Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nhà khoa học không bằng cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Sản phẩm máy thu gom rác thải do ông Phương phát minh đang làm vệ sinh đường phố (ảnh do nhân vật cung cấp)

Chưa tốt nghiệp đại học, không có bằng chứng nhận kỹ sư ngành chữa cháy nhưng số bằng phát minh sáng chế của ông là cả niềm mơ ước của bao nhiêu người từng tốt nghiệp kỹ sư hẳn hoi. Với gần 30 phát minh sáng chế tầm cỡ, ông là người Việt Nam đầu tiên được Cơ quan phát minh sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền sáng chế sản phẩm chữa cháy bằng khí nén CO2.
30 phát minh sáng chế có tầm cỡ
Ông là Phan Đình Phương (62 tuổi), Giám đốc Công ty An sinh xanh Đà Nẵng. Gặp ông, được trò chuyện với ông ít ai ngờ rằng đằng sau phong thái tự tại, nụ cười nhiều hơn lời nói ấy lại là cha đẻ của gần 30 phát minh sáng chế có tầm cỡ. Ông bảo, nói ít mà quan sát nhiều, lắng nghe còn hơn nói nhiều mà không quan sát. Và mỗi lần có sản phẩm mới, ông lại nhẫn nại lắng nghe dư luận khen chê rồi lặng lẽ suy nghĩ cái đúng, sai để rút kinh nghiệm. “Cơn đau của những người “đẻ” ra công nghệ mới trước  “búa rìu dư luận” của người đời đôi khi còn hơn cả cơn đau của người mẹ sinh con ngoài giá thú, nhưng lời khen chỉ là sự khích lệ còn lời chê mới là ân huệ lâu dài”. Một điều đặc biệt khác, tất cả các sáng chế của ông đều hướng về sự an sinh, về nhu cầu bức thiết nhất của cuộc sống thường nhật. 
Năm 1972, trong khi ông chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp Khoa Hóa – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng là lúc miền Nam đang vào những ngày tháng chiến tranh cam go ác liệt. Là thanh niên trai tráng, nhiệm vụ trước tiên là cần phải bảo vệ quê hương, làng xóm. Nghĩ thế, ông quyết định gác lại cái luận văn còn dang dở, tình nguyện đầu quân vào chiến trường Quảng Trị – nơi cuộc chiến xảy ra ác liệt nhất. Nhớ lại những ngày đó, ông nói: “Hồi đó cứ nghĩ làm sao đánh đuổi được kẻ thù trước đã, chuyện học hành gác lại vẫn chưa muộn”. Thế rồi, vì nhiều lý do khách quan, sau ngày hòa bình ông chưa thể tiếp tục trở lại trường để hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Ông nhận nhiệm vụ về Bộ Tư lệnh phòng không không quân, phụ trách chất lượng xăng dầu máy bay chuyên cơ A. Dẫu không có cơ hội tiếp tục con đường học vấn nhưng công việc đã cho ông niềm an ủi lớn bởi nó đúng với chuyên ngành ông học.
Mãi cho đến bây giờ khi mái đầu điểm bạc, ông vẫn còn vẹn nguyên cảm giác sung sướng khi sáng chế đầu tiên thành công: “Lúc đó, máy bay của ta dùng một loại xăng còn máy bay chiến lợi phẩm của địch lại dùng một loại xăng khác, mỗi lần bay từ Hà Nội vào TP.HCM lại phải kèm theo xe ô tô chở xăng vào thì máy bay mới có nhiên liệu bay trở về. Sự bất tiện ấy làm đau đầu không ít nhà nghiên cứu nhưng ông – một người chưa tốt nghiệp kỹ sư – lại thành công đầu tiên. “Sau nhiều tìm tòi, nghiên cứu, tôi đã lần mò pha chế ra nhiên liệu xăng dùng cho cả hai loại máy bay. Hôm thử vận hành bằng loại xăng này, khi được các chuyên cơ thông báo máy bay vẫn hoạt động tốt, tôi như người đi trên mây, quá hạnh phúc”.
Năm 1977, ông được điều về làm việc tại Nhà máy Dưỡng khí Đà Nẵng. Trong 7 năm công tác tại đây, ông đã có nhiều phát minh hữu ích, như: Phương pháp ướp tinh động vật bằng nitơ lỏng, chế axetilen từ đá vôi và than dùng để hàn kim loại. Năm 1984, khi về công tác tại kho xăng dầu KV5, nhận thấy dầu nhớt gặp nước mưa bị nhũ hóa, không thể sử dụng lại gây ô nhiễm môi trường. Tiếc của, ông nghĩ ra phương pháp tách nước khỏi nhớt để có thể sử dụng lại bình thường. Sáng kiến này được áp dụng ngay tại kho xăng dầu KV5, được Viện Nghiên cứu hóa học dầu mỏ của Liên Xô mời báo cáo khoa học. Cũng trong thời gian công tác tại đây, ông có thêm nhiều sáng chế gần gũi với cuộc sống đáng ghi nhận. Với ông, mỗi lần chuyển công tác đến đơn vị mới là một cơ hội để trải nghiệm, sáng tạo.
Thế giới khâm phục

