước và quốc tế. Bảng vàng thể thao Việt Nam còn ghi, từ năm 1991 cho đến năm 2000, “Tâm Con” gần như thống trị các giải đấu trong nước. 22 HCV là số danh hiệu mà Nguyễn Minh Tâm đã giành được từ các giải thanh thiếu niên cho đến giải vô địch quốc gia. Còn trên đấu trường quốc tế, “Tâm Con” mang về 8 HCV các nội dung thi đấu ở giải vô địch thế giới từ năm 2000 đến năm 2002, cùng 2 HCV SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam vào năm 2003.
Tất cả những thành tích cực kì ấn tượng trên cho thấy những đóng góp của Nguyễn Minh Tâm đối với thể thao nước nhà là rất đáng trân trọng. Năm 2004, “Tâm Con” đã từ giã sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Lý giải cho quyết định không gắn bó với thể thao chuyên nghiệp nữa, Minh Tâm cho biết: “Có những thời điểm mình cũng đã từng đi làm giảng viên về môn đá cầu nhưng có lẽ là mình chưa đủ duyên để theo nó”. Cái duyên ở đây có lẽ chỉ là cách nói tránh đi của “Tâm Con” chứ nó không phải là lý do thật sự. Bạn bè Tâm vẫn nói, tiếc cho Tâm có lẽ vì việc phải lo toan bươn chải với cuộc sống mưu sinh hằng ngày khiến anh không thể tiếp tục với môn đá cầu theo con đường chuyên nghiệp.
Khi còn thi đấu, Tâm nổi tiếng với lối đá cực kỳ nhanh nhẹn, mềm dẻo, linh hoạt. Đặc biệt anh sở hữu một cảm giác cầu tuyệt hảo. Điểm mạnh nhất của Tâm chính là phòng ngự. Trong đội hình đá đôi hoặc đội chỉ cần có anh ở dưới thì yên tâm tới 90%. “Tâm Con” chủ yếu thi đấu bằng đầu óc, anh dùng kỹ thuật rất nhiều. Trước đây, khi đá bằng quả cầu nhựa, các đối thủ đã từng thi đấu với anh đều phải chào thua khi không chịu nổi sự bền bỉ dẻo dai của Tâm. Không thể đóng góp cho môn đá cầu chuyên nghiệp nhưng Minh Tâm cũng có những cách thức rất riêng để quảng bá môn thể thao này. Nguyễn Minh Tâm kể lại: “Ở Hà Nội mà có sân đá cầu nào thì mình đều đến hết. Vì mình cho rằng mình nên mang trọng trách quảng bá môn đá cầu. Mình được như hôm nay, là do môn đá cầu nên mình muốn góp phần nhỏ bé để quảng bá nó”.
Đúng là so với những môn thể thao khác, cầu chinh trong tiềm thức của mọi người chỉ như một trò chơi dân gian. Vì vậy nó chưa thật sự được coi là một môn thể thao đúng nghĩa và khó phổ cập dù hàng ngày, hàng giờ vẫn chinh phục bao thế hệ thanh niên Hà Nội yêu mến. Tuy nhiên bù lại thì cầu chinh mang tính nghệ thuật rất cao. Mà đã là nghệ thuật thì phải có đam mê, có cống hiến mới mong thành công được. Điều này thì Nguyễn Minh Tâm chắc hẳn hiểu hơn ai hết. Do đó, anh thường chủ động giúp đỡ các bạn mới chập chững chơi cầu: “Mình sẽ giúp đỡ bằng các hình thức như tặng giày, hay là chỉ bảo những động tác cơ bản để họ dễ tiếp cận. Hoặc là mình sẽ nhờ một số anh em khác, những người có nhiều thời gian hơn giúp đỡ các bạn mới”.
Dù đã qua sự nghiệp đỉnh cao, trở về đời thường trong ánh hào quang của những tấm huy chương nhưng vẫn thấy niềm đam mê của chàng trai Hà thành với cầu chinh không thể từ bỏ.
Bài, ảnh: Thiên Lam

Bình luận (0)