Ông Phan Đình Phương bên máy chữa cháy bằng khí nén CO2 đẩy tay 

Trong câu chuyện với tôi, Phan Đình Phương nhớ như in hoàn cảnh “thai nghén” rất chi tiết từng “đứa con tinh thần” của mình. Nhưng ông hào hứng nhất khi nói đến máy chữa cháy tự động dùng CO2 đẩy bọt dập lửa. Còn nhớ vào lúc nó vừa “chào đời”, công trình không chỉ gây tiếng vang trong nước mà được cả thế giới biết đến. Cơ quan sở hữu trí tuệ thế giới WIPO thừa nhận: “Vượt qua các sáng chế cùng lĩnh vực của Nga, Mỹ, Nhật và cơ quan Patent châu Âu”. Được Cơ quan sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền sáng chế. Chia sẻ bí quyết thành công, ông nói: “Đám cháy nào dù lớn đến đâu cũng đều bắt nguồn từ một mồi lửa nhỏ. Thế nên tôi đã nghĩ ra cách dập tắt lửa ngay từ khi mới phát sinh bằng giải pháp dùng khí CO2 đẩy nước, đẩy bọt chữa cháy… dập tắt rất nhanh những đám cháy xăng, gỗ, cháy văn phòng… mà không làm hỏng các vật chưa cháy”.
“Để có được thành công này, suốt 14 năm ròng rã, lúc nào tôi cũng nghĩ về nó. Tình cờ một lần uống bia cùng bạn bè, vô tình phát hiện khí CO2 đã bị ép vào nước, không tồn tại thể tích, nếu lon 1 lít thì thu về một lít bia nhưng lại có bọt lớn gấp 3 lần bia thoát ra. Bọt là thứ chữa cháy hiệu quả nhất. Không ngờ ý tưởng đó khi bắt tay vào thực hiện lại thành công, đặc biệt là không cần bơm nước, không cần điện, không cần máy nổ và tự động chữa cháy. Có thể chữa cháy cho chất lỏng, chất khí (gas), chất rắn và điện. Một lít nước hầu như không chữa được một đám cháy, nhưng cái máy này có thể chuyển một lít nước thành 1.500 lít hơi nước chỉ trong 3 giây…”, ông Phương phấn khởi cho biết.
An sinh cho nhiều người
Ở vào cái tuổi ngoại lục tuần, ông vẫn miệt mài nghiên cứu với mỗi ngày đến 17, 18 giờ không nghỉ. Mới đây nhất, chiếc máy thu gom vật liệu đa năng, có thể quét dọn rác, thu gom đậu, lúa, ngô thậm chí còn có thể làm vệ sinh bệnh viện, nhà ga… do ông sáng chế khiến không ít nhà khoa học tham gia Hội chợ triển lãm Techmart ngỡ ngàng. “Chỉ với động cơ 100cc, nhờ vận dụng nguyên lý khí động học hàng không kết hợp với mô phỏng động tác quét rác của con người nên máy có thể hút, dọn tất cả các rác rưởi, bụi bặm của đường phố, kể cả ổ gà…”, ông Phương nói.
Thành công là vậy. Chỉ tính đơn thuần mỗi sáng chế của ông cũng đã mang về tiền tỷ nhưng ít ai biết rằng ông lại là một “tỷ phú” không đồng xu dính túi, không mái nhà che nắng mưa. Ăn mì tôm, ngủ tại phòng làm việc. Sinh ra và lớn lên trên vùng cát trắng thuộc xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị, đi qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc, cậu bé trường làng ngày ấy từng thấm thía hết nhọc nhằn của người dân quê mình. Bởi vậy, đến bây giờ dù đã có rất nhiều phát minh, ông vẫn từ tốn bảo mình chưa phải là kỹ sư: “Tôi chỉ là một anh nông dân nửa mùa, cày không được, cuốc không xong nên đi nghiên cứu để làm ra những thứ phục vụ cho nhu cầu của bà con nhân dân”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